Tuyệt đối không vi phạm những điều bị nghiêm cấm khi thực hiện dân chủ ở cơ sở
Chính trị - Ngày đăng : 12:01, 05/09/2024
Trong khi đó, thời gian qua, các thế lực thù địch, thế lực xấu tìm mọi cách chống phá chúng ta. Chúng tung tin: Ở Việt Nam không hề có dân chủ, “Chế độ độc tài đảng trị thì chỉ có đảng chủ chứ làm gì có dân chủ”, “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý” muốn làm gì thì làm, Nhân dân ngày càng bị loại khỏi sự tham gia vào chính trị” và: “Đảng không bênh vực dân mà các phe phái của Đảng bao che, bênh vực nhau, coi người dân phản đối như kẻ thù”. Chúng quy kết các quy định về những điều bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ là vi phạm nhân quyền và chúng kích động, kêu gọi người dân muốn có dân chủ thì phải đấu tranh chống lại Đảng, Nhà nước, thực hiện đa nguyên, đa đảng…
Nhưng sự chống phá trên bị thất bại bởi thực tế cách mạng Việt Nam đã chứng minh: Đảng, Nhà nước Việt Nam đã luôn thực hiện đúng lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Chế độ ta là chế độ dân chủ, tức là Nhân dân là người chủ, mà Đảng, Chính phủ là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của Nhân dân và chỉ có một mục đích duy nhất “hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân”.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã quy định rất rõ ràng, cụ thể về quyền và nghĩa vụ của công dân trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, đồng thời cũng xác định rõ các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện Luật. Cụ thể, tại Điều 9 của Luật có quy định cụ thể về các hành vi bị nghiêm cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở:
1. Gây khó khăn, phiền hà hoặc cản trở, đe dọa công dân thực hiện dân chủ ở cơ sở;
2. Bao che, cản trở, trù dập hoặc thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo, tiết lộ thông tin về người tố cáo, người cung cấp thông tin về hành vi vi phạm có liên quan đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở;
3. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
4. Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để xuyên tạc, vu khống, gây mâu thuẫn, kích động bạo lực, phân biệt vùng miền, giới tính, tôn giáo, dân tộc, gây thiệt hại cho cá nhân, cơ quan, đơn vị, tổ chức;
5. Giả mạo giấy tờ, gian lận hoặc dùng thủ đoạn khác để làm sai lệch kết quả bàn, quyết định, tham gia ý kiến của công dân.
Yêu cầu đặt ra của Luật là các điều cấm này phải được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, tuyệt đối không để xảy ra sai sót, vi phạm.
Nhìn chung thời gian qua, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đi vào cuộc sống rất thiết thực, được triển khai thực hiện nghiêm túc; trong đó có việc chấp hành nghiêm các quy định bị nghiêm cấm trong Luật. Về cơ bản, mọi công dân đã có ý thức trách nhiệm và hành động thực tế để thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, cũng vẫn còn xảy ra tình trạng vi phạm các điều cấm trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, gây ra những hệ lụy không tốt, ảnh hưởng đến hiệu quả của Luật. Nhưng chúng ta cũng đã có những biện pháp kiên quyết để xử lý mọi hành vi vi phạm theo đúng quy định của Luật. Ví dụ như: Các cá nhân vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Thực tế đã có nhiều đối tượng bị xử lý hình sự nghiêm minh vì “Lợi dụng việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thực hiện hành vi xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Chúng ta cũng kiên quyết, kiên trì đấu tranh loại bỏ những căn bệnh xấu trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, như sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng nhắc nhở: “Cứ cậy mình là cán bộ cấp trên đi xuống hoạnh họe với dân là không được. Nhưng dân lại bảo dân làm chủ rồi, nói tôi chẳng nghe thì cũng không được nên cần có luật pháp, Nhà nước phải có kỷ cương, dưới sự lãnh đạo của Đảng”.
Trong giai đoạn cách mạng mới hiện nay, thực hiện nghiêm túc Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đòi hỏi sự cố gắng của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị, của từng cán bộ, đảng viên và công dân. Chúng ta cần thực hiện nghiêm túc nội dung mà Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định: “Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dân chủ ở cơ sở”. Nghị quyết của Đảng luôn khẳng định: “Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn luôn quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, kiên trì thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của Nhân dân làm mục tiêu phấn đấu. Thắt chặt mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào nhân dân để xây dựng Đảng; củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân với Đảng.
Chúng ta cũng phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục, nêu gương để Nhân dân cùng nỗ lực phấn đấu thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm, làm tốt nhất tinh thần mà Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã đề ra: “Thực hiện dân chủ ở cơ sở là phương thức phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, để công dân, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thông tin, thể hiện ý chí, nguyện vọng, chính kiến của mình thông qua việc thảo luận, tham gia ý kiến, quyết định và kiểm tra, giám sát các vấn đề ở cơ sở theo quy định của Hiến pháp và pháp luật”.
Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta sẽ tiếp tục đoàn kết thống nhất, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu mà đồng chí Tô Lâm - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước - vừa khẳng định: “Gắn kết tư tưởng và hành động, ý Đảng và lòng dân; tận tâm, tận lực, tận hiến, phấn đấu hy sinh vì Đảng Cộng sản Việt Nam vững mạnh; vì nước Việt Nam giàu mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; Nhân dân Việt Nam có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”./.