Đẩy mạnh tái cơ cấu gắn với tăng trưởng bền vững ngành nông nghiệp

Góc nhìn - Ngày đăng : 22:39, 05/09/2024

(BKTO) - Khẳng định ngành nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng, giữ vững vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, song Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Phùng Đức Tiến cũng cho rằng, cần có những giải pháp đột phá hơn nữa để nâng cao giá trị nông sản trong bối cảnh tình hình thị trường được dự báo còn nhiều biến động phức tạp như hiện nay.
15.jpeg
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến

Trong bức tranh kinh tế còn nhiều khó khăn, sản xuất, xuất khẩu nông sản tiếp tục được coi là điểm sáng. Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật và nguyên nhân mang lại kết quả vừa qua, thưa ông?

Trong 8 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Ngành đã duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu. Cùng với công tác xúc tiến thương mại, thị trường nông sản không ngừng mở rộng, xuất khẩu nông sản chuyển mạnh sang chính ngạch và có mặt trên 200 quốc gia, vùng lãnh thổ, đứng thứ 2 Đông Nam Á và đứng thứ 15 thế giới; tổng kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2021-2023 trên 155,2 tỷ USD, năm 2024 dự kiến đạt 55-56 tỷ USD… Trên cả nước đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất giá trị kinh tế cao, như: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; mô hình cánh đồng lớn, mô hình vườn cây ăn trái tập trung chuyên canh; mô hình nuôi tôm thẻ siêu thâm canh (năng suất 80 tấn/ha, doanh thu 9,2 tỷ đồng/ha); mô hình sản xuất lợn giống (270.000 con giống/năm)...

Trong 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 40,08 tỷ USD, giá trị xuất siêu đạt 11,8 tỷ USD, tăng 68,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều chuỗi giá trị ngành hàng được hình thành, phát triển mạnh mẽ, nhiều sản phẩm nông sản của Việt Nam đã có mặt tại các thị trường quốc tế.

15b.jpg
8 tháng năm 2024, hoạt động sản xuất nông, lâm, thủy sản trong cả nước tiếp tục có nhiều điểm sáng. Ảnh: ST

Kết quả này có được một phần quan trọng là nhờ toàn ngành đã thực hiện tái cơ cấu, gắn với đảm bảo tính hiệu quả bền vững trong chuỗi giá trị nông sản. Trong đó, ngành nông nghiệp chú trọng phát triển theo hướng chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với thị trường tiêu thụ, tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng; các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị được phát triển phù hợp với điều kiện sản xuất của vùng, tiểu vùng và từng địa phương để nâng cao giá trị sản phẩm. Đặc biệt, thông qua liên kết, nhiều doanh nghiệp đã xác lập mối quan hệ bền vững giữa sản xuất và chế biến, tạo ra vùng nguyên liệu ổn định, gắn với yêu cầu bảo đảm tiêu chí về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc và xây dựng thương hiệu hàng hóa.

Bên cạnh những điểm sáng về sản xuất, xuất khẩu, ngành nông nghiệp vẫn phải đối diện không ít thách thức. Những vấn đề này được Bộ NNPTNT nhìn nhận ra sao, thưa ông?

Bên cạnh những thành tựu là chủ yếu, ngành nông nghiệp Việt Nam vẫn đang phải đối diện với những thách thức và một số tồn tại, đó là: Cơ cấu sản xuất nông nghiệp chưa hợp lý; cơ giới hóa trong nông nghiệp còn thấp và chưa đồng bộ; năng suất và chất lượng nhiều nông sản chưa cao trong khi xu hướng tiêu dùng xanh và đòi hỏi ngày càng cao của thị trường; phương thức sản xuất còn lạc hậu, phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên. Hệ thống logistics và chuỗi cung ứng còn yếu kém, dẫn đến tình trạng thất thoát sau thu hoạch và chi phí sản xuất cao. Đặc biệt là trong bối cảnh xung đột thế giới vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng rất lớn đến nhu cầu tiêu dùng, cũng như khiến cước vận tải gia tăng, làm giảm lợi nhuận của doanh nghiệp.

Cùng với đó, biến đổi khí hậu đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp, gây ra nhiều hiện tượng thiên tai như hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn. Cùng với đó là tình trạng đất đai sản xuất và nước ngọt ngày càng thu hẹp, bị suy thoái trực tiếp gây ảnh hưởng đến mùa vụ, năng suất, chất lượng sản phẩm. Việc tập trung đất còn nhiều khó khăn, phức tạp làm cản trở các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng sản xuất với quy mô lớn khiến cho họ chưa thực sự yên tâm trong sản xuất. Đầu tư vào nông nghiệp còn thấp do cơ chế, chính sách chưa đủ mạnh, đủ hấp dẫn để thu hút các doanh nghiệp đầu tàu, mang tính dẫn dắt tham gia đầu tư…

Trên cơ sở nhận diện thách thức, ngành nông nghiệp sẽ thực hiện các giải pháp trọng tâm gì để đạt được mục tiêu xuất khẩu trước mắt cũng như tăng trưởng bền vững, thưa ông?

Từ những khó khăn trên, để nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững chuỗi giá trị nông sản, ngành nông nghiệp sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện các nghị quyết, văn bản của Trung ương liên quan đến cơ cấu lại ngành nông nghiệp.

Một là, chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cần tập trung vào các sản phẩm chủ lực có lợi thế cạnh tranh cao, đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất. Các công nghệ mới như công nghệ sinh học, tự động hóa trong sản xuất và quản lý nông nghiệp sẽ giúp tăng năng suất, giảm chi phí và bảo vệ môi trường. Bên cạnh đó, cần có các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nông dân chuyển đổi sang sản xuất hữu cơ và an toàn.

Hai là, xây dựng, thực hiện các chương trình đào tạo, tập huấn và chuyển giao công nghệ phù hợp, giúp người nông dân nắm bắt và áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Việc đào tạo sẽ giúp nâng cao nhận thức, trình độ và kỹ năng của người nông dân, từ đó nâng cao hiệu quả sản xuất…

Ba là, liên kết chặt chẽ giữa các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ là yếu tố then chốt để nâng cao hiệu quả và đảm bảo tính bền vững. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các hợp tác xã, doanh nghiệp và nông dân hợp tác với nhau; thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Đồng thời, việc xây dựng các chuỗi liên kết theo mô hình “từ nông trại đến bàn ăn” sẽ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Bốn là, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ nông sản cả trong nước và quốc tế là một giải pháp quan trọng để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Cần tập trung vào việc xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc.

Năm là, phát triển nông nghiệp bền vững phải đi đôi với việc bảo vệ môi trường và sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên. Việc xây dựng và thực hiện các chương trình, dự án nông nghiệp xanh, nông nghiệp hữu cơ cũng sẽ góp phần quan trọng vào phát triển bền vững, trong đó, giai đoạn hiện nay cần tập trung thực hiện hiệu quả Đề án “Phát triển bền vững một triệu hécta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

N.LỘC (thực hiện)