Vai trò của Quốc hội trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội
Chính trị - Ngày đăng : 20:40, 05/09/2024
Phát biểu khai mạc Toạ đàm, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, việc tổ chức Tọa đàm để Quốc hội Lào và Quốc hội Việt Nam cùng nhau chia sẻ những kinh nghiệm và bài học thực tiễn trong xây dựng và triển khai chính sách phát triển kinh tế - xã hội và là Tọa đàm tiếp nối các hoạt động thành công trong khuôn khổ Thỏa thuận hợp tác giữa hai Quốc hội đã được ký kết vào tháng 5/2022.
“Quan trọng hơn, thông tin và các bài học kinh nghiệm từ Tọa đàm sẽ đóng góp hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong tình hình mới” - Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Phó Chủ tịch Quốc hội Lào Sommad Pholsena nêu rõ, chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này nhằm trao đổi kinh nghiệm với Quốc hội Việt Nam trong việc thực hiện vai trò của mình trong xây dựng, thu hút đầu tư nước ngoài và chính sách về tín dụng xã hội. Đặc biệt, việc phát triển hợp tác xã hội là vấn đề mới đối với Lào.
Chính vì vậy, Toạ đàm là cơ hội tốt để hai bên đi sâu vào một số vấn đề như vai trò của Quốc hội trong công tác giám sát việc thực hiện kế hoạch ngân sách nhà nước, đặc biệt là việc phân công quản lý thu ngân sách giữa trung ương và địa phương, hiện đại hoá công tác thu; vai trò của Quốc hội trong việc xác nhận, thẩm tra các dự án đầu tư nhà nước, phân bổ ngân sách cho các dự án đã hoàn thành, dự án tiếp tục và dự án mới; chính sách thúc đẩy, thu hút đầu tư vào khu công nghiệp, đặc khu kinh tế và một số vấn đề khác.
Liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, thu hút nguồn lực đầu tư
Chia sẻ tại Tọa đàm về kinh nghiệm của Việt Nam về chính sách thu hút, quản lý đầu tư nước ngoài và phát triển kinh tế tập thể, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, trải qua 35 năm thu hút đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục hoàn thiện thể chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để thu hút và quản lý tốt hơn nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước.
Qua nhiều lần cải cách hệ thống văn bản pháp lý, khung pháp lý của Việt Nam liên quan đến chính sách thu hút đầu tư đã cơ bản đầy đủ, được đánh giá là cạnh tranh so với các nước. Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu lớn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, với việc dòng vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng qua các năm.
Đề cập tới một số điểm nổi bật trong chính sách thu hút FDI của Việt Nam, Thứ trưởng Trần Quốc Phương nêu rõ, Việt Nam đã liên tục sửa đổi và hoàn thiện các văn bản pháp luật liên quan đến đầu tư, đặc biệt là Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp, Luật PPP... Điều này đã tạo ra một khung pháp lý rõ ràng, minh bạch, giúp các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm và tin tưởng khi đầu tư vào Việt Nam với hệ thống thủ tục minh bạch, thông thoáng, thuận lợi, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý.
Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, và thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng…
Cùng với đó, Việt Nam đã tập trung đầu tư mạnh mẽ vào cơ sở hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài trong việc vận hành và phát triển kinh doanh; tích cực tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng và dễ dàng tiếp cận các thị trường quốc tế. Việt Nam cũng đã đầu tư mạnh mẽ vào giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đào tạo nghề, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư nước ngoài.
Phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn
Chia sẻ về chính sách phát triển kinh tế hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân nhấn mạnh, hợp tác xã nông nghiệp không chỉ đóng vai trò là nền tảng trong tổ chức sản xuất nông nghiệp mà còn là hạt nhân quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững. Mô hình hợp tác xã đã và đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp, đồng thời cải thiện đời sống của nông dân.
Tuy nhiên, trước thách thức của biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, và yêu cầu về phát triển bền vững, hợp tác xã nông nghiệp cần chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa, gắn kết chặt chẽ với các nguyên tắc của kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức. Đây không chỉ là xu hướng tất yếu mà còn là cơ hội để các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp và nền kinh tế quốc gia.
Chính vì vậy, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam cho rằng cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách phát triển hợp tác xã nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; nâng cao năng lực và nhận thức cho thành viên, người lao động của hợp tác xã, cộng đồng về sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; phát triển thị trường và hỗ trợ các hợp tác xã tiêu thụ nông sản cũng như đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao công nghệ cho các hợp tác xã...
Cũng tại tọa đàm, các đại biểu đã thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổng quan Đề án tổng thể và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; vai trò của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các đại biểu hai nước đều thống nhất thông tin và các bài học kinh nghiệm từ Toạ đàm rất hữu ích, thiết thực cho mỗi quốc gia trong xây dựng hoặc tiếp tục hòa thiện các cơ chế, chính sách hiệu quả, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của hai nước trong tình hình mới; góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa Cơ quan lập pháp hai nước, củng cố thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Lào đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả trên các lĩnh vực.