“Đòn bẩy” tiêu thụ hàng hóa hiệu quả cho doanh nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 09:17, 31/08/2024
XTTM “mở cửa” cho hàng hóa ra thị trường
Theo ông Vũ Bá Phú - Cục trưởng Cục XTTM (Bộ Công Thương), từ đầu năm 2024, Cục đã tham mưu, phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố đồng chủ trì nhiều Hội nghị XTTM và phát triển xuất nhập khẩu tại các vùng kinh tế trọng điểm. Thông qua các Hội nghị, nhờ sự quan tâm của các địa phương trong vùng, sự hợp lực về trí tuệ, nguồn lực đã mở ra nhiều ý tưởng mới giúp cho các hoạt động XTTM mang lại nhiều hiệu quả.
Nhờ đó, Bộ Công Thương đã trực tiếp đồng hành với các địa phương trên mỗi vùng kinh tế nhằm thực hiện các hoạt động XTTM quy mô lớn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực xuất khẩu có thế mạnh, trên các thị trường xuất khẩu chủ lực. Đây cũng là một hướng đi mới của công tác XTTM trong năm 2024, là tiền đề cho các hoạt động XTTM có trọng tâm, trọng điểm trong thời gian tới.
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu, Cục XTTM, trong quá trình thực tiễn triển khai các công tác XTTM, những hoạt động XTTM mang tính chất đơn lẻ không thể hiệu quả bằng những hoạt động XTTM có sự hợp lực với quy mô lớn. Vì thế, thời gian qua, những Hội nghị XTTM mang tính chất liên kết vùng đã được thực hiện xuyên suốt cho cả 6 vùng kinh tế. Qua đó đã hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp tìm thấy những cơ hội mới để quảng bá, phát triển sản phẩm, tiếp cận được nhiều hơn với khách hàng nội vùng và liên vùng, cũng như trên cả nước và quốc tế.
Từ góc độ địa phương, ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP.Hà Nội cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, công tác XTTM, mở rộng thị trường của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung tiếp tục đạt kết quả tích cực.
Tính chung 7 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Hà Nội đạt 10,4 tỷ USD, tăng 10,8% so với cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 23,1 tỷ USD, tăng 14,7% so với cùng kỳ năm trước. Kết quả này có được nhờ đẩy mạnh khai thác hiệu quả các phương thức XTTM truyền thống, đồng thời, linh hoạt đổi mới, đa dạng hóa các phương thức qua chuyển đổi số.
Ông Nguyễn Ánh Dương - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch TP.Hà Nội
Thông qua việc triển khai các chương trình XTTM, nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hợp tác xã của Hà Nội đã quảng bá được sản phẩm, nâng cao năng lực cạnh tranh, kết nối đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trong nước và nước ngoài - ông Ánh Dương cho hay. Tính đến nay, Hà Nội đã có 2.711 sản phẩm OCOP; trong đó, có 6 sản phẩm OCOP 5 sao, 12 sản phẩm tiềm năng 5 sao, 1.473 sản phẩm 4 sao, 1.220 sản phẩm 3 sao. Đây được đánh giá là điểm sáng của TP.Hà Nội, đi đầu của cả nước trong phát triển OCOP.
Đại diện cho Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, ông Đinh Lâm Sáng - Phó Giám đốc Sở cũng nhận định rằng, XTTM đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và các hợp tác xã, các chủ thể đã có sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh Bắc Kạn được tiếp xúc trực tiếp, gián tiếp thông qua kết nối của ngành Công Thương để phát triển cơ hội giao thương cho những sản phẩm hàng hóa thế mạnh, tăng tiêu thụ các mặt hàng của địa phương.
Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy, hiện còn khá nhiều những vấn đề bất cập đặt ra để công tác XTTM ngày càng hiệu quả. Đó là mô hình hoạt động của các cơ quan XTTM trên cả nước hiện nay không có sự đồng nhất; chưa có nhiều những cơ sở hạ tầng tổ chức những hoạt động XTTM ở quy mô lớn; các nguồn lực XTTM từ Trung ương đến địa phương cũng rất thấp. Trong khi đó, đối với các cơ quan Trung ương thì nguồn lực ngân sách dành cho XTTM cũng còn rất thấp; tính liên kết trong công tác trong hoạt động giữa các cơ quan XTTM trung ương và địa phương vẫn còn lỏng lẻo…
Kịp thời gỡ khó cho sản xuất kinh doanh để kích cầu tiêu dùng
Để hỗ trợ hiệu quả hơn cho các doanh nghiệp, Trong Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký ban hành về việc kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh và phát triển thị trường trong nước, Thủ tướng đã yêu cầu phải đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình XTTM của các bộ, ngành, địa phương.
Chỉ thị nêu rõ, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, Bộ trưởng các bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố, các hiệp hội ngành hàng… phải tập trung đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí Chương trình XTTM.
Cụ thể, đối với Bộ Tài chính, cần chỉ đạo đẩy nhanh thủ tục giải ngân kinh phí triển khai các Chương trình XTTM của các bộ, ngành, địa phương nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước. Phối hợp với Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp kiểm soát chặt chẽ hàng nhập khẩu qua thương mại điện tử phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam.
Đồng thời phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát, đề xuất chính sách thuế đối với các dự án thu hút đầu tư sản xuất hàng hóa thay thế hàng nhập khẩu.
Đáng chú ý, đối với Bộ Công Thương, Thủ tướng yêu cầu cần đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm gắn kết giữa sản xuất với phân phối hàng hóa, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, hình thành các chuỗi liên kết hàng thuần Việt. Tiếp tục triển khai mạnh mẽ các hoạt động kết nối cung cầu hàng hóa, nhằm thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa sản xuất trong nước tại các kênh phân phối truyền thống và hiện đại.
Gợi mở định hướng, Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Công Thương cần tổ chức các chương trình khuyến mại trên phạm vi vùng và toàn quốc, phối hợp với các địa phương tăng cường các hoạt động kết nối cung cầu, phân phối các sản phẩm OCOP, đưa hàng hóa đến các địa bàn vùng sâu, vùng xa, các khu công nghiệp để kích cầu tiêu dùng trong nước. Đặc biệt, khuyến khích các sàn thương mại điện tử đang hoạt động tại Việt Nam triển khai các chương trình tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá sản xuất trong nước. Phát động phong trào tiêu dùng hàng hoá Việt, sản phẩm địa phương thông qua các mô hình gian hàng Việt, sản phẩm Việt trên thương mại điện tử. Tổ chức các hoạt động thúc đẩy liên kết vùng trong thương mại điện tử, các hoạt động XTTM điện tử xuyên biên giới với các nước trong khu vực, thị trường nhập khẩu lớn.
Việt Nam có nhiều lợi thế về sản xuất nông nghiệp, nên cần triển khai có hiệu quả các chương trình kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản. Do đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông sản cho các vùng nuôi, trồng tập trung.
Hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần phối hợp với Bộ Công Thương, các tỉnh, thành phố triển khai có hiệu quả các Chương trình XTTM, xây dựng thương hiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ hàng hóa nông sản tại các vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh sản xuất xanh, sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
Bà Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục thực hiện các chương trình XTTM, phát triển xuất nhập khẩu theo quy mô của từng vùng kinh tế, Bộ Công Thương sẽ thử nghiệm mô hình hỗ trợ XTTM mang tính chất liên kết vùng mới với các đoàn giao dịch thương mại tại nước ngoài theo quy mô vùng (Winning with Việt Nam)…