Nâng cao hiệu quả nguồn vốn, mang về lợi nhuận tương xứng cho doanh nghiệp dệt may

Kinh tế - Ngày đăng : 15:30, 04/09/2024

(BKTO) - Nâng cao hiệu quả đồng vốn, cải thiện “sức khỏe” của các doanh nghiệp dệt may là những mục tiêu hàng đầu mà những người đại diện phần vốn của Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hướng đến.
vt.jpg
Trong áp lực cạnh tranh, Việt Tiến đã ký kết những đơn hàng yêu cầu chất lượng cao, thời gian giao hàng gấp. Ảnh: ST

Cộng hưởng, gia tăng giá trị cho doanh nghiệp

Là người đại diện vốn của Vinatex tại Tổng công ty CP May Việt Tiến, ông Bùi Văn Tiến - Tổng Giám đốc Tổng công ty cho biết, hoạt động sản xuất, kinh doanh của Việt Tiến thời gian qua gặp không ít thăng trầm. Năm 2019, Việt Tiến có doanh thu đạt tới 9.000 tỷ đồng, nhưng vài năm sau đại dịch, tiếp đến là khủng hoảng kinh tế thế giới khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh suy giảm mạnh.

Để vượt qua thách thức, người đại diện phần vốn phải có trách nhiệm, giải pháp ứng phó. Ông Bùi Văn Tiến cho biết, trong áp lực cạnh tranh gay gắt, Việt Tiến đã ký kết những đơn hàng yêu cầu chất lượng cao, thời gian giao hàng gấp. Thậm chí có đơn hàng từ khi thống nhất ký hợp đồng đến khi giao sản phẩm chỉ 8-10 ngày; hoặc có đơn hàng mà mỗi mã sản phẩm lại đưa ra những yêu cầu kỹ thuật sản xuất khác nhau…

Với quyết tâm cao và năng lực sẵn có về thiết bị, công nghệ, nguồn nhân lực, trước những yêu cầu mới này, Việt Tiến đã tìm hướng bứt phá, đi đầu trong các lĩnh vực, từ môi trường, điều kiện sản xuất, kinh doanh theo các tiêu chuẩn hiện đại, đến chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng… Việt Tiến đã huy động tổng lực đáp ứng kịp thời nhu cầu của đối tác, từ đó giúp duy trì sự phát triển ổn định, giữ vững thương hiệu ở trong và ngoài nước.

Theo Tổng Giám đốc Công ty CP May Nam Định - ông Phạm Minh Đức, cũng đón bắt xu thế của thị trường, May Nam Định đã chuyển đổi từ làm hàng gia công sang làm hàng FOB (nhận đơn, sản xuất, giao hàng cho đối tác) với doanh số hiện tại khoảng 1.000 tỷ đồng/năm, trong đó 90% là hàng FOB. Khi thực hiện chuyển đổi phương thức sản xuất, vốn của doanh nghiệp còn rất nhỏ. Ban lãnh đạo Công ty và người đại diện vốn của Vinatex tại doanh nghiệp đã cùng tính toán, mạnh dạn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, đương đầu với những thách thức mới trên cơ sở định hướng của Tập đoàn cũng như theo dõi, nắm bắt nhu cầu của thị trường, của khách hàng - ông Phạm Minh Đức chia sẻ.

Trước những bất ổn của thị trường, hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng trở lên khó khăn. Cùng với đó, yêu cầu của khách hàng, môi trường ngày càng khắt khe, chúng tôi hiểu rằng cần xây dựng một doanh nghiệp phát triển trên nền tảng công nghệ số để đáp ứng được yêu cầu về thông tin, tiết kiệm chi phí, tăng khả năng cạnh tranh - ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 - người đại diện vốn của Vinatex tại May 10 cho biết.

Vì vậy, May 10 đang tập trung nghiên cứu xây dựng chiến lược phát triển Tổng Công ty giai đoạn 2025-2030, định hướng đến 2045; đồng thời thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ. Trước mắt, Tổng Công ty từng bước thực hiện công tác số hóa và chuyển đổi số để nâng cao công tác quản trị, tập trung vào việc rà soát đánh giá công tác tổ chức, quy trình nghiệp vụ, loại bỏ những khâu trung gian; tăng cường khai thác nguồn dữ liệu hiện có; đầu tư cho nhân sự công nghệ thông tin; đầu tư nâng cấp hệ thống thiết bị đảm bảo an toàn, an ninh mạng và bảo vệ dữ liệu.

Đảm bảo an toàn tài chính, nâng cao hiệu quả nguồn vốn

Từ phía doanh nghiệp ngành sợi, ông Trần Đình Hiệp - Tổng Giám đốc Công ty CP Sợi Phú Bài cho biết, đầu tư theo chiều sâu là định hướng chính của Công ty.

pb(1).jpg
Sợi Phú Bài xác định đầu tư theo chiều sâu, hiện đại hóa trang thiết bị sản xuất. Ảnh: ST

Vì thế, ngay trong quý III/2024, Công ty đã lập dự án đầu tư thay thế thiết bị năm 2024 cũng như dự kiến đầu tư năm 2025 và kế hoạch đầu tư chiều sâu giai đoạn năm 2026-2030 để thay thế hoàn toàn các thiết bị đã sử dụng trên 20 năm cho mục tiêu phát triển bền vững tới năm 2030. Công tác đầu tư được cân nhắc, tính toán kỹ lưỡng đảm bảo ổn định sản xuất, giữ khách hàng, ổn định tài chính doanh nghiệp, hướng đến mục tiêu chi phí nhân công/kg sợi không cao hơn của nhà máy 30.240 cọc sợi hiện hữu.

Tuy nhiên, ông Hiệp nêu rõ, để triển khai kế hoạch nêu trên, Công ty rất cần một lực lượng nhân lực quản lý các cấp được đào tạo cơ bản, được trang bị kiến thức, kỹ năng quản trị hiện đại phù hợp với thời kỳ chuyển đổi số hiện nay. Do đó, người đại diện vốn tại doanh nghiệp mong muốn được Tập đoàn hỗ trợ trong công tác đào tạo cán bộ quản lý các cấp.

Ông Nguyễn Hùng Quý - Tổng Giám đốc Tổng công ty Dệt may Miền Nam - Vinatex (VSC) cũng khẳng định, chất lượng và năng suất, tăng trưởng bền vững là mục tiêu hướng tới của VSC. Nhằm hoàn thiện cơ chế hoạt động, nâng cao vị trí, vai trò và hiệu quả của người đại diện vốn, góp phần vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường nhiều biến động, VSC coi con người là quan trọng nhất, là cốt lõi tạo ra những giá trị bền vững.

Vinatex mong muốn các doanh nghiệp bứt phá về giá trị, lấy giá trị cốt lõi, lợi nhuận mang về tương xứng với giá trị Tập đoàn đầu tư tại các doanh nghiệp. Do đó, mỗi người đại diện vốn cần gắn kết với các ban chức năng của Tập đoàn, gắn kết với doanh nghiệp, linh hoạt trong sự phối hợp, điều hành nhằm tạo ra doanh thu, lợi nhuận tốt nhất cho doanh nghiệp.

Lãnh đạo Tập đoàn Dệt may Việt Nam

Về thị trường, Tổng công ty sẽ thành lập 3 nhóm hướng vào 3 thị trường chính là Mỹ, EU và ASEAN; chọn lựa các khách hàng hiệu quả và đồng hành lâu dài; tiếp tục nâng cấp nguồn hàng, tăng giá trị khác biệt. Về sản xuất, VSC sẽ không ngừng học hỏi, nghiên cứu và áp dụng nhiều sáng kiến cải tiến vào sản xuất để thúc đẩy năng suất lao động, tận dụng tối ưu các máy móc thiết bị hiện có; từng bước xây dựng hệ thống nhà máy theo tiêu chuẩn xanh, sạch, đẹp, an toàn và hướng đến nhà máy sản xuất thông minh.

Trao đổi về vấn đề tài chính, ông Nguyễn Hùng Quý - người đại diện vốn của Vinatex tại VSC cho biết sẽ khai thác và tận dụng tối đa nguồn tài chính, quản lý hiệu quả dòng tiền, đàm phán mức lãi suất tối ưu, đẩy nhanh vòng quay vốn, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý. Từ phía May 10, ông Thân Đức Việt chia sẻ, người đại diện vốn của Tập đoàn sẽ thực hiện quy hoạch lại thị trường, khách hàng, đánh giá những rủi ro tiềm ẩn đối với từng thị trường, từng khách hàng, kích cỡ đơn hàng nhằm đảm bảo an toàn tài chính và việc làm cho người lao động.

Theo bà Nguyễn Thị Tố Trang - Tổng Giám đốc Công ty CP Vinatex Phú Hưng, một số chỉ số tài chính của Vinatex Phú Hưng đang ở mức thấp do đặc thù vốn ít, cùng với khó khăn trong 2-3 năm vừa qua đã ảnh hưởng rất nhiều đến “sức khỏe” của doanh nghiệp. Do vậy, hiện tại, Vinatex Phú Hưng sẽ cần nhiều thời gian để phục hồi và cải thiện các chỉ số tài chính của doanh nghiệp.

Đưa ra đề xuất, Tổng Giám đốc May Nam Định Phạm Minh Đức cũng cho rằng, vấn đề lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ trong Tập đoàn là nhu cầu được hỗ trợ về vốn. Do vậy, doanh nghiệp mong được tăng vốn điều lệ và Tập đoàn bảo lãnh cho vay vốn. Trường hợp của May Nam Định không thuộc Tập đoàn chi phối nên chưa được hưởng lợi từ nguồn vốn vay ưu đãi của ADB, nếu được hưởng lợi từ nguồn vốn này, doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội phát triển, mở rộng phương thức sản xuất, kinh doanh hơn.

Cùng với đó, đòn bẩy tài chính có vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh và khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường. Vì thế, lãnh đạo Tập đoàn Dệt may cần hỗ trợ các doanh nghiệp nhiều hơn nữa, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi và lãi suất thấp để doanh nghiệp có điểm tựa phát triển - ông Đức bày tỏ./.

ĐỨC ANH