Thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 22:39, 29/08/2024
Đổi mới sáng tạo xanh trong doanh nghiệp còn nhiều hạn chế
TS. Nguyễn Thị Luyến - Trưởng Ban Nghiên cứu thể chế kinh tế, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) - cho biết, đổi mới sáng tạo xanh trong DN là hoạt động nhằm hướng đến việc sản xuất các sản phẩm, hàng hóa thân thiện với môi trường hơn và giảm tác hại đến môi trường, như: Giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện khả năng tái chế các sản phẩm đã qua sử dụng hoặc tận dụng các vật liệu tái chế, sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả và có trách nhiệm hơn…
Về thực trạng thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DN Việt Nam hiện nay, theo bà Luyến, các DN đã quan tâm thực hiện ở nhiều lĩnh vực, như: Nông nghiệp, hàng tiêu dùng, xử lý chất thải, năng lượng, chế biến thực phẩm... Tại nhiều địa phương, nhiều mô hình kinh tế hướng tới thân thiện với môi trường được DN đẩy mạnh áp dụng như: Kinh tế dưới tán rừng, kinh tế tuần hoàn, du lịch sinh thái, nông nghiệp xanh... Bên cạnh đó, nhiều DN cũng quan tâm thực hiện đổi mới sáng tạo xanh thông qua thực hành ESG (bộ tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị), đổi mới công nghệ sản xuất sạch hơn, xanh hóa sản xuất…, nhằm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững và bắt kịp với sự thay đổi thị hiếu của người tiêu dùng, đặc biệt là đáp ứng các yêu cầu của thị trường quốc tế.
Phát triển theo hướng xanh đang dần trở thành tấm “hộ chiếu” để DN có thể tham gia vào thị trường thế giới và tiếp cận được các mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ông Nguyễn Hoa Cương
Phó Viện trưởng CIEM
Mặc dù hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong DN đã, đang được quan tâm thực hiện, tuy nhiên bà Luyến cho rằng hoạt động này vẫn còn khá nhiều hạn chế. Biểu hiện là, mức độ ứng dụng và cập nhật công nghệ trong DN còn khá thấp, các sản phẩm sản xuất ra có giá trị gia tăng không cao, sản phẩm mới với DN nhưng không mới với thị trường. Mặt khác, phương thức đổi mới sáng tạo xanh phổ biến được nhiều DN thực hiện là điều chỉnh những sản phẩm hiện có cho phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng, phù hợp với điều kiện vận hành ở địa phương; hoặc thực hiện cải tiến hệ thống sản xuất hiện có để thực hiện những công đoạn lẽ ra phải cần đầu tư những máy móc chuyên dùng đắt tiền. Đặc biệt, do hàm lượng công nghệ trong các DN còn thấp, các DN chủ yếu “đổi mới xanh” trong việc sử dụng nguyên liệu đầu vào (đối với DN tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp, thực phẩm), áp dụng quy trình tuần hoàn (đối với DN nông, lâm, thủy sản). Số lượng DN thực hiện đổi mới công nghệ xanh hơn chưa nhiều, tỷ lệ DN áp dụng mô hình kinh doanh tuần hoàn không cao, việc thực hành ESG tại DN còn nhiều hạn chế…
Nhiều rào cản lớn đang hiện hữu
Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo xanh trong DN, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, phần lớn DN Việt có năng lực còn hạn chế, cả về nhân lực và nguồn lực tài chính. Trong khi đó, thực hiện đổi mới sáng tạo theo hướng xanh đòi hỏi sự đầu tư đổi mới công nghệ với nguồn lực đủ lớn và trình độ nhân lực tương ứng. Vì vậy, hầu hết DN gặp khó khăn trong việc thực hiện quá trình này. Hơn nữa, mặc dù nhận thức được sự cần thiết phải đổi mới sáng tạo, phải chuyển đổi theo hướng xanh để phù hợp với xu hướng phát triển, nhưng nhiều DN cho rằng, trong giai đoạn nền kinh tế trong nước còn nhiều khó khăn cùng với những bất ổn của kinh tế toàn cầu, DN đặt sự ưu tiên lớn nhất là duy trì ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, hơn là thực hiện đầu tư, chú trọng đến hoạt động đổi mới sáng tạo nói chung và thực hiện chuyển đổi theo hướng xanh nói riêng.
Bên cạnh yếu tố chủ quan từ phía DN, theo các chuyên gia, những hạn chế về mặt cơ chế, chính sách cũng là một rào cản lớn. Biểu hiện là, hệ thống giải pháp, chính sách liên quan đến thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đổi mới sáng tạo xanh trong DN chưa thực sự đồng bộ, nhất quán, chậm được hướng dẫn và vẫn còn những khoảng trống pháp lý. Đơn cử như, chưa có khái niệm, quy định về tiêu chí xác định DN đổi mới sáng tạo, DN đổi mới sáng tạo xanh, trong khi đây là yếu tố quan trọng để có chính sách hỗ trợ và thúc đẩy các DN thực hiện đổi mới sáng tạo xanh. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ DN đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh chủ yếu là các chương trình tập huấn, đào tạo, trong khi DN có nhu cầu lớn về hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ, tài chính và kết nối chuỗi cung ứng. Mặt khác, các chính sách thúc đẩy sản xuất sản phẩm, dịch vụ xanh chưa tạo động lực mạnh mẽ cho các DN đầu tư thay đổi dây chuyền công nghệ, để tạo ra những chuyển biến đáng kể về công nghệ và quy trình sản xuất. Về nguồn vốn, việc phát triển tín dụng xanh còn hạn chế, số lượng DN tiếp cận được tín dụng xanh còn rất ít, từ đó khiến DN hạn chế về nguồn lực để thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh…
Trước thực trạng trên, đưa khuyến nghị để thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động đổi mới sáng tạo xanh trong các DN Việt, ông Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng CIEM - cho rằng, Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, trong đó cần quy định cụ thể về tiêu chí xác định DN đổi mới sáng tạo, DN đổi mới sáng tạo xanh. Đồng thời, gia tăng các chính sách hỗ trợ DN thực hiện đổi mới sáng tạo xanh, chuyển đổi xanh, nhất là các chính sách về thuế, tài chính, đầu tư, thị trường, các chính sách hỗ trợ hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), các chính sách khuyến khích liên kết giữa ngành, lĩnh vực, địa phương trong thực hiện đổi mới sáng tạo xanh…
Về phía DN, bản thân DN cần thay đổi nhận thức phát triển theo hướng xanh hay thực hiện các hoạt động đổi mới sáng tạo xanh là “con đường độc đạo”, là vấn đề sống còn của DN trong bối cảnh hiện nay và tương lai. Từ đó, DN sẽ chủ động đề ra các giải pháp, cũng như xây dựng kế hoạch, chiến lược để thực hiện quá trình chuyển đổi./.