Nâng cao chất lượng kiểm toán để khẳng định vị thế của Kiểm toán nhà nước
Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 06:27, 12/09/2024
Nỗ lực thực hiện tốt các nhiệm vụ
Báo cáo của KTNN cho thấy, trong tháng 7 và tháng 8/2024, các đơn vị trong toàn Ngành đã khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý các công việc theo Kế hoạch công tác năm 2024. Cụ thể, về công tác kiểm toán, tính đến ngày 20/8, KTNN đã tổ chức xét duyệt 105 kế hoạch kiểm toán, triển khai 100 đoàn kiểm toán, kết thúc 64 đoàn kiểm toán, xét duyệt 85 dự thảo báo cáo kiểm toán và phát hành chính thức 74 báo cáo kiểm toán thuộc Kế hoạch kiểm toán năm 2024. Các đơn vị cũng đã tích cực rà soát, đôn đốc việc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Ban cán sự đảng KTNN đã họp cho ý kiến về định hướng chủ yếu của Kế hoạch kiểm toán năm 2025 và Kế hoạch kiểm toán trung hạn 2025-2027. Vụ Tổng hợp đã tổ chức rà soát, thẩm định Kế hoạch kiểm toán năm 2025 theo đề xuất của các KTNN chuyên ngành, khu vực và báo cáo Lãnh đạo KTNN.
Về công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý, trong 2 tháng qua, KTNN đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, chỉ đạo trong công tác kiểm toán như: Đề cương kiểm toán hoạt động “Quản lý điều hành vận tải hành khách công cộng có sự trợ giá của Nhà nước giai đoạn 2022-2023”; ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Đoàn KTNN; Quy chế quản lý, sử dụng đường dây nóng và tiếp nhận, xử lý thông tin qua đường dây nóng của KTNN; ban hành quy định về Quy tắc ứng xử của Kiểm toán viên nhà nước; tiếp tục hoàn thiện, sửa đổi bổ sung Hệ thống Chuẩn mực KTNN.
Tại Kết luận Hội nghị giao ban tháng 9/2024, Tổng Kiểm toán nhà nước yêu cầu Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kiểm toán để tổ chức thực hiện trong toàn Ngành ngay trong tháng 9. Đồng thời, nghiên cứu sửa đổi Quy định về tiêu chí, thang điểm đánh giá và tiêu chuẩn xếp loại Thành viên đoàn kiểm toán, Tổ kiểm toán và Đoàn KTNN, để đảm bảo đánh giá công tâm, khách quan, thực chất, góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán.
Đáng lưu ý, KTNN đã hoàn thành Báo cáo Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật KTNN; hoàn thành Báo cáo công tác năm 2024 của KTNN; đồng thời xây dựng Kế hoạch kiểm toán năm 2025 để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành Kế hoạch thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV và văn bản gửi các Bộ, ngành, địa phương, đơn vị liên quan đến nhiệm vụ cho ý kiến về dự toán ngân sách nhà nước năm 2025 và kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước; ban hành văn bản xử lý thống nhất về quan điểm xác định nợ đọng xây dựng cơ bản, chuẩn bị tài liệu phục vụ Đoàn giám sát của Quốc hội về phát triển nhà ở xã hội…
Công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cũng được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra. Qua công tác kiểm soát chất lượng kiểm toán cho thấy, các đơn vị đã bám sát hướng dẫn về mục tiêu, trọng yếu và nội dung kiểm toán chủ yếu của Ngành; việc ghi chép Nhật ký kiểm toán cơ bản tuân thủ quy định về hồ sơ mẫu biểu, thực hiện đúng quy định về chế độ báo cáo định kỳ…
Tập trung nâng cao chất lượng kiểm toán
Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đánh giá, trong thời gian qua, chất lượng kiểm toán đang ngày càng được nâng cao. Tuy nhiên, trước yêu cầu và kỳ vọng ngày càng cao của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Nhân dân về chất lượng kiểm toán, đòi hỏi toàn Ngành cần tiếp tục nghiên cứu các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng kiểm toán.
Về vấn đề này, theo Phó Tổng Kiểm toán nhà nước Hà Thị Mỹ Dung, trong các bước của quy trình kiểm toán, khâu lập kế hoạch kiểm toán là khâu quan trọng nhất, việc lập kế hoạch kiểm toán có tốt thì các bước sau của quy trình mới chất lượng. “Theo quy định, chỉ giới hạn thời gian thực hiện kiểm toán, thời gian phát hành báo cáo kiểm toán, chứ không quy định thời gian lập kế hoạch kiểm toán. Do đó, các đơn vị cần phân bổ thời gian nhiều hơn nữa cho khâu lập kế hoạch kiểm toán để nâng cao chất lượng ngay từ bước ban đầu này” - Phó Tổng Kiểm toán nhà nước nhấn mạnh.
Chia sẻ thêm về những lưu ý trong việc lập kế hoạch kiểm toán, lãnh đạo các đơn vị tham mưu, KTNN chuyên ngành và khu vực cho rằng, cần chú trọng việc xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán, tăng cường phân tích thông tin để xác định được đúng trọng yếu kiểm toán. Đồng thời, cần tăng cường tìm hiểu về đơn vị được kiểm toán để việc xây dựng kế hoạch kiểm toán gắn được với tình hình thực tế của đơn vị, qua đó góp phần nâng cao chất lượng kiểm toán. Liên quan đến phương pháp kiểm toán, lãnh đạo các đơn vị cho rằng, các đoàn kiểm toán nên áp dụng đầy đủ các phương pháp thu thập bằng chứng kiểm toán và phải đối chiếu giữa các phương pháp với nhau, để có thể có đầy đủ căn cứ đánh giá, kết luận các nội dung kiểm toán trọng tâm một cách chính xác nhất. Đặc biệt, nhấn mạnh trong bất kỳ khâu nào của quy trình kiểm toán, nguồn lực con người cũng là nhân tố then chốt quyết định chất lượng công việc, lãnh đạo các đơn vị đều cho rằng cần tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, để nâng cao trình độ, chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ kiểm toán viên; cùng với đó, các kiểm toán viên cũng cần chủ động trau dồi kiến thức không chỉ trong lĩnh vực kiểm toán mà còn cả các lĩnh vực khác liên quan, để đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu của nghề nghiệp…
Nêu định hướng chung nhằm nâng cao chất lượng kiểm toán, Tổng Kiểm toán nhà nước Ngô Văn Tuấn đề nghị toàn Ngành phát huy trí tuệ, quyết tâm nâng cao chất lượng hoạt động kiểm toán với phương châm “gọn nhưng chất lượng”. Kế hoạch kiểm toán phải lựa chọn đúng, trúng những vấn đề được dư luận xã hội, Quốc hội và cử tri quan tâm để có tiếng nói quan trọng trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của các Bộ, ngành, địa phương, qua đó khẳng định vị thế, vai trò của KTNN trong hệ thống chính trị.
Thủ trưởng các đơn vị chủ trì cuộc kiểm toán cần đặc biệt quan tâm đến công tác khảo sát, xây dựng Kế hoạch kiểm toán; chú trọng thu thập đầy đủ, chính xác thông tin, đánh giá toàn diện hệ thống kiểm soát nội bộ của đơn vị được kiểm toán. Trên cơ sở nguồn lực hiện có, xây dựng phương án kiểm toán, xác định mục tiêu, nội dung kiểm toán thiết thực, không dàn trải; tiến hành kiểm toán có trọng tâm trọng điểm, đi sâu đánh giá tính hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của đơn vị và phải đi đến tận cùng vấn đề trên cơ sở tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm toán và các hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ kiểm toán. Kết quả kiểm toán phải công khai, minh bạch, chỉ rõ sai phạm, khuyết điểm (nếu có) của đơn vị được kiểm toán để kiến nghị khắc phục, xác định trách nhiệm./.