Giải quyết dứt điểm vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm ngành năng lượng

Kinh tế - Ngày đăng : 20:09, 04/09/2024

(BKTO) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các Bộ ngành, địa phương liên quan tập trung giải quyết dứt điểm các vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ các chương trình, dự án trọng điểm ngành năng lượng.
1(3).jpg
Ảnh minh họa. Nguồn: ST

Đây là yêu cầu Thông báo số 402/TB-VPCP kết luận của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại Phiên họp lần thứ ba Ban Chỉ đạo Nhà nước các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng.

Thời gian vừa qua, các bộ, ngành, UBND các tỉnh và các tập đoàn đã tích cực triển khai chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp lần thứ 2 theo Thông báo số 117/TB-VPCP ngày 25/3/2024 của Văn phòng Chính phủ. Nhiều nội dung công việc đã hoàn thành và được xử lý, giải quyết; tiến độ triển khai công tác đầu tư, xây dựng một số dự án, đặc biệt là những dự án trọng điểm, cấp bách đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận như đã hoàn thành và đóng điện các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên), tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc thi công kênh làm mát cho các dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4, đàm phán thành công với Power Machines về dự án Long Phú 1...

Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai các đề án. Để tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện đảm bảo tiến độ các dự án, Phó Thủ tướng yêu cầu trong thời gian tới các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan, các đồng chí ủy viên Ban Chỉ đạo cần tập trung giải quyết dứt điểm các khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền, đẩy nhanh tiến độ các đề án, dự án để đảm bảo an ninh năng lượng và phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Tạo hành lang pháp lý cho đầu tư các dự án

Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ được giao tiếp tục chủ động nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật, Nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan, tạo hành lang pháp lý cho công tác đầu tư, xây dựng các đề án, dự án, đặc biệt là đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, việc xử lý các dự án chậm tiến độ, cơ chế phát triển các dự án điện khí... Báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét với những vấn đề thuộc thẩm quyền của Quốc hội theo đúng quy định của pháp luật.

Các Bộ, ngành, UBND các tỉnh chủ động xử lý theo thẩm quyền những khó khăn vướng mắc phát sinh liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ, ngành và địa phương trong quá trình triển khai các dự án, chủ động tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án. Báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền.

Về việc phát triển các dự án điện khí

Phó Thủ tướng chỉ đạo: Hiện nay, các dự án điện khí đều có vướng mắc chung liên quan đến các quy định về cơ chế cam kết sản lượng và cơ chế giá giữa điện - khí. Đây là các nội dung chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành thuộc thẩm quyền giải quyết của Quốc hội, đã được Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương nghiên cứu đề xuất thể chế hóa để giải quyết các vướng mắc phát sinh trong thực tế đối với các dự án điện khí trong quá trình soạn thảo Luật Điện lực (sửa đổi) (văn bản số 5045/VPCP-CN ngày 17/7/2024 của Văn phòng Chính phủ). Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương khẩn trương có tờ trình một luật sửa nhiều luật gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp báo cáo Chính phủ theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại văn bản số 5185/VPCP-CN ngày 29/8/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện, sớm ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 45/2018/TT-BCT ngày 15/11/2018 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về vận hành thị trường bán buôn điện và Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2016/TT-BCT ngày 30/11/2016 quy định hệ thống điện truyền tải. Trường hợp cần thiết, Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tư pháp nghiên cứu đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 25/2016/TT-BCT theo hình thức rút gọn theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đảm bảo giải tỏa công suất các dự án nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3,4 vào cuối năm 2025

Đối với Dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 3, Nhơn Trạch 4 và các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy, Phó Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ có văn bản gửi đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị chỉ đạo xử lý khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án lưới điện đồng bộ giải tỏa công suất các nhà máy nhiệt điện. Phấn đấu bàn giao mặt bằng trong tháng 10/2024 để có thể sớm hoàn thành các dự án, đảm bảo giải tỏa công suất các dự án nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) Nhơn Trạch 3 và Nhơn Trạch 4 vào cuối năm 2025.

Xử lý dứt điểm các khó khăn dự án Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 1 và Quảng Trạch 2

Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Quảng Bình chỉ đạo xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc liên quan đến công tác giải phóng mặt bằng tạo điều kiện cho Chủ đầu tư trong công tác thi công dự án NMNĐ Quảng Trạch 1, đảm bảo tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; sớm xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án NMNĐ Quảng Trạch 2 theo quy định để triển khai các bước tiếp theo.

Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm việc với UBND tỉnh Quảng Bình sớm hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng, đồng thời có phương án đẩy nhanh công tác thi công các hạng mục, đảm bảo tiến độ, chất lượng của Dự án NMNĐ Quảng Trạch 1; phối hợp UBND tỉnh Quảng Bình trong việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án NMNĐ Quảng Trạch 2.

Hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành và các Tập đoàn, doanh nghiệp tiếp tục khẩn trương rà soát, xây dựng, hoàn thiện Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi theo các nội dung kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Thông báo số 42/TB-VPCP ngày 05/02/2024, Thông báo số 117/TB-VPCP ngày 25/3/2024 và Thông báo số 356/TB-VPCP ngày 30/7/2024 của Văn phòng Chính phủ.

Đề án cần đề xuất dự án, nhà đầu tư và thời điểm triển khai cụ thể, để từ đó kiến nghị giải pháp và các cơ chế, chính sách bảo đảm thực hiện dự án bao gồm từ giai đoạn khảo sát, thăm dò, đánh giá, quy hoạch, công nghệ đến các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh..., cấp thẩm quyền quyết định; sau đó mới đến xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư, phát triển hạ tầng... Bộ Công Thương nghiên cứu, báo cáo thêm về các mô hình điện gió ngoài khơi, trong đó có mô hình hợp tác với nước ngoài trên cơ sở tham khảo ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, nhà đầu tư nước ngoài để hoàn thiện Đề án, báo cáo Chính phủ trong tháng 9/2024.

Về triển khai Quy hoạch điện 8, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương triển khai thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà tại Hội nghị trực tuyến với các địa phương về việc ban hành bổ sung, cập nhật Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện 8 theo Thông báo số 396/TB-VPCP ngày 21/8/2024 của Văn phòng Chính phủ. Trong đó, Bộ Công Thương khẩn trương phối hợp các địa phương rà soát danh sách, gửi lấy ý kiến Bộ Công an đối với 154 dự án đang còn vướng mắc để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với việc xử lý các dự án nguồn điện chậm tiến độ, chậm triển khai, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp chỉ đạo các địa phương, các chủ đầu tư rà soát, báo cáo thống kê cụ thể từng dự án chậm tiến độ, thời gian chậm tiến độ, nguyên nhân chậm tiến độ để tổng hợp, đề xuất phương án, cấp thẩm quyền xử lý, trong đó có xem xét phương án thu hồi dự án theo đúng quy định của pháp luật, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước ngày 30/9/2024.

Xây dựng Đề án đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước giai đoạn tới

Bộ Công Thương nghiên cứu, xây dựng Đề án nhằm đảm bảo cung ứng đủ điện cho đất nước trong giai đoạn tới. Trong đó, tính toán, dự báo nhu cầu điện trong thời gian tới, xác định cơ cấu nguồn điện, ảnh hưởng của các dự án nguồn điện chậm tiến độ đến công tác cung ứng điện, đề xuất các giải pháp (bao gồm việc phát triển các dự án thủy điện mở rộng, dự án điện mặt trời áp mái, điện mặt trời trên mặt nước, tích trữ, lưu trữ điện, trường hợp cần thiết xem xét cả phương án phát triển điện hạt nhân mô đun nhỏ kết hợp với lưới điện thông minh và điều tiết thông minh), cơ chế triển khai các dự án (kể cả cơ chế đặc thù nếu cần thiết) để thực hiện một cách đồng bộ, hiệu quả, huy động được nguồn lực của các thành phần kinh tế (trong đó, làm rõ vai trò của các tập đoàn nhà nước trong triển khai các dự án) với mục tiêu đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong tháng 9/2024./.

HỒNG NHUNG