Hà Tĩnh: Đẩy nhanh việc di dời hệ thống điện phục vụ thi công dự án cao tốc Bắc - Nam

Địa phương - Ngày đăng : 20:19, 07/09/2024

(BKTO) - Hiện, việc di dời các tuyến đường điện 220kV, 500kV (lưới truyền tải) còn chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác giải phóng mặt bằng và tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh.
tp-1-12-4040.jpg
Việc thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh gặp khó khăn do công tác di dời hệ thống điện còn chậm. Ảnh: tienphong.vn

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh vừa có buổi làm việc với Tổng Công ty Truyền tải điện Quốc gia về việc di dời đường dây 220kV, 500kV phục vụ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025.

Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh có 10 điểm giao chéo với 2 đường dây 220kV và 500kV (4 điểm đường dây 500kV, 6 điểm đường dây 220kV) thuộc địa bàn thị xã Kỳ Anh và 4 huyện: Kỳ Anh, Cẩm Xuyên, Thạch, Đức Thọ.

Đến nay, việc di dời hệ thống lưới điện phân phối (cấp điện áp 110kV trở xuống) đã cơ bản hoàn thành, đảm bảo mặt bằng để các nhà thầu thi công. Tuy nhiên, việc di dời các tuyến đường điện 220kV, 500kV (lưới truyền tải) còn chậm, ảnh hưởng lớn đến công tác GPMB và tiến độ hoàn thành dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua Hà Tĩnh.

Cụ thể, tại huyện Kỳ Anh có 2 điểm 500kV khởi công xây dựng ngày 31/2/2024, tiến độ đạt khoảng 30% (đang trình duyệt phương án cắt điện để tổ chức thi công lắp dựng cột, kéo dây); thị xã Kỳ Anh có 2 điểm 500kV khởi công xây dựng ngày 31/1/2024, tiến độ đạt khoảng 40% (đang trình duyệt phương án cắt điện để tổ chức thi công lắp dựng cột, kéo dây).

Tại huyện Thạch Hà có 1 điểm 220kV, khởi công xây dựng ngày 21/12/2023, tiến độ đạt khoảng 30%; huyện Cẩm Xuyên 3 điểm 220kV khởi công xây dựng ngày 29/1/2024, tiến độ đạt khoảng 40%, phương án cắt điện đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, dự kiến lịch cắt điện từ ngày 10-17/9/2024 để thi công dựng cột, kéo dây.

Tại huyện Đức Thọ có 1 điểm 220kV, khởi công xây dựng tháng 2/2024, đến nay tiến độ đạt khoảng 45%, đang trình duyệt phương án cắt điện để tổ chức thi công lắp dựng cột, kéo dây.

Nguyên nhân khiến tình trạng di dời còn chậm là do tính chất phức tạp của hệ thống lưới điện truyền tải nên việc triển khai thi công gặp nhiều khó khăn; việc lập, trình duyệt phương án cắt điện các tuyến đường dây truyền tải do nhiều yếu tố nên đăng ký lịch cắt điện khó. Bên cạnh đó, việc thi công di dời các tuyến đường điện này trùng với thời điểm thi công dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV mạch 3, ảnh hưởng lớn đến việc huy động nguồn lực thi công; các gói thầu thuộc địa bàn các huyện Đức Thọ, Kỳ Anh gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn vốn thanh toán cho nhà thầu...

Trên cơ sở các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà nhấn mạnh, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc di dời hệ thống điện truyền tải 500kV và 220kV, các cơ quan, đơn vị liên quan tiếp tục tập trung thực hiện nghiêm các chỉ thị, văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh Hà Tĩnh; kịp thời hoàn thành bàn giao mặt bằng cho nhà thầu thi công dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua địa bàn.

Chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu tập trung mọi nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thi công; phối hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc lập, trình duyệt phương án cắt điện. Đồng thời, phối hợp Sở Công thương đề xuất Bộ Công Thương tạo điều kiện, chấp thuận thực hiện thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu theo thẩm quyền song song với quá trình cắt điện thi công và chuyển trả lưới; trong quá trình thực hiện nếu khó khăn, vướng mắc, báo cáo kịp thời để bàn phương án giải quyết.

Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia chỉ đạo các đơn vị thành viên tạo mọi điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công; hướng dẫn, hỗ trợ trong thực hiện thủ tục lập, trình duyệt phương án cắt điện; bố trí lịch cắt điện phù hợp với tình hình thực tế để các nhà thầu triển khai thi công đồng loạt tại các điểm giao chéo nhằm rút ngắn thời gian cắt điện, giảm thiểu ảnh hưởng đến độ ổn định, an toàn cấp điện của lưới truyền tải.

Lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh cũng đề nghị Ban Quản lý dự án Thăng Long (Bộ Giao thông vận tải) kịp thời xem xét, giải quyết các khó khăn về nguồn vốn để chủ đầu tư thanh toán cho các nhà thầu.

Đ. KHOA