Tận dụng cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu

Đầu tư - Ngày đăng : 17:45, 10/12/2018

(BKTO) - Tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên (VBF) 2018 với chủ đề “Chia sẻ cơ hội trong xu thế chuyển dịch thương mại toàn cầu” diễn ra ngày 04/12, tại Hà Nội, các đại biểu đã nêu bật những cơ hội, đồng thời chỉ ra nhiều thách thức phải ứng phó khi thương mại toàn cầu đang chuyển dịch mạnh mẽ. Cùng với những giải pháp yêu cầu sự nỗ lực của chính cộng đồng DN, vai trò quan trọng của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tiếp tục được khẳng định tại Diễn đàn.


Tăng trưởng cao và còn nhiều cơ hội

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá, kinh tế vĩ mô năm 2018 ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới mức 4%, dự kiến tốc độ tăng trưởng kinh tế cả năm có thể đạt cao hơn mục tiêu 6,7% đề ra. Ước tính cả nước có trên 130.000 DN thành lập mới; đầu tư toàn xã hội ước đạt 1,89 triệu tỷ đồng, trong đó, đầu tư của khu vực tư nhân ngày càng tăng, giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 18 tỷ USD; xuất khẩu đạt xấp xỉ 240 tỷ USD... Kết quả đáng khích lệ này có phần đóng góp không nhỏ của các DN.

Tuy vậy, kinh tế Việt Nam vẫn đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức, sức ép lạm phát còn lớn; chất lượng tăng trưởng chưa đáp ứng yêu cầu; năng suất lao động, năng lực cạnh tranh hạn chế; khả năng chống chịu với những biến động bên ngoài thấp; nguy cơ tụt hậu và bẫy thu nhập trung bình còn hiện hữu...

Do đó, “những đề xuất của cộng đồng DN tại Diễn đàn sẽ đóng góp tích cực cho Chính phủ trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, phấn đấu sớm vào nhóm các nước dẫn đầu ASEAN…” - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận định.

Đề cập đến các hiệp định thương mại tự do, trong đó có Hiệp định EVFTA giữa Liên minh châu Âu và Việt Nam, sẽ giúp Việt Nam phát triển kinh tế, trở thành điểm đến thương mại và đầu tư hấp dẫn hơn nhưng ông Nicolas Audier - đồng Chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam - cho rằng, còn không ít thách thức để tiến tới mục tiêu này. Bởi việc phê chuẩn EVFTA chưa phải là tất cả, thách thức đang chờ ở phía trước là phiên điều trần trước Ủy ban Thương mại quốc tế và đánh giá của các thành viên Nghị viện châu Âu về EVFTA không chỉ là một thỏa thuận thương mại tự do mà còn bao gồm cả các tác động xã hội. Thách thức tiếp theo của Việt Nam là đảm bảo việc triển khai Hiệp định trên thực tế.

Còn theo ông Michael Kelly - Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ AmCham tại Việt Nam - trong xu thế chuyển dịch thương mại, Việt Nam đang được hưởng lợi ích. Một cuộc khảo sát mới đây của AmCham đối với các DN Hoa Kỳ ở Trung Quốc cho thấy, 1/3 DN đã di dời hoặc đang cân nhắc di chuyển cơ sở sản xuất ra nước ngoài trong bối cảnh căng thẳng thương mại Hoa Kỳ - Trung Quốc đang diễn ra. Một cuộc khảo sát riêng biệt đối với các DN nước ngoài từ các quốc gia khác cho thấy 1/2 trong số họ cũng đang cân nhắc việc di dời và Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được xem là lựa chọn hàng đầu của họ. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để Việt Nam tận dụng triệt để cơ hội này, tiếp tục giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao.

Mở rộng cánh cửa và kết nối doanh nghiệp với thế giới

Đại diện Hiệp hội DN Nhật Bản, Hàn Quốc tại Việt Nam cũng nhấn mạnh một số vấn đề mà Chính phủ Việt Nam nên tập trung cải thiện là cơ chế, chính sách thúc đẩy các dự án PPP trong lĩnh vực hạ tầng; cải cách DNNN; phát triển công nghiệp phụ trợ, nguồn nhân lực chất lượng cao…

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng DN Việt Nam, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - nhấn mạnh, môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam đang chuyển biến mạnh mẽ. Tuy nhiên, các DN kiến nghị cần tiếp tục cắt giảm điều kiện đầu tư kinh doanh và kiểm tra chuyên ngành; thủ tục hành chính liên thông giữa các cơ quan; tăng cường công khai minh bạch thông tin về quy hoạch, dự án; có cơ chế giải quyết vướng mắc của DN hiệu quả hơn…

Lắng nghe những ý kiến từ cộng đồng DN, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thương mại thế giới đang đứng trước nhiều thử thách lớn, trong đó có sự nổi lên của tư tưởng bảo hộ, căng thẳng thương mại, nguy cơ xói mòn niềm tin vào hệ thống thương mại tự do. Tuy nhiên, Thủ tướng khẳng định, với sự lạc quan ủng hộ toàn cầu hóa, đề cao những lợi ích của thương mại tự do, kinh tế Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng ấn tượng, ước đạt khoảng 7% năm 2018, cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực, là mức tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, Việt Nam hiện đã là một “công xưởng lớn” của thế giới và là một điểm tựa cho nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia cung ứng sản phẩm, dịch vụ cạnh tranh tại khu vực và trên toàn cầu. Bên cạnh đó, sự lớn mạnh của nhiều tập đoàn kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng cho thấy môi trường kinh doanh của Việt Nam hoàn toàn có thể ươm mầm nên những DN lớn, là đối tác xứng tầm của các tập đoàn quốc tế. Ngày càng nhiều sản phẩm của Việt Nam xuất hiện trên bản đồ xuất khẩu của thế giới, trong đó có hơn 20 mặt hàng xuất khẩu có giá trị trên 1 tỷ USD với tiềm năng tăng trưởng giá trị của chuỗi cung ứng rất lớn.

Hiện Việt Nam có 16 hiệp định FTA đã và đang ký kết, điều này sẽ mở rộng cánh cửa của hơn 60 nền kinh tế, tạo cơ hội cho DN kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu. Giờ đây, Việt Nam đã trở thành một cửa ngõ quan trọng, khi đứng ở Việt Nam, các DN có thể nhìn thấy hầu hết các thị trường lớn của thế giới.

Thủ tướng cho rằng, để nắm bắt cơ hội và hợp tác thành công cần thúc đẩy sự nỗ lực và hợp tác của cả 3 bên: DN trong nước, DN FDI và vai trò kiến tạo phát triển, đồng hành của Chính phủ.

H.THOAN
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018