Phát triển công nghiệp hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Kinh tế - Ngày đăng : 08:00, 04/09/2024

(BKTO) - Từ thực tế giá trị nhập khẩu phục vụ cho hoạt động sản xuất của Việt Nam hàng năm vẫn chiếm tới hơn 80% tổng kim ngạch nhập khẩu, các chuyên gia khẳng định, công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển khiến sản xuất của Việt Nam vẫn phụ thuộc rất nhiều vào thị trường quốc tế.
cn.jpeg
Công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Ảnh minh họa

Đóng góp của công nghiệp hỗ trợ còn khiêm tốn

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ chỉ chiếm một phần rất nhỏ, khoảng 4,5% tổng số doanh nghiệp của ngành công nghiệp chế biến chế tạo. Các doanh nghiệp này chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), nhưng mục tiêu của các doanh nghiệp này chủ yếu hướng đến thị trường xuất khẩu.

Đặt vấn đề phải làm sao để Việt Nam có thể tăng tính tự chủ trong sản xuất trước tình hình kinh tế thế giới đầy biến động và nâng cao vị thế trong chuỗi sản xuất toàn cầu, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần hướng đến nội địa hóa một số ngành công nghiệp hỗ trợ nhằm khai thác các nguồn nguyên, nhiên, liệu trong nước để phát huy nội lực và kích thích các ngành sản xuất phát triển, góp phần tăng giá trị tăng thêm của nền kinh tế.

Trước những thách thức đặt ra, trên con đường phát triển, Việt Nam đã đặt mục tiêu đến năm 2025, doanh nghiệp Việt Nam có khả năng sản xuất các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng được 45% nhu cầu thiết yếu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 11% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp; có khoảng 1.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam trong đó, doanh nghiệp trong nước chiếm khoảng 30%.

Đến năm 2030, sản phẩm công nghiệp hỗ trợ đáp ứng 70% nhu cầu cho sản xuất, tiêu dùng trong nội địa; chiếm khoảng 14% giá trị sản xuất công nghiệp; có khoảng 2.000 doanh nghiệp đủ năng lực cung ứng trực tiếp cho các doanh nghiệp lắp ráp và tập đoàn đa quốc gia trên lãnh thổ Việt Nam.

Bộ Công Thương

Cụ thể, đối với lĩnh vực linh kiện phụ tùng sẽ tập trung phát triển linh kiện phụ tùng kim loại, linh kiện phụ tùng nhựa - cao su và linh kiện phụ tùng điện - điện tử, đáp ứng mục tiêu đến hết năm 2025 cung ứng được 45% nhu cầu sản phẩm linh kiện phụ tùng cho các ngành công nghiệp trên lãnh thổ Việt Nam. Đến năm 2030, cung ứng được 65% nhu cầu trong nước, đẩy mạnh sản xuất các lĩnh vực sản phẩm phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao.

Đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành dệt may - da giày, mục tiêu cụ thể là phát triển nguyên vật liệu và phụ liệu đáp ứng mục tiêu đến năm 2025 tỷ lệ cung cấp trong nước của ngành công nghiệp dệt may đạt 65%, ngành da giày đạt 75 - 80%, với các sản phẩm có giá trị gia tăng cao phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Còn đối với lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cho công nghiệp công nghệ cao, Việt Nam đề ra mục tiêu phát triển sản xuất vật liệu, thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, phần mềm và dịch vụ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao; phát triển hệ thống doanh nghiệp cung cấp thiết bị hỗ trợ chuyên dụng, hỗ trợ chuyển giao công nghệ trong công nghiệp công nghệ cao. Hình thành các doanh nghiệp bảo trì, sửa chữa máy móc đạt tiêu chuẩn quốc tế, làm tiền đề phát triển doanh nghiệp sản xuất thiết bị, phần mềm phục vụ các ngành này. Hình thành hệ thống nghiên cứu phát triển và sản xuất vật liệu mới, đặc biệt là vật liệu điện tử.

Cần chính sách hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm

Các chuyên gia kinh tế nhận định, công nghiệp hỗ trợ đóng vai trò quan trọng, góp phần thu hút đầu tư FDI, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp trong nước, tạo ra sản phẩm xuất khẩu có tính cạnh tranh, giá trị gia tăng cao và phát triển thị trường nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển bền vững.

Đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho rằng, mặc dù đóng vai trò quan trọng nhưng quy mô phát triển của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam còn hạn chế. Ngoài việc nhập khẩu cao các sản phẩm, nguyên phụ liệu... đầu vào phục vụ cho sản xuất, hoạt động sản xuất của các ngành công nghiệp hỗ trợ cũng chỉ tập trung nhiều ở quy mô nhỏ. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá trị tăng thêm của ngành công nghiệp hỗ trợ đang ở mức thấp nhất trong nền kinh tế, mặc dù là ngành hỗ trợ cho các ngành khác phát triển nhưng hiệu quả của ngành chưa cao.

Tuy nhiên, theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Thị Hương, Việt Nam vẫn được đánh giá là quốc gia có những lợi thế nhất định trong thu hút FDI như chính trị ổn định, dân số đông, số người trong độ tuổi lao động lớn… Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo cũng là lĩnh vực Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, ưu tiên thu hút đầu tư, nhằm đạt mục tiêu là nước có công nghiệp hiện đại vào năm 2030.

Mặc dù bối cảnh trong nước tạo ra nhiều thuận lợi nhưng việc phát triển công nghiệp hỗ trợ cũng đối mặt với không ít khó khăn. Ngoài những khó khăn cố hữu như thiếu vốn, nhân lực chất lượng cao, nguyên liệu, DN công nghiệp hỗ trợ ngày càng chịu áp lực về vấn đề xử lý chất thải. Năng suất lao động của công nhân Việt Nam còn thấp, chi phí nhân công đang có tín hiệu tăng trong thời gian tới dẫn đến giá thành sản phẩm tăng lên. Công tác đào tạo nghề chưa phù hợp với yêu phát triển của ngành. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp.

Hơn nữa, theo các chuyên gia, phát triển công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đang và sẽ chịu tác động từ nhiều yếu tố, trong đó nổi bật là hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhiều Hiệp định Thương mại tự do (FTA) được ký kết và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng. Những yếu tố này vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với phát triển công nghiệp hỗ trợ.

Cần thúc đẩy sự phát triển của các ngành sản xuất, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm đối với các doanh nghiệp Việt Nam trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển trở thành các Tập đoàn có tầm cỡ khu vực, tạo hiệu ứng lan tỏa và dẫn dắt các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ phát triển theo tinh thần Nghị quyết số 23-NQ/TW của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng cục Thống kê

Để hiện thực hóa những định hướng, mục tiêu đặt ra, các chuyên gia khuyến nghị, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách đồng bộ và hiệu quả, cần tiếp tục thực hiện chính sách ưu đãi về lãi suất đối với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo ưu tiên phát triển; cấp bù chênh lệch lãi suất đối với các khoản doanh nghiệp vay thực hiện dự án sản xuất sản phẩm thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển bằng nguồn vốn ngân sách trung ương, ngân sách địa phương và các nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài.

Quan trọng hơn nữa, cần hình thành và phát triển chuỗi giá trị trong nước thông qua thu hút đầu tư hiệu quả và thúc đẩy kết nối kinh doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp đa quốc gia, các công ty sản xuất, lắp ráp trong nước và nước ngoài; xây dựng các khu công nghiệp hỗ trợ tập trung để tạo cụm liên kết ngành; phát triển các ngành công nghiệp vật liệu nhằm tăng cường tính tự chủ về nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất, giảm sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, nâng cao giá trị gia tăng nội địa, sức cạnh tranh của sản phẩm và vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu./.

ĐỨC ANH