Phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp: Thời điểm chín muồi để ban hành văn bản Hướng dẫn

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 16:10, 10/12/2018

(BKTO) - Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên trả lời phỏng vấn của Báo Kiểm toán


♦ Kính thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, hiện nay, KTNN đang lấy ý kiến để hoàn thiện và ký ban hành Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán báo cáo tài chính DN (Hướng dẫn). Xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết về tầm quan trọng của việc ban hành Hướng dẫn nêu trên?

         

   Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên
- Có thể nói, việc xây dựng và ban hành Hướng dẫn này có ý nghĩa vô cùng quan trọng bởi một số lý do chủ yếu sau:

Một là, việc xây dựng và ban hành Hướng dẫn là phù hợp với xu hướng phát triển của hoạt động kiểm toán trên thế giới, phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, do hiện nay, hầu hết các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới (SAI) đang áp dụng phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên rủi ro và xác định trọng yếu; đồng thời, KTNN Việt Nam là thành viên Tổ chức Các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Tổ chức quốc tế Các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI) và là Chủ tịch ASOSAI nhiệm kỳ 2018-2021 nên cần tuân thủ cam kết trong việc thực hiện và tuân thủ ISSAI.

Hai là, để hiện thực hóa mục tiêu phát triển của KTNN đến năm 2020: “…xây dựng KTNN có trình độ chuyên nghiệp cao, từng bước hiện đại, trở thành cơ quan kiểm tra tài chính công có trách nhiệm và uy tín, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với các thông lệ và chuẩn mực quốc tế”, KTNN đã ban hành Hệ thống Chuẩn mực KTNN theo hướng tuân thủ ISSAI và cần phải đưa vào áp dụng vào thực tế kiểm toán. Tuy nhiên, nhiều chuẩn mực trong Hệ thống Chuẩn mực KTNN, đặc biệt là các chuẩn mực mang tính chuyên môn sâu như: “đánh giá rủi ro, xác định trọng yếu” còn mang tính nguyên tắc, cần phải có các hướng dẫn cụ thể mới có thể áp dụng được vào thực tiễn.

Ba là, phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu có rất nhiều ưu điểm so với phương pháp tiếp cận kiểm toán truyền thống: Phương pháp này cho phép các SAI có thể sử dụng hiệu quả nhất các nguồn lực để đạt được mục tiêu đề ra trên cơ sở tập trung vào các nội dung, vấn đề trọng yếu của cuộc kiểm toán, giảm thiểu rủi ro kiểm toán tới mức thấp chấp nhận được, đưa ra ý kiến xác nhận dựa trên cơ sở khoa học, nâng cao giá trị và độ tin cậy của các báo cáo kiểm toán, tăng tính chuyên nghiệp của Kiểm toán viên nhà nước, uy tín, trách nhiệm giải trình của cơ quan KTNN Việt Nam trước Quốc hội, Chính phủ và công chúng.

Bốn là, việc ban hành Hướng dẫn để khắc phục các hạn chế trong kiểm toán báo cáo tài chính doanh nghiệp (BCTCDN) của KTNN trong việc đưa ra ý kiến xác nhận tính trung thực, hợp lý của báo cáo tài chính: ban hành khung định lượng để xác định mức trọng yếu, từ đó làm căn cứ để xác định các khoản mục, thông tin thuyết minh trọng yếu cần phải tập trung kiểm toán, xác định mẫu chọn kiểm toán theo đúng lý thuyết về xác suất, làm căn cứ đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính một cách khoa học; thống nhất và chuẩn hóa trong cách trình bày đưa ra ý kiến về báo cáo tài chính trong báo cáo kiểm toán phù hợp với quy định tại Chuẩn mực KTNN và thông lệ quốc tế.

Xuất phát từ thực trạng trên, việc xây dựng và ban hành Hướng dẫn sẽ là một trong những bước tiến quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển hoạt động chuyên môn, nâng cao tính chuyên nghiệp của KTNN Việt Nam.

♦ Vì sao đây là thời điểm thích hợp để KTNN xây dựng và ban hành Hướng dẫn này, thưa Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước?

- Sau gần 25 năm xây dựng và phát triển, đây chính là thời điểm thích hợp để KTNN xây dựng và ban hành Hướng dẫn này.
Thứ nhất, Hệ thống Chuẩn mực KTNN mới được ban hành có hiệu lực áp dụng từ ngày 15/9/2016. Để áp dụng một cách toàn diện và hiệu quả Hệ thống Chuẩn mực KTNN trên, KTNN đã xây dựng kế hoạch, lộ trình thực hiện cụ thể, bài bản, thận trọng: trước hết là đào tạo, tập huấn Hệ thống Chuẩn mực KTNN; xác định các nội dung cần phải hướng dẫn; cử các cán bộ, công chức và Kiểm toán viên nhà nước tham gia các khóa học quốc tế liên quan để học tập kinh nghiệm; áp dụng một số cuộc kiểm toán thí điểm để rút kinh nghiệm. Từ thực tiễn triển khai cuộc kiểm toán thí điểm, học tập kinh nghiệm quốc tế, khảo sát nghiên cứu tại một số công ty kiểm toán hàng đầu tại Việt Nam, KTNN Việt Nam mới tiến hành xây dựng Hướng dẫn bảo đảm chất lượng.

Thứ hai, qua hơn 24 năm xây dựng và phát triển, đến nay, vị trí, chức năng, nhiệm vụ của KTNN đã được quy định trong Hiến pháp. Nhiệm vụ Đảng, Quốc hội, Chính phủ giao cho KTNN ngày càng nặng nề, với yêu cầu ngày càng lớn; đòi hỏi của người dân, dư luận xã hội về chất lượng hoạt động kiểm toán của KTNN ngày càng cao. Thế giới quan về công tác kiểm toán đã thay đổi căn bản, chuyển sang giai đoạn mới, giai đoạn mà kết luận, kiến nghị kiểm toán đòi hỏi phải chính xác, khách quan dựa trên bằng chứng xác đáng được thu thập.

Thứ ba, đây cũng là thời điểm KTNN đang rà soát, hoàn thiện các văn bản quản lý và văn bản chuyên môn nghiệp vụ bao gồm cả Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán phù hợp với Hệ thống Chuẩn mực KTNN. Do đó, việc ban hành các hướng dẫn chuẩn mực nói chung và Hướng dẫn phương pháp tiếp cận kiểm toán dựa trên đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong kiểm toán BCTCDN nói riêng cần phải phù hợp và đồng bộ với các văn bản hiện hành của KTNN để chuẩn bị sửa đổi Luật KTNN.

♦ Xin Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, để hoàn thiện và ban hành văn bản Hướng dẫn với chất lượng tốt nhất, có tính khả thi cao thì việc tham gia đóng góp ý kiến cần tập trung, chú trọng vào những nội dung nào?

- Theo tôi, để hoàn thiện và ban hành Hướng dẫn với chất lượng tốt nhất, có tính khả thi cao, việc tham gia đóng góp ý kiến cần tập trung, chú trọng vào một số nội dung quan trọng sau:

Một là, tập trung đánh giá, nhận xét đối với cả bố cục kết cấu và nội dung tổng quan của Hướng dẫn bảo đảm khoa học, hợp lý dễ hiểu, dễ áp dụng theo đúng trình tự các bước thực hiện kiểm toán, bao quát được các tình huống liên quan đến kiểm toán BCTCDN.

Hai là, xem xét việc phù hợp của Hướng dẫn với Hệ thống Chuẩn mực KTNN đã ban hành, thông lệ quốc tế, kế thừa được kinh nghiệm thực tiễn trong hoạt động kiểm toán của KTNN và các công ty kiểm toán độc lập có uy tín (Big Four), bảo đảm tính khả thi, phù hợp với trình độ và điều kiện thực tiễn của KTNN Việt Nam.

Ba là, tập trung tham gia các nội dung chính của văn bản: chính sách xác định trọng yếu kiểm toán BCTCDN (gồm khung tỷ lệ xác định trọng yếu về định lượng và các nguyên tắc xác định về định tính) được xây dựng theo kinh nghiệm quốc tế và khảo sát từ nhóm Big Four; hướng dẫn vận dụng đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong việc khảo sát, lập Kế hoạch kiểm toán; trong giai đoạn thực hiện kiểm toán, hướng dẫn thực hiện các thủ tục kiểm toán, thu thập bằng chứng kiểm toán, rà soát lại kết quả đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu trong quá trình kiểm toán, tổng hợp đánh giá bằng chứng kiểm toán, ước lượng sai sót; trong giai đoạn lập báo cáo, hướng dẫn hình thành ý kiến kiểm toán theo từng trường hợp cụ thể (ý kiến chấp nhận toàn phần, ý kiến ngoại trừ, ý kiến trái ngược, từ chối đưa ra ý kiến) với các ví dụ cụ thể minh họa cho Hướng dẫn.

Cuối cùng, để đảm bảo tính khả thi của Hướng dẫn, cần tham gia ý kiến đối với mẫu biểu hồ sơ kiểm toán kèm theo Hướng dẫn. Các mẫu biểu hồ sơ kiểm toán kèm theo Hướng dẫn cần phải vừa phù hợp logic với các nội dung thuộc Hướng dẫn vừa phải phù hợp, đồng bộ với Hệ thống mẫu biểu hồ sơ kiểm toán của KTNN.

♦ Xin trân trọng cảm ơn Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước!
HỒNG THOAN (thực hiện)
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018