Thái Bình: Khẩn trương ứng phó lũ trên các sông lớn

Địa phương - Ngày đăng : 09:25, 11/09/2024

(BKTO) - Từ 10/9, các địa phương trong tỉnh Thái Bình đã và đang tích cực, khẩn trương ứng phó lũ trên sông Hồng, sông Trà Lý. Trước tình hình nước lũ dâng cao báo động trên các sông lớn trên địa bàn, Lãnh đạo tỉnh Thái Bình tổ chức các đoàn đi kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó, khắc phục.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Thái Bình đã ra lệnh báo động số II trên sông Trà Lý và báo động số I trên sông Hồng, sông Luộc, sông Hóa. Theo đó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Thái Bình yêu cầu, Chủ tịch UBND tất cả huyện, thành phố, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc và Nam Thái Bình chỉ đạo thực hiện việc tuần tra, canh gác đê, tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời những diễn biến hư hỏng của đê, kè, cống do lũ gây ra; đặc biệt là các trọng điểm xung yếu đê điều, các đoạn đê có địa chất xấu, các vị trí có ao đầm sát chân đê theo phương châm “4 tại chỗ”.

1000047156.jpg
Thực hiện "4 tại chỗ" ngăn nước tràn để cứu 70 ha lúa mùa ở xã Xuân Hòa (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình). Ảnh: ST

Ông Ngô Đông Hải - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình đã đi kiểm tra đê triền hữu Trà Lý, tả Hồng Hà 2 trên sông Trà Lý và sông Hồng qua địa bàn huyện Vũ Thư, TP. Thái Bình. Ông nhấn mạnh: "Không chỉ nước lũ, chúng ta phải theo dõi, chuẩn bị sẵn sàng ứng phó với những vật thể trôi theo dòng lũ có thể uy hiếp đến đê, ảnh hưởng đến kết cấu công trình, tài sản, tính mạng của nhân dân. Về vật tư, phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác hộ đê, xử lý tình huống cấp bách, ngay từ bây giờ tôi đề nghị cái gì cần thiết, thiếu thì chúng ta phải bổ sung ngay, tình thế này phải xuất cấp ngay, mua ngay chứ không phải chờ dự toán, không phải chờ quyết định, chủ trương... với tinh thần là không dùng đến còn tốt hơn là dùng đến".

1000047157.jpg
Các lực lượng sử dụng các bao cát để ngăn nước lũ xâm nhập thêm vào đồng ruộng. Ảnh: ST

Các địa phương trong tỉnh cũng chủ động triển khai các phương án bảo vệ trọng điểm đê xung yếu, các công trình đê điều, chống tràn các vị trí đê thấp, đê bối, bờ bao tại các tuyến đê, đặc biệt khu vực hạ du, cửa sông, ven biển; đảm bảo an toàn cho người và tài sản ở khu vực bờ bao ven cửa sông, ven biển đề phòng lũ kết hợp triều cường gây tràn, vỡ bờ bao, đê bối. Tại sông Trà Lý, nếu xét thấy khả năng không an toàn, địa phương phải chủ động cho nước vào đề phòng vỡ đột ngột gây thiệt hại về người và tài sản sau khi đã di dời người và tài sản vào trong đê chính.

lu-thai-binh-14.jpg
Từ trưa 10/9, phà Sa Cao trên sông Hồng nối huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) với huyện Xuân Trường (tỉnh Nam Định) đã dừng hoạt động do nước lũ dâng cao. Ảnh: ST

Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3, từ 0 giờ đến 6 giờ ngày 10.9 trên địa bàn tỉnh Thái Bình có mưa to đến rất to, lượng mưa các nơi phổ biến từ 50 - 130 mm, có nơi cao hơn. Trong đêm qua, nhiều nơi trên địa bàn thành phố Thái Bình đã ngập úng, nước tràn vào nhà dân.

Theo Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Thái Bình, dự báo trên địa bàn tỉnh vẫn tiếp tục có mưa vừa, mưa to. Nguy cơ cao ngập úng vùng trũng, thấp tại nhiều nơi. Hiện, mực nước các sông đang lên nhanh. Cảnh báo mực nước tiếp tục lên gây ra tình trạng ngập lụt tại các vùng trũng, thấp, khu vực ven sông, bãi bồi ngoài đê chính, ảnh hưởng tới các hoạt động giao thông đường thủy, nuôi trồng thủy sản, sản xuất nông nghiệp dân sinh và các hoạt động kinh tế - xã hội./.

M.Q