Giải bài toán về môi trường trong sử dụng công nghệ nhiệt điện than

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:00, 10/11/2016

(BKTO) - Chi phí thấp, nguồn nguyên liệu dồi dào... chính là nguyên nhân khiếncông nghệ nhiệt điện than (NĐT) vẫn giữ một vai trò quan trọng trong tình hìnhhiện nay. Tuy nhiên, bên cạnh bài toán kinh tế, làm sao để đảm bảo môi trườngkhi sử dụng công nghệ này lại là một vấn đề nan giải.


NĐT vẫn giữ vai trò quan trọng

Theo thống kê, năm 2015, trong cơ cấu sản xuất điện của Việt Nam, NĐT đã chiếm tỷ trọng 30,4%, chỉ đứng sau thủy điện (38%). Còn theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh đến năm 2020, tổng công suất NĐT khoảng 26.000 MW, chiếm 49,3% lượng điện sản xuất; năm 2025 đạt khoảng 47.600 MW, chiếm 55% điện sản xuất; năm 2030 đạt 55.300 MW chiếm 53,2% điện sản xuất. Những chỉ số này cho thấy, công nghệ NĐT vẫn luôn là lựa chọn ưu tiên của Việt Nam trong việc sản xuất, cung ứng điện cho nền kinh tế.

Phế thải từ các nhà máy NĐT có thể trở thành nguồn nguyên liệu sản xuất gạch không nung và xi măng Ảnh: TK

Đề cập về vai trò của NĐT trong chiến lược bảo đảm an ninh năng lượng Việt Nam, nhiều chuyên gia cũng nhận định: NĐT đảm bảo phụ tải cho biểu đồ phụ tải tiêu thụ điện quốc gia, cung cấp điện cho các hộ tiêu thụ điện công nghiệp. Đi cùng với đó, thời gian và chi phí đầu tư hợp lý; có kinh nghiệm vận hành, bảo dưỡng, sửa chữa; đặc biệt phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của các quốc gia đang phát triển. Trong khi đó, nguồn năng lượng tái tạo chỉ có thể được coi là nguồn bổ trợ mà không thể thay thế nguồn NĐT, bởi hệ số công suất thấp (chỉ từ 20-30%), chi phí đầu tư lớn hơn, phụ thuộc nhiều vào điều kiện tự nhiên như địa điểm, thời gian nên không thể điều chỉnh được theo yêu cầu...

TS. Nguyễn Minh Hiến - nguyên Viện trưởng Viện Năng lượng Việt Nam - cũng khẳng định: Để giảm tỷ lệ NĐT không hề đơn giản vì rất khó tìm nguồn thay thế trong khi các dự án thủy điện vừa và lớn đã khai thác gần hết, nguồn khí tự nhiên khai thác cũng đã đến giới hạn và triển vọng nhập khí hóa lỏng sẽ chỉ diễn ra sau năm 2025.

Hóa giải mối lo về môi trường sinh thái

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, công nghệ NĐT tồn tại nhiều nhược điểm rất khó khắc phục. Theo PGS.TS Trương Duy Nghĩa - Chủ tịch Hội khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam: Nhược điểm của NĐT là dùng khối lượng lớn nhiên liệu để sản xuất điện. Đây là nguồn phát thải lớn các chất thải ra môi trường, đặc biệt là các chất thải rắn và khí. Chi phí về đầu tư, vận hành và bảo dưỡng hệ thống xử lý môi trường tốn kém... TS. Nguyễn Minh Hiến cũng nhận định: Tro, xỉ tại các nhà máy nhiệt điện có nguy cơ ô nhiễm môi trường rất cao. Hiện nay nước ta có 20 nhà máy NĐT đang vận hành với lượng tro, xỉ, thạch cao thải ra hơn 15,7 triệu tấn/năm… tiềm ẩn nhiều mối lo ngại về môi trường sinh thái và nền sản xuất nông nghiệp.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước từ lúc thi công cho đến vận hành các nhà máy NĐT chưa được chặt chẽ, hiệu quả. Ngoài ra, nhiều chính sách còn bất cập khiến cho việc xử lý các chất thải tại nhiều nhà máy vẫn đang bị tồn đọng... Chính vì vậy, theo các chuyên gia, nhu cầu điện năng ngày càng cao và sự lên ngôi của NĐT trong khi quản lý chưa hiệu quả đã khiến cho nguy cơ ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay rất lớn và đang cận kề, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái, đời sống xã hội và nền kinh tế.

Để giải quyết bài toán môi trường, TS. Nguyễn Minh Hiến cho rằng, giải pháp chính là công nghệ. Kinh nghiệm các nước trên thế giới áp dụng để kiểm soát chất thải từ các nhà máy NĐT là sử dụng công nghệ siêu giới hạn hoặc cao hơn nữa. Công nghệ này sẽ giúp giảm suất tiêu hao cho các nhà máy nhiệt điện, đồng thời giảm lượng khí phát thải như CO2, SOX, NOX… ra bên ngoài, đây là những tác nhân gây mưa axit. Nếu các nhà máy NĐT trong nước kiểm soát chặt chẽ được công nghệ ngay từ khi thi công thì việc phát triển các nhà máy nhiệt điện vừa đáp ứng được nhu cầu dùng điện cũng như bảo vệ môi trường – TS. Hiến nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng: Khiếm khuyết của công nghệ NĐT chính là tạo ra các loại chất thải. Đây là vấn đề hoàn toàn có thế giải quyết được, bởi chi phí khắc phục tình trạng này không lớn so với các công nghệ khác. Mặc khác, nếu xử lý được chất thải rắn thì đây có thể trở thành nguồn tài nguyên để phát triển các nguồn nguyên liệu khác. Trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với Bộ Xây dựng ban hành các khuôn khổ pháp lý về công nghệ và môi trường cho các nhà máy NĐT; thiết lập cơ chế chính sách, xử lý, sử dụng hiệu quả chất thải tro, xỉ làm nguyên liệu, xây dựng tiêu chuẩn kỹ thuật sử dụng tro, xỉ, san lấp mặt bằng, khuyến khích các DN thay thế gạch nung tiến tới không sản xuất gạch nung thì lượng tro, xỉ hoàn toàn có thể xử lý được - Thứ trưởng Vượng nhấn mạnh.
HOÀNG LONG