Chính sách tài khóa: Tiếp tục mở rộng hay thắt chặt?
Kinh tế - Ngày đăng : 06:26, 05/09/2024
Bài 1: Chính sách tài khóa mở rộng hỗ trợ nền kinh tế
Từ năm 2020, đặc biệt là giai đoạn 2020-2022, thế giới trải qua rất nhiều biến động như: Đại dịch Covid-19 bùng phát, xung đột vũ trang, thiên tai… Để đối phó với những khó khăn này, các quốc gia đã bỏ ra nguồn lực rất lớn thông qua việc triển khai nhiều chính sách tài khóa, tiền tệ chưa từng có để hỗ trợ nền kinh tế và Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát tại Việt Nam. Thực hiện phòng, chống dịch và ứng phó với những tác động tiêu cực của dịch bệnh, Việt Nam đã thực hiện những giải pháp ứng phó, khắc phục mang tính đặc thù, chưa từng có tiền lệ nhưng rất kịp thời. Điển hình là đầu năm 2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023” (Nghị quyết 43) với hàng loạt gói hỗ trợ tài khóa và tiền tệ. Theo thống kê, các chính sách tài khóa là chủ yếu, chiếm khoảng 83% tổng giá trị Chương trình phục hồi. Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Tài chính đã chủ động trong điều hành để vừa đảm bảo dự toán thu ngân sách, vừa đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời các nhiệm vụ chi.
Cụ thể, từ năm 2020 đến nay, thực hiện chính sách tài khóa mở rộng, mỗi năm nước ta đã giảm gần 200.000 tỷ đồng tiền miễn, giảm, giãn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho người dân và doanh nghiệp... Vào trung tuần tháng 6/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024. Đây là lần thứ 5 chính sách gia hạn nộp thuế được áp dụng và lần thứ 4 chính sách giảm thuế giá trị gia tăng được thực hiện nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn của đại dịch Covid-19.
Qua các cuộc kiểm toán của Kiểm toán nhà nước trong năm 2023 đối với niên độ ngân sách 2022 về nội dung đánh giá việc triển khai và thực hiện chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết 43 và Nghị định số 34/2022/NĐ-CP của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2022 cho thấy, tính đến hết tháng 08/2023, tổng số thuế, phí, lệ phí đã miễn, giảm lũy kế thực hiện theo các chính sách thuộc Chương trình là 102.831 tỷ đồng (năm 2022 là 60.531 tỷ đồng, 08 tháng năm 2023 là 42.300 tỷ đồng), trong đó năm 2022 bằng 94,5% dự kiến khi xây dựng Chương trình. Kết quả này đã góp phần tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng trong nước; góp phần giảm chi phí đầu vào, kiềm chế lạm phát, đặc biệt trong bối cảnh giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ sản xuất, kinh doanh tăng cao.
Như vậy, từ năm 2020 đến năm 2024, Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh. Trong đó, đáng chú ý nhất là chính sách miễn giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất. Theo Bộ Tài chính, tổng quy mô hỗ trợ về thuế, phí trong giai đoạn 2020-2023 là khoảng 700.000 tỷ đồng. Nếu tính trong vòng 5 năm (2020-2024) gói hỗ trợ lên tới hơn 900.000 tỷ đồng. Đây là khoản tiền mà các doanh nghiệp đánh giá là đủ để hỗ trợ doanh nghiệp tồn tại và phục hồi sản xuất kinh doanh từ những năm tháng khó khăn nhất do Covid-19 gây ra và cho đến nay. Thay vì nộp thuế đúng hạn thì chính sách gia hạn thuế đã giúp doanh nghiệp và người dân có thể nộp muộn hơn từ 3 đến 6 tháng (tùy loại thuế). Đây được ví như một khoản vay ngắn hạn mà doanh nghiệp và người dân không phải chịu lãi suất giúp giảm bớt gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp và người dân. Còn đối với chính sách miễn, giảm thuế, ví dụ như giảm thuế giá trị gia tăng từ 10% xuống chỉ còn 8% thì doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản tiền nhất định.
Đánh giá về chính sách gia hạn thuế, đại biểu Quốc hội Trần Văn Lâm - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội - cho rằng, chính sách này còn có ý nghĩa hơn cả việc giảm thuế. Mỗi năm, số tiền gia hạn thuế rất lớn, lên tới hơn trăm nghìn tỷ đồng, có thể coi như khoản tiền được hỗ trợ lãi suất 0%, giúp doanh nghiệp có vốn quay vòng, đầu tư vào sản xuất kinh doanh, vượt qua khó khăn.
TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia - đánh giá: Điểm nhấn của chính sách tài khóa trong hơn 5 năm qua là đã triển khai các gói tài khóa hỗ trợ lớn, như miễn, giảm, giãn tiền thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất trong giai đoạn từ năm 2020 đến hết 6 tháng năm 2024 lên tới 754,3 nghìn tỷ đồng…
Giới chuyên gia cho rằng, các giải pháp hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp vượt qua khó khăn, trong đó, các chính sách giảm, hoãn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, tiền thuê đất và các loại thuế, phí khác đã góp phần giúp doanh nghiệp sớm phục hồi và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp trở lại cho nền kinh tế, cho ngân sách, nuôi dưỡng nguồn thu ổn định, góp phần ổn định vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Tuy nhiên, gần đây, nhiều chuyên gia kinh tế khuyến cáo Việt Nam nên trở lại duy trì chính sách tài khóa ở trạng thái bình thường như trước thời điểm dịch Covid-19 bùng phát do kinh tế Việt Nam đang đạt mức tăng trưởng khá tích cực, thậm chí dự báo đạt 6,5% vào năm 2025-2026.../.
Các chuyên gia kinh tế, ngân sách khuyến cáo như thế nào về chính sách tài khóa trong thời gian tới, mời bạn đọc theo dõi Bài 2: “Điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý” trên Báo Kiểm toán phát hành vào ngày 11/9.