Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Văn kiện mang giá trị lịch sử và thời đại
Chính trị - Ngày đăng : 19:26, 30/08/2024
Văn kiện lịch sử vô giá của dân tộc
Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng do đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn đọc đầy xúc động và tự hào: “Hơn 60 năm qua, từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Hồ Chủ tịch đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Người đã trải qua một cuộc đời oanh liệt, đầy gian khổ hy sinh… Dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra Hồ Chủ tịch, Người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, Nhân dân ta, non sông đất nước ta”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”. Trước khi đi xa, Bác vẫn không quên để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng.
Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên những suy nghĩ tâm huyết và sâu xa của Người. Trước hết nói về Đảng, Người nhắc nhở: “Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân tộc ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần phải giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Người nói: “Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”.
Với đoàn viên, thanh niên, Người căn dặn: “Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”.
Đối với nhân dân lao động, Người dành những tình cảm trìu mến: “Nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng. Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.
Bác kết thúc bản Di chúc của mình: “Điều mong muốn cuối cùng của tôi là: Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Thực hiện Di chúc của Người và học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, là trách nhiệm của các tổ chức đảng, các cấp chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, xây dựng văn hóa, con người Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm châu” như Chủ tịch Hồ Chí Minh hằng mong muốn.
GS,TS. Nguyễn Xuân Thắng - Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương
55 năm qua, nhân dân Việt Nam anh hùng, dưới ngọn cờ lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã đoàn kết một lòng, đem hết tinh thần và nghị lực, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ và hy sinh, phấn đấu không mệt mỏi để biến thành hiện thực những lời Bác dặn. Nhờ đó, đã giành được những thắng lợi vang dội làm rạng rỡ non sông đất nước, mà đỉnh cao là Chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và Đại thắng mùa Xuân năm 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thực hiện lời tiên đoán của Người: Nước ta sẽ có vinh dự lớn là một nước nhỏ mà đã anh dũng đánh thắng hai đế quốc Pháp và Mỹ, góp phần xứng đáng vào phong trào giải phóng dân tộc.
“Ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam
Theo đánh giá của các chuyên gia trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn kiện lịch sử vô cùng quý giá ở tầm cương lĩnh của Đảng - một bảo vật quốc gia, kết tinh tình cảm và tâm huyết suốt cả cuộc đời hoạt động cách mạng cao cả, tận trung Tổ quốc, với Đảng, tận hiếu với nhân dân; hội tụ trí tuệ lỗi lạc, thể hiện sâu sắc tư tưởng, đạo đức, phong cách mẫu mực, trái tim nhân ái bao la của một lãnh tụ cách mạng vĩ đại, một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
55 năm đã qua, Di chúc vẫn vẹn nguyên giá trị thời đại, là “ngọn đuốc” soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta. Tất cả những lời căn dặn của Người trong Di chúc đều hướng tới “mong muốn cuối cùng” là: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh và góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”.
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử có giá trị thực tiễn và lý luận sâu sắc không chỉ đối với Việt Nam mà với cả thế giới. Trả lời phỏng vấn phóng báo chí tại Buenos Aires, Tổng biên tập báo Resumen Latinoamericano, Carlos Aznares khẳng định: Chủ tịch Hồ Chí Minh, chiến sỹ lỗi lạc của phong trào Cộng sản và công nhân quốc tế, là người đã gắn cách mạng Việt Nam với cách mạng thế giới thời đại. “Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh tư tưởng và đạo đức của một nhân cách lớn” - ông Carlos Aznares nhấn mạnh.
Theo nhà báo Carlos Aznares, trên cơ sở nhận thức cách mạng Việt Nam là một bộ phận, có quan hệ mật thiết với cách mạng vô sản và phong trào giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa, phụ thuộc trên thế giới, Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thực hiện đoàn kết quốc tế sâu sắc trên nguyên tắc bình đẳng dân tộc và hợp tác cùng có lợi. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, những di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đoàn kết quốc tế vẫn còn nguyên tính thời sự, tính khoa học và thực tiễn, bởi đó chính là sự đúc kết, trải nghiệm từ chính cuộc đời hoạt động cách mạng của Người.
Nhà sử học John Callow - cựu Giám đốc Trung tâm lưu trữ, Bảo tàng Thư viện Marx tại London - cho rằng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh không mang tính giáo điều, máy móc, mà là kim chỉ nam cho hành động và nguyên tắc chính trị, có tính chất như một cương lĩnh chính trị chứa đựng những giá trị vĩnh cửu, là hướng dẫn hành động có thể vận dụng sáng tạo trong mọi tình huống.
Đánh giá tổng thể, nhà sử học người Anh cho rằng Di chúc đi sâu vào hầu hết mọi lĩnh vực, đúc kết mọi tư tưởng, hy vọng và mơ ước của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như những nền tảng tư tưởng, đạo đức và phong cách của Bác, là sự tổng kết cuộc đời của một lãnh tụ khiêm nhường, gương mẫu và luôn đặt nhân dân trong tim. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện về sự tin cậy và lòng tin giữa lãnh đạo và nhân dân, ghi lại chân thực những hy vọng, ước mơ và khát vọng của Bác đối với hậu thế. “Với tư tưởng nhân văn sâu sắc, Di chúc mang đến cho người dân Việt Nam tinh thần lạc quan rằng con đường phía trước, dù khó khăn đến mấy, đích đến cuối cùng sẽ là một xã hội bình đẳng, công bằng, nơi phụ nữ được coi trọng như nam giới, nơi trẻ em có thể phát huy hết tiềm năng” - nhà sử học John Callow nhận định.
Gần 40 năm đổi mới, nhân dân ta đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử, tạo ra thế và lực mới cho cách mạng Việt Nam, tạo tiền đề rất quan trọng để chúng ta tiếp tục công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Nhìn lại chặng đường lịch sử vẻ vang, chúng ta càng nhận thức rằng, mỗi bước đi lên, mỗi chiến công và thành tựu của Đảng ta, dân tộc ta giành được, đều bắt nguồn từ công lao trời biển và gắn liền với tên tuổi của Chủ tịch Hồ Chí Minh./.