Nhiều vướng mắc trong giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi

Kinh tế - Ngày đăng : 06:23, 29/08/2024

(BKTO) - Bộ Tài chính cho biết, đến hết tháng 7/2024, các Bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài mới đạt 20,66%; các địa phương giải ngân đạt 15,23%.
13.jpg
Đến hết ngày 31/7/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài mới đạt 17,93%. Ảnh: ST

Ì ạch giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo của các Bộ, ngành và theo số liệu từ hệ thống Tabmis, đến hết ngày 31/7/2024 tỷ lệ giải ngân đầu tư công nguồn vốn nước ngoài của các Bộ, ngành, địa phương mới đạt 17,93%. Cụ thể, tỷ lệ kế hoạch vốn các Bộ, ngành đã phân bổ và nhập Tabmis được 89%; tỷ lệ giải ngân của các Bộ, ngành mới được 20,66% kế hoạch vốn được giao, trong đó Bộ Giao thông vận tải đạt trên 33,57%, Viện Hàn Lâm khoa học và Công nghệ Việt Nam đạt 21,47%, Bộ Tài nguyên và Môi trường đạt 13,99%, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đạt 13,57%; 6 Bộ, ngành chưa giải ngân kế hoạch vốn năm 2024...

Theo Bộ Tài chính, các Bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều biện pháp quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh công tác giải ngân vốn, như: Đôn đốc các chủ đầu tư đăng ký kế hoạch giải ngân theo tháng; rà soát và kiện toàn các ban chỉ đạo để phân công các lãnh đạo bộ trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác triển khai các dự án... Tuy nhiên, tiến độ giải ngân chưa đạt như kỳ vọng vì những nguyên nhân không mới, trong đó có vướng mắc ở khâu đấu thầu hoặc hợp đồng thương mại; vướng mắc về giải phóng mặt bằng; vướng mắc do điều chỉnh thiết kế; chậm tiến hành công tác nghiệm thu, thanh toán. Đây là những vướng mắc thuộc trách nhiệm của Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và các ban quản lý dự án. Bên cạnh đó, trong năm 2024, có một số địa phương còn lúng túng trong việc lập kế hoạch vốn, không dự kiến được tiến độ thực hiện dự án và số vốn cần giải ngân nên đã lập kế hoạch vốn không sát thực tế.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ tiến độ, khẩn trương xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Các địa phương đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính.

Theo UBND TP. Hồ Chí Minh, 6 tháng đầu năm 2024, Thành phố đã giải ngân 711,162 tỷ đồng vốn ODA, đạt 13,24% kế hoạch. Tỷ lệ giải ngân vốn ODA và vốn vay ưu đãi của một số dự án chưa cao một phần do quy trình, thủ tục quản lý và sử dụng vốn ODA còn phức tạp. Thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án, thủ tục gia hạn, đàm phán, ký kết thỏa thuận vay còn mất nhiều thời gian. Ngoài ra, việc chưa thống nhất giữa chủ dự án và nhà thầu về những khác biệt trong cách hiểu tại một số điều khoản hợp đồng, quy định của nhà tài trợ… cũng ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện, giải ngân vốn của các chương trình, dự án.

Tại Hà Nội, kết quả giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2024 đến hết ngày 31/7/2024 là 23.290 tỷ đồng, đạt 28,7% kế hoạch. Trong đó, giải ngân phần vốn ODA cấp phát 208 tỷ đồng, đạt 8,9% kế hoạch. Các dự án sử dụng vốn ODA của Thủ đô cũng gặp nhiều khó khăn như: Dự án tuyến đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội có 1 hiệp định vay của nhà tài trợ ADB chưa được gia hạn; Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 (đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo) đang thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, điều chỉnh dự án...

Đại diện Vụ Kế hoạch Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong quá trình giải ngân nguồn vốn này là khâu thẩm định dự toán; việc tìm các nhà thẩm định giá, báo giá hiện nay cũng gặp khó khăn.

Quyết liệt thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi

Để phấn đấu đạt tỷ lệ giải ngân đối với nguồn vốn ODA, vay ưu đãi nước ngoài ít nhất 95% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2024, Bộ Tài chính và các Bộ, ngành thống nhất theo dõi sát sao và quyết liệt thực hiện các giải pháp đẩy nhanh giải ngân nguồn vốn này.

Bộ Tài chính sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để hỗ trợ công tác giải ngân. Bộ sẽ thường xuyên làm việc với các Bộ, ngành, địa phương, các chủ dự án để ghi nhận kịp thời các vướng mắc, khuyến nghị các giải pháp xử lý theo thẩm quyền; tiếp tục trao đổi với các nhà tài trợ nhằm rút ngắn thời gian và đơn giản hóa thủ tục đối với ý kiến không phản đối.

Bộ Tài chính đề nghị các Bộ, ngành, địa phương giám sát chặt chẽ tiến độ, khẩn trương xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng. Các địa phương đặc biệt lưu ý các dự án có năm lập kế hoạch là năm giải ngân cuối cùng để đảm bảo đủ vốn cho các dự án, tránh việc phải gia hạn giải ngân, gia hạn thời gian thực hiện, phát sinh nhiều thủ tục hành chính. Đối với chương trình, dự án cần điều chỉnh chủ trương đầu tư, các địa phương cần báo cáo và phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương điều chỉnh đầu tư. Khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì phối hợp với Bộ Tài chính để điều chỉnh thời hạn giải ngân, điều chỉnh phân bổ vốn theo các hiệp định vay đã ký (nếu có). Đối với các dự án có vướng mắc trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai dự án, các địa phương, ban quản lý dự án khẩn trương hoàn tất các thủ tục về đầu tư, xây dựng, về di dân tái định cư, giải phóng mặt bằng để triển khai thực hiện dự án; hoàn thiện các thiết kế kỹ thuật, giải quyết các khó khăn vướng mắc trong việc đấu thầu hợp đồng; sớm xử lý các vướng mắc phát sinh trong từng khâu thực hiện dự án.

Về lâu dài, khi Luật Đầu tư công (sửa đổi) được ban hành được kỳ vọng sẽ khắc phục những vướng mắc hiện hành. Ngày 23/8, Bộ Tư pháp đã tổ chức phiên họp Hội đồng tư vấn thẩm định đề nghị xây dựng Luật Đầu tư công (sửa đổi) để trình Quốc hội tại Kỳ họp tháng 10/2024. Đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư - đơn vị chủ trì việc soạn thảo Luật này cho biết, sau gần 5 năm thực hiện, Luật Đầu tư công năm 2019 đã bộc lộ một số hạn chế, một số quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu phát triển trong tình hình mới. Luật Đầu tư công (sửa đổi) sẽ tập trung vào 5 nhóm chính sách lớn, trong đó có nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài. Mục tiêu của nhóm chính sách này nhằm đơn giản hóa trình tự, thủ tục xây dựng, thực hiện kế hoạch vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài, phù hợp với tính chất đặc thù của nguồn vốn này để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn./.

THÙY ANH