Đánh giá chính xác, đầy đủ tác động việc áp thuế 5% với phân bón
Kinh tế - Ngày đăng : 19:05, 05/09/2024
Đánh thuế 5% để giảm giá bán là không thuyết phục
Dự kiến, Luật Thuế GTGT (sửa đổi) sẽ được Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sắp tới, tuy nhiên, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách mới đây, việc có chuyển phân bón từ diện không chịu thuế theo quy định tại Luật Thuế GTGT hiện hành sang diện chịu thuế suất 5% hay không vẫn là câu chuyện chưa thể ngã ngũ khi tiếp tục còn ý kiến khác nhau.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, nếu áp dụng thuế 5% với phân bón thì thuế GTGT đầu ra là khoảng 5.700 tỷ đồng, sau khi bù trừ thuế GTGT đầu vào khoảng 1.500 tỷ, ngân sách sẽ thu thêm khoảng 4.200 tỷ đồng. Như vậy, nếu thu thuế GTGT 5% đối với phân bón Nhà nước sẽ tăng thu ngân sách 4.200 tỷ đồng, doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ được khấu trừ 1.500 tỷ đồng thuế đầu vào, người nông dân sẽ phải mua phân bón với giá tăng thêm tối thiểu 4.200 tỷ đồng nếu doanh nghiệp hạ giá bán sản phẩm tương ứng với toàn bộ thuế GTGT đầu vào được khấu trừ.
Cho rằng việc đưa phân bón vào diện chịu thuế GTGT với mức thuế suất 5% như đề xuất của Chính phủ sẽ xử lý được các bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp, tuy nhiên, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông) cho rằng, phương án này chắc chắn sẽ làm tăng giá phân bón, tác động đến sản xuất nông nghiệp và đời sống của nông dân. “Mặc dù theo báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước báo cáo sẽ giảm giá nhưng doanh nghiệp kinh doanh theo luật, vận hành theo kinh tế thị trường, nên cũng không thể đảm bảo có diễn ra hay không, vì Nhà nước cũng không thể bắt buộc doanh nghiệp làm điều này” - đại biểu phân tích và đề nghị giữ như quy định hiện hành, đưa phân bón quay trở lại nhóm các đối tượng không chịu thuế GTGT.
Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Trường Giang - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội - chỉ rõ, thuế GTGT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào người tiêu dùng, nên lập luận cho rằng “đánh thuế 5% để giảm giá bán” là không thuyết phục. Theo đại biểu, giữa giá thành và giá bán là hoàn toàn khác nhau. Trong nền kinh tế thị trường, hội nhập với kinh tế thế giới, giá bán phải theo giá quốc tế.
"Khi báo cáo Dự thảo Luật này tại Kỳ họp thứ 8 tới, cơ quan soạn thảo cần đánh giá một cách chính xác nhất việc áp thuế 5% với mặt hàng phân bón trong giai đoạn từ 2011-2014 đã giúp doanh nghiệp được hoàn bao nhiêu, ngân sách nhà nước thu được bao nhiêu, ảnh hưởng như thế nào đến người dân? Vừa qua, khi thực hiện phục hồi kinh tế, chúng ta cố gắng giảm 2% thuế GTGT cho người dân để kích thích tiêu dùng. Nay thực hiện thu thuế 5% để giảm giá bán là không thuyết phục” - đại biểu Nguyễn Trường Giang nhấn mạnh.
Bảo đảm hiệu quả tối ưu
Để bảo đảm hài hòa lợi ích giữa nông dân, doanh nghiệp và Nhà nước, đại biểu Đinh Ngọc Minh - Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và một số đại biểu đề xuất đưa phân bón vào diện chịu thuế suất thuế GTGT, với mức thuế suất là 0%. Theo phương án này có thể vừa xử lý được bất cập liên quan đến hoàn thuế GTGT đầu vào của doanh nghiệp vừa không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, thậm chí còn có thể làm giảm giá phân bón, khuyến khích phát triển nông nghiệp.
Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuân An - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội lưu ý, theo thông lệ thế giới, thuế GTGT 0% chỉ áp dụng cho sản phẩm xuất khẩu, chúng ta không thể áp dụng 0% cho một mặt hàng trong nội địa. Mặt khác, nếu áp dụng 0% sẽ khiến ngân sách phải bỏ tiền ra để hoàn thuế cho doanh nghiệp, điều này là hoàn toàn vô lý.
Trước những quan điểm, ý kiến khác nhau, đại biểu Lê Minh Nam - Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách cho rằng, để có đầy đủ cơ sở giúp Quốc hội bấm nút lựa chọn phương án, cần thiết phải cung cấp thêm thông tin, đánh giá tác động một cách thuyết phục.
“Vấn đề không phải là quan điểm mà là cần có dữ liệu, bằng chứng được lượng hoá đầy đủ, thích hợp và thuyết phục. Nếu xét về tổng thể, phương án nào mang lại hiệu quả tối ưu hơn thì quyết định theo phương án đó. Chỉ phân tích yếu tố tác động của một vài khía cạnh rồi quyết định cho cả một chính sách thì không hợp lý” - đại biểu Lê Minh Nam nêu quan điểm.
Đại biểu Lê Minh Nam cũng phân tích thêm, bên cạnh chính sách thuế, phân bón còn là mặt hàng thuộc đối tượng bình ổn giá theo Luật Giá. Do vậy, nếu ngân sách thu thêm được và thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước phát triển, thì Nhà nước có thể sử dụng nguồn thu này để hỗ trợ cho bà con nông dân qua các chính sách khác. Hoặc nếu tính toán để tránh việc không tính thuế đang bảo hộ ngược cho phân bón nhập khẩu thì chỉ xem xét điều chỉnh đối tượng áp thuế 5% đối với những loại phân bón có nhập khẩu; tức là, phải lựa chọn phương án phù hợp để mang lại hiệu quả tối ưu cho người dân, doanh nghiệp, Nhà nước, trong khi ảnh hưởng tiêu cực là ít nhất.
Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, ngành sản xuất phân bón nước ta không thể cứ chạy theo chính sách, phụ thuộc vào thị trường nhập khẩu trên thế giới. Hơn nữa, nếu ngành sản xuất phân bón trong nước tốt thì người dân được lợi, xã hội được lợi, ngành nông nghiệp nước ta cũng được lợi. Do vậy, các cơ quan chức năng phải đánh giá giữa cái được, cái mất và tổng thể, nếu cứ đi vào câu chuyện áp thuế gây tăng giá hay giảm giá thì sẽ không giải quyết được vấn đề.
Rõ ràng, với một đất nước mà nông nghiệp vẫn là trụ cột, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng thể nền kinh tế thì việc quy định thuế suất GTGT đối với mặt hàng phân bón như thế nào cần tiếp tục nghiên cứu, tính toán cụ thể, đánh giá một cách kỹ lưỡng, khả thi để có phương án bảo đảm hài hòa, hợp lý./.