Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức BOT: Kỳ I - Giải quyết vấn đề nhức nhối về an toàn giao thông của tỉnh Quảng Nam

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 17:05, 10/12/2018

(BKTO) - Nằm trong Dự án Nâng cấp, mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam theo hình thức BOT, KTNN đã kiểm toán Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km987-Km1027 tỉnh Quảng Nam (Dự án). Qua kiểm toán, KTNN đánh giá, việc thực hiện Dự án đã nâng cao tốc độ khai thác của xe trên tuyến, tiết kiệm được chi phí do tổn thất thời gian, giảm thiểu được tai nạn giao thông đường bộ vốn là vấn đề nhức nhối của tỉnh Quảng Nam thời gian qua...


Nâng cao tính an toàngiao thông đường bộ

Trong Dự án Nâng cấp mở rộng QL1 đoạn qua tỉnh Quảng Nam, Dự án Đầu tư xây dựng công trình mở rộng QL1 đoạn Km987-Km1027 được triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giảm ùn tắc và tai nạn giao thông trên QL1 khu vực cửa ngõ TP. Tam Kỳ và thị trấn Núi Thành, đồng thời phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an ninh quốc phòng khu vực nói chung và khu kinh tế mở Chu Lai, khu kinh tế Dung Quất (tỉnh Quảng Nam) nói riêng. Tổng chiều dài tuyến khoảng 40 km, trong đó có 1 đoạn tuyến trùng với tuyến tránh TP. Tam Kỳ đang khai thác với quy mô 4 làn xe nên không tiến hành nâng cấp, mở rộng. Với đoạn ngoài đô thị, cấp đường theo tiêu chuẩn đường cấp III - đồng bằng, tốc độ thiết kế 80 km/h; đoạn qua đô thị theo tiêu chuẩn đường phố chính đô thị thứ yếu, tốc độ thiết kế 60 km/h; quy mô của các đoạn trong và ngoài đô thị được mở rộng đều là 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe hỗn hợp.

Dự án 1 được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) làm chủ đầu tư. Theo đó, CIENCO 5 đã thành lập DN dự án là CIENCO 5 BOT.

Tổng mức đầu tư Dự án theo Quyết định phê duyệt ngày 27/12/2010 của Bộ GTVT là 1.625,78 tỷ đồng, sau đó chỉ có 1 lần điều chỉnh lại cơ cấu tổng mức đầu tư Dự án tại Quyết định số 1001/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2015. Theo đó, chi phí xây dựng là 901,83 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 252,78 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 90,18 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 213,97 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công gần 167,02 tỷ đồng. Nguyên nhân của việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư là do điều chỉnh bổ sung đoạn tuyến Km1021+500 - Km1027 từ việc chỉ tiến hành bảo trì sang đầu tư nâng cấp mở rộng thành đường 4 làn xe cơ giới rộng 14 m; 2 làn xe hỗn hợp rộng 4 m; dải phân cách và dải an toàn 1,5 m; lề đất 1 m làm tăng chi phí xây dựng 10,5 tỷ đồng nhưng chi phí thực hiện được lấy từ khoản chi phí dự phòng của Dự án. KTNN cho rằng, tổng mức đầu tư của Dự án được lập cơ bản phù hợp với quy định.

Bên cạnh đó, Dự án cũng được điều chỉnh thiết kế cơ sở 1 lần với giá trị điều chỉnh giảm gần 3,16 tỷ đồng. Việc làm này là tuân thủ theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhằm thống nhất quy mô của toàn bộ Dự án QL1 đoạn Thanh Hóa - Cần Thơ. Đối với Dự án này, ngày khởi công theo kế hoạch là 24/3/2013, ngày hoàn thành là 24/3/2015 và trên thực tế, Dự án đã đạt đúng tiến độ, tuy nhiên, đến thời điểm kiểm toán thì hạng mục bổ sung gồm đoạn Km1021+500 - Km1027 và Trạm thu phí Tam Kỳ vẫn chưa hoàn thành.

Đánh giá cao việc triển khai Dự án nhưng còn thiếu sót liên quan đến tài chính

Theo KTNN, Dự án phù hợp với Quy hoạch phát triển GTVT đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án được triển khai còn góp phần hoàn thiện trục đường du lịch đến với thành phố di sản Hội An, thành phố biển Đà Nẵng, cũng như thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội của nhân dân tỉnh Quảng Nam và các vùng phụ cận.

Công tác lập, thẩm định và phê duyệt Dự án được thực hiện đúng trình tự thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định. Hồ sơ Dự án cũng cơ bản đầy đủ, các đơn vị tư vấn và các cơ quan chuyên môn được lựa chọn thực hiện việc lập, thẩm tra, thẩm định Dự án đáp ứng các điều kiện về năng lực hành nghề. Công tác điều chỉnh, bổ sung Dự án tuân thủ đúng trình tự, thủ tục. Các nội dung điều chỉnh Dự án đều được Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc cho ý kiến tham gia thẩm định trước khi phê duyệt.

Liên quan đến tính đúng đắn, trung thực của số liệu tài chính của Dự án, KTNN đánh giá, sau khi điều chỉnh theo những hạn chế, sai sót được phát hiện qua kiểm toán, Báo cáo tài chính (nguồn vốn đầu tư, thực hiện đầu tư) của đơn vị đã phản ánh trung thực, hợp lý tình hình vốn đầu tư thực hiện của Dự án theo quy định hiện hành. Trên cơ sở số liệu báo cáo và hồ sơ thanh toán do đơn vị cung cấp, KTNN xác nhận nguồn vốn đầu tư Dự án đến 31/12/2015 là 1.138,33 tỷ đồng, trong đó, nguồn vốn chủ sở hữu là 160,78 tỷ đồng, nguồn vốn vay gần 977,55 tỷ đồng. Chi phí đầu tư thực hiện Dự án theo số báo cáo của đơn vị là 1.186,52 tỷ đồng, nhưng số báo cáo được kiểm toán là gần 880,36 tỷ đồng và giá trị được kiểm toán xác nhận là gần 854,85 tỷ đồng. Như vậy, đối với Dự án này, KTNN xác định khoản chênh lệch giảm chi phí đầu tư là 25,51 tỷ đồng.

Cùng với đó, KTNN cũng phát hiện việc tính toán tổng mức đầu tư của Dự án ban đầu còn sai sót đã làm tăng xấp xỉ 68 tỷ đồng. Nguyên nhân là do tính toán lương nhân công không phù hợp với quy định, làm tăng chi phí xây dựng, chi phí khác lên 26,4 tỷ đồng; tính toán khoản mục chi phí dự phòng không đúng làm tăng thêm gần 36,1 tỷ đồng. Hơn nữa, KTNN còn xác định chi phí lãi vay phải điều chỉnh giảm hơn 5,4 tỷ đồng do điều chỉnh lại các khoản mục chi phí xây dựng, chi phí khác và dự phòng phí. Để xảy ra sai sót này, theo KTNN, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban Quản lý dự án 5 và đơn vị tư vấn lập Dự án là Tổng công ty Tư vấn thiết kế GTVT. (Kỳ sau đăng tiếp)
         
Qua kiểm toán, KTNN kiến nghị CIENCO 5 phải giảm quyết toán, thanh toán hơn 25,44 tỷ đồng chi phí đầu tư thực hiện Dự án; Ban Quản lý dự án 5 phải giảm quyết toán Dự án 67,56 tỷ đồng; đồng thời điều chỉnh sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán vốn đầu tư theo kết luận của KTNN.

ĐỨC HUY
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018