Lào Cai hội tụ đầy đủ tiềm năng, lợi thế trở thành cực tăng trưởng của vùng và cả nước
Kinh tế - Ngày đăng : 22:01, 30/08/2024
Đó là đánh giá của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lào Cai ngày 30/8 nhằm đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại 8 tháng năm 2024, nhiệm vụ trọng tâm các tháng cuối năm và việc triển khai thực hiện Quy hoạch ngành quốc gia về năng lượng, khoáng sản trên địa bàn tỉnh.
Phát biểu tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh, Lào Cai là tỉnh biên giới, được xem như “phên dậu của Tổ quốc” với chiều dài của đường biên giới hơn 182 km liền với tỉnh Vân Nam (Trung Quốc); giữ vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, quân sự, đối ngoại của đất nước với phương châm “giữ rừng, giữ nước, giữ môi trường, giữ dân, giữ biên giới”.
Đáng chú ý, Lào Cai nằm ở vị trí trung tâm khu vực trung du, miền núi phía Bắc; thuộc khu vực 02 hành lang kinh tế lớn (Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lào Cai - Hà Nội - Lạng Sơn), Lào Cai được xem như là cửa ngõ kết nối Việt Nam và các nước ASEAN với Trung Quốc.
Bên cạnh đó, Lào Cai còn là nơi “sông đầu nguồn, núi tuyệt đỉnh” với các địa danh du lịch nổi tiếng, đã có thương hiệu (như Sa Pa, đỉnh Phan Xi Păng, Bắc Hà); có cửa khẩu quốc tế lớn (trong tương lai, dự kiến có thêm 2 cửa khẩu quốc tế theo quy hoạch đã được phê duyệt); hạ tầng giao thông kết nối với đầy đủ các phương thức về đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường hàng không (trong tương lai gần sẽ có Cảng hàng không Sa Pa); giàu tài nguyên khoáng sản với nhiều loại khoáng sản quý, chất lượng cao và trữ lượng lớn (apatit, sắt, đồng,…); cùng với nền văn hóa đa dạng, có bản sắc riêng, rất độc đáo của 25 dân tộc...
Báo cáo cụ thể về tình hình sản xuất công nghiệp, hoạt động thương mại trên địa bàn tỉnh, ông Đặng Xuân Phong - Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai cho biết, trong những năm qua, Lào Cai đã khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho tăng trưởng phát triển; trong đó công nghiệp là trụ cột quan trọng; thương mại du lịch, dịch vụ là đột phá; nông, lâm nghiệp và xây dựng nông thôn mới là trọng tâm. Phát triển kinh tế gắn với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, giảm nghèo bền vững, nâng cao vật chất và tinh thần của nhân dân. Giữ vững ổn định chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Với nhiều điều kiện và lợi thế, tỉnh Lào Cai đã và đang trở thành động lực phát triển của khu vực Trung du và miền núi phía Bắc.
8 tháng năm 2024, tình hình sản xuất công nghiệp gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn trên đà tăng trưởng ở cả 3 lĩnh vực: công nghiệp khai thác, chế biến và điện nước. Giá trị sản suất công nghiệp ước đạt 29.489 tỷ đồng tăng 6% so với năm trước, bằng 56,5% kế hoạch năm. Cùng với đó, hoạt động kinh doanh thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh diễn ra khá sôi động. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm dồi dào, hàng hóa được lưu thông thông suốt, giá cả hàng hóa ổn định. Tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ xã hội ước đạt 28.958,1 tỷ đồng, bằng 74,3% so với Kế hoạch, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, hoạt động xuất nhập khẩu, thương mại biên giới và hội nhập quốc tế trên địa bàn tỉnh được tích cực triển khai, có nhiều giải pháp nhằm khôi phục và giữ ổn định. Hoạt động thông quan hàng hóa tại cửa khẩu quốc tế Lào Cai - Hà Khẩu diễn ra khá thuận lợi, không xảy ra tình trạng ùn ứ, ách tắc hàng hóa.
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh Lào Cai đã đưa ra 13 kiến nghị, đề xuất liên quan đến các lĩnh vực năng lượng, khoáng sản, phát triển thị trường trong nước, xuất nhập khẩu, logistics và sửa đổi, bổ sung một số cơ chế, chính sách thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Công Thương.
Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Công Thương bên cạnh ghi nhận những kết quả tích cực đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, khó khăn trong lĩnh vực công thương của tỉnh, như công nghiệp tăng trưởng chưa bền vững, công nghệ sản xuất chậm đổi mới; cơ cấu nội bộ ngành công nghiệp thiếu cân đối; hoạt động xuất - nhập khẩu vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc; chưa mở rộng được các thị trường khác; thị trường nội địa sức mua thấp; hệ thống phân phối, hạ tầng thương mại phát triển chưa đồng bộ…
Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Lào Cai cần nỗ lực thực hiện tầm nhìn và hoạch định của địa phương, nhất là về chủ trương phát triển theo mô hình “1 trục, 2 cực, 3 vùng, 4 trụ cột và 5 giải pháp đột phá”. Dưới góc độ ngành Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh quan tâm, chú trọng chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung.
Thứ nhất, tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và những năm tiếp theo.
Thứ hai, tuy Quy hoạch tỉnh Lào Cai đã được phê duyệt khá sớm so với các địa phương khác (tháng 3/2023) nhưng Quy hoạch Vùng mới được phê duyệt tháng 5/2024 và nhiều Quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt cùng thời điểm hoặc sau khi Quy hoạch của tỉnh được phê duyệt. Do vậy, tỉnh cần khẩn trương chủ động rà soát Quy hoạch tỉnh để điều chỉnh, cập nhật các nội dung trong Quy hoạch vùng và các Quy hoạch ngành quốc gia cho đồng bộ, phù hợp để có đầy đủ cơ sở pháp lý, sẵn sàng tiếp nhận, triển khai các dự án đầu tư, tạo động lực tăng trưởng mới.
Thứ ba, khẩn trương triển khai thực hiện các quy hoạch ngành quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, khoáng sản trên địa bàn.
Đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh được quy hoạch: 28 MW điện mặt trời mái nhà; 30 MW điện sinh khối; 1MW điện rác; 25 dự án thủy điện nhỏ với tổng công suất 223,5MW; 1 dự án Nhà máy Nhiệt điện đồng phát Đức Giang, công suất 100MW; 11 dự án lưới điện; 26 điểm mỏ khoáng sản (chì, kẽm, sắt, đồng, Molipden, vàng, đất hiếm, grafit, quarzit, thạch anh, vermiculit); 3 dự án chế biến đất hiếm.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên
Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng hiện đại, quy mô lớn, công nghiệp xanh, tuần hoàn, phát triển bền vững.
Thứ năm, tỉnh cần chú trọng hướng dẫn, hỗ trợ các DN tiếp cận và triển khai thực thi các Quy hoạch hạ tầng thương mại dịch vụ, gồm cả thương mại truyền thống và thương mại hiện tại, nhất là tiềm năng khai thác logistics ở địa phương. Bên cạnh đó, tỉnh cần chú trọng hỗ trợ các DN tận dụng tốt các cơ hội từ các FTA mà Việt Nam là thành viên, nhất là các FTA thế hệ mới để phát triển sản xuất và mở rộng thị trường xuất khẩu hàng hóa.
Về các đề xuất, kiến nghị của tỉnh, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho biết, với chức năng nhiệm vụ quyền hạn của mình, Bộ sẽ có văn bản thông báo kết luận chính thức, trong đó có giải đáp cụ thể những kiến nghị, đề xuất của tỉnh để làm cơ sở cho địa phương triển khai thực hiện.
Đối với một số kiến nghị khác liên quan đến chức năng của các Bộ, ngành khác và thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ tổng hợp, chuyển đến các cơ quan chức năng phù hợp để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.