Pakistan: Thất thoát hơn 4 tỷ USD tại 2 doanh nghiệp nhà nước
Kiểm toán quốc tế - Ngày đăng : 11:05, 11/12/2018
(BKTO) - Trong nhiều năm qua, Chính phủ Pakistan đã nỗ lực thực hiện các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính quốc gia và thúc đẩy công tác quản trị tốt hơn. Tuy nhiên, việc 2 DNNN gây ra khoản thất thoát 552 tỷ Rupi Pakistan (PKR), tương đương với 4,1 tỷ USD, vừa được Tổng Kiểm toán Pakistan công bố trong một Báo cáo kiểm toán mới đây đã cho thấy vẫn còn những lỗ hổng trong công tác quản lý ngân sách quốc gia của Chính phủ...
Hàng tỷ USD bị thất thoát
Hai DNNN vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc quản trị, gây thất thoát lớn cho ngân sách là Tổng công ty Hàng không quốc tế Pakistan (PIA) và Tổng công ty Thép Pakistan (PSM). Tính đến tháng 9/2018, PSM đã gây ra khoản lỗ 191 tỷ PKR qua nhiều đời lãnh đạo khác nhau, PIA cũng gây ra khoản lỗ 361 tỷ PKR cho ngân sách quốc gia.
Đặc biệt, số tiền thất thoát khổng lồ trên tại PIA được phát hiện sau khi KTNN Pakistan kiểm toán hoạt động Tổng công ty này trong suốt một thập kỷ qua. Theo Báo cáo kiểm toán được trình bày trước Tòa án tối cao Pakistan, năm 2008, doanh thu của PIA là 88,8 tỷ PKR, trong khi các khoản chi tiêu là 125 tỷ PKR, lỗ 36,2 tỷ PKR. Năm 2017, doanh thu của PIA tăng lên 90,5 tỷ PKR, trong khi chi phí tăng lên tới 134,33 tỷ PKR, lỗ 43,83 tỷ PKR chỉ trong một năm.
Trong số khoản lỗ khổng lồ do PIA gây ra, có 1 tỷ PKR được khai báo để mua thuốc; 1,7 tỷ PKR được dùng để trả lương cho nhân viên làm thêm; 3,33 tỷ PKR bị chi tiêu lãng phí do cơ quan sử dụng quá nhiều nhân lực dư thừa. Các quyết định sai lệch của Ban Lãnh đạo DN và nhiều trường hợp nhân viên vi phạm quy định quản lý cũng khiến PIA thất thoát 13 tỷ PKR. Chi phí cho các loại phụ phí nhiên liệu khiến DN thiệt hại tới 46 tỷ PKR, tình trạng quản lý dữ liệu của đại lý du lịch quá lỏng lẻo cũng khiến PIA thất thoát tới 44,5 tỷ PKR. Sự chênh lệch về doanh số bán vé và số lượng hành khách thực tế đã khiến DN mất trắng 32,1 tỷ PKR...
Doanh thu của PIA được xác định đã bị rò rỉ ít nhất 13 tỷ PKR và thất thoát 38 tỷ PKR do công tác đảm bảo kỹ thuật và bảo trì các thiết bị hàng không quá yếu kém. Tình trạng quản lý hợp đồng lỏng lẻo gây ra khoản phí tổn thất là 23 tỷ PKR và một khoản lỗ 13 tỷ PKR do việc quản lý nhiên liệu kém hiệu quả trong suốt 10 năm.
Sai phạm do quản lý yếu kém,lơ là giám sát…
Cuộc kiểm toán PIA cho thấy, DN đã được điều hành như một tổ chức phi thương mại bởi một Ban Giám đốc không chuyên nghiệp và các nhà quản lý thiếu kinh nghiệm chuyên môn, lơ là trong việc giám sát hoạt động của DN.
PIA phải đối mặt với khoản lỗ 117 tỷ PKR do Ban Lãnh đạo đã đưa ra các chính sách vô cùng yếu kém. Tám hãng hàng không nước ngoài đã lợi dụng các chính sách yếu kém đó để thu hút lượng hành khách đi từ Pakistan ra nước ngoài. Trong năm 2017, PIA đã mất tổng cộng 4,72 triệu hành khách sử dụng các chuyến bay quốc tế vào tay các hãng hàng không nước ngoài.
Những tổn thất do PIA gây ra chính là hậu quả của các quyết định sai lầm trong tuyển dụng nhân lực cho DN; công tác mua sắm bừa bãi, lãng phí; chi phí hoạt động vô cùng lớn nhưng không mang lại lợi nhuận. PIA đã không thể khai thác các đường bay quốc tế hiệu quả nhằm mang lại các khoản lợi nhuận lớn, do đó, phải bán lại các đường bay cho một số hãng hàng không khác.
Tổng Kiểm toán Pakistan cho hay, các thành viên trong Ban Lãnh đạo của PIA thường được đề cử mà không phải đảm bảo bất kỳ tiêu chuẩn nào. Thực tế, không có thành viên nào có kinh nghiệm trong ngành hàng không. Nhiều thành viên trong Ban Lãnh đạo thậm chí không thể hoàn thành nổi một báo cáo tài chính hoặc đưa ra các quyết định, chính sách và các hoạt động khác liên quan đến chuyên môn. Kết quả hoạt động của Ban Lãnh đạo cũng chưa từng được tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm; nhiều lãnh đạo thường xuyên vắng mặt trong các cuộc họp quan trọng của DN...
Văn phòng Tổng Kiểm toán đã yêu cầu PIA giải trình về một số vấn đề liên quan đến hoạt động và tình hình tài chính của DN, tuy nhiên, Ban Lãnh đạo PIA đã bất hợp tác và không đưa ra thông tin nào. Chỉ có cựu lãnh đạo của PIA Shujaat Azim thông tin cho Văn phòng Tổng Kiểm toán về các khoản chi trong nhiệm kỳ của ông.
Về PSM, trước đó vào tháng 6/2015, Chính phủ từng tuyên bố đóng cửa DN này khi DN liên tiếp hoạt động không có lãi. Kể từ đó, mỗi năm, Chính phủ đã phải chi 380 triệu PKR trả lương cho đội ngũ nhân viên của PSM. Chính phủ cũng đang xem xét các đề xuất để chuyển đổi PSM thành một DN hoạt động hiệu quả hơn và có thể mang lại lợi nhuận cho Nhà nước.
THANH XUYÊN
Theo Báo Kiểm toán số 49 ra ngày 06-12-2018