Gỡ “thẻ vàng” hải sản, chờ đến bao giờ?

Góc nhìn - Ngày đăng : 11:11, 12/09/2024

(BKTO) - Gỡ bỏ “thẻ vàng” đang là mệnh lệnh hành động được các ngành chức năng quyết liệt thực hiện để mở rộng cánh cửa xuất khẩu hải sản Việt Nam, đồng thời giúp tổ chức lại ngành kinh tế thủy sản, đảm bảo sự phát triển bền vững của nguồn tài nguyên. Sau nhiều lần lỗi hẹn, cơ hội này có được hiện thực hóa trong đợt kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) vào tháng 10 tới đây?

14.jpg
Việt Nam quyết tâm gỡ “thẻ vàng” hải sản trong năm 2024. Ảnh minh họa

Nỗ lực thực hiện theo khuyến cáo của EC

Hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất tới việc khai thác bền vững nguồn tài nguyên sinh vật biển. Ngày 23/10/2017, EC có thông báo áp dụng biện pháp cảnh báo thẻ phạt (thẻ vàng) đối với sản phẩm hải sản khai thác xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) với lý do Việt Nam chưa chống được IUU. Điều này đồng nghĩa hải sản của nước ta xuất khẩu sang thị trường EU bị kiểm soát 100%, thay vì kiểm tra xác suất. Đồng thời, hiệu ứng từ thị trường này cũng tác động rất lớn đến các thị trường khác, dẫn đến những rào cản nhất định đối với hải sản Việt Nam. “Hệ quả của tình trạng này khiến cho ngành thủy sản “thiệt đơn, thiệt kép” và đứng trước nhiều rủi ro” - đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết.

Đánh giá về vấn đề “thẻ vàng” hải sản, chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Thị Hồng Thanh (Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nêu rõ, thẻ vàng IUU không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn ảnh hưởng đến uy tín, vị thế quan hệ ngoại giao của nước ta. Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), đến nay hệ thống pháp luật hiện hành cơ bản đảm bảo phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững và phù hợp với các thông lệ quốc có liên quan. Đặc biệt, các hành vi cấm theo IUU cũng đã được đề cập trong Luật Thủy sản 2017. “Vấn đề là ý thức, trách nhiệm thực thi ở các cấp trước đây chưa tốt, chưa được quan tâm đúng mức” - ông Luân cho biết.

Theo các chuyên gia, chỉ đến khi nhận thấy tác động của “thẻ vàng” đến xuất khẩu hải sản quá lớn, đồng thời với sự chỉ đạo quyết liệt hơn từ Trung ương, các địa phương mới thực sự lưu tâm vào cuộc, cũng như có sự phối hợp giữa các lực lượng, các địa phương tốt hơn trong xử lý vấn đề phức tạp này. Đơn cử, chỉ tính riêng từ năm 2023 đến nay, 28 tỉnh ven biển đã xử phạt hàng chục trường hợp vi phạm với số tiền phạt lên tới hơn 100 tỷ đồng. Thậm chí, tỉnh Kiên Giang đã truy tố xét xử điển hình một vụ, áp dụng hình thức tịch thu tàu cá vi phạm, tạo sự răn đe cho cộng đồng ngư dân…

Có 3 điểm lớn chúng ta đã, đang tập trung thực hiện theo khuyến cáo của EC: Thứ nhất, tàu cá còn vi phạm ở vùng biển nước ngoài; thứ hai, tàu cá còn tắt thiết bị giám sát hành trình; thứ 3, các tàu “không số” do lịch sử để lại. Đây là 3 tồn tại dễ dẫn đến ngư dân không tuân thủ pháp luật và đang có sự chuyển biến rất lớn.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan

Mặc dù tích cực tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, quyết liệt chống khai thác IUU và đạt được nhiều kết quả quan trọng được EC ghi nhận đánh giá cao, song chừng đó là chưa đủ. Trên cơ sở khuyến cáo của EC sau đợt kiểm tra lần thứ 4 của EC (tháng 10/2023), Bộ NNPTNT đã yêu cầu 28 tỉnh ven biển phải thống nhất cùng phối hợp để quản lý tốt tàu cá, phải dứt điểm xử lý tình trạng tàu cá “3 không” (Giấy phép, đăng ký, đăng kiểm), giám sát 100% sản lượng hải sản khai thác với mục tiêu gỡ cảnh báo “thẻ vàng” vào tháng 10 tới đây của EC.

Cơ hội cuối để gỡ “thẻ vàng” hải sản?

Có thể nói, đợt thanh tra của EC lần thứ 5 vào tháng 10 tới được xem thời điểm quyết định để Việt Nam gỡ “thẻ vàng” thủy sản. Theo Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan, đến thời điểm này, Bộ NNPTNT gần như đã hoàn thành tất cả những thể chế, quy định cuối cùng theo kiến nghị của EC. Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, thay vì phần lớn dựa vào địa phương như trước đây, thời gian vừa qua, nỗ lực chống IUU được thực thi từ các cấp độ, với sự vào cuộc quyết liệt từ Chính phủ, các Bộ, ngành. “Không chỉ là sự quyết liệt ở Trung ương mà ngư dân cũng cần hiểu đây là sự sống còn, không phải là IUU nữa mà là nghề cá bền vững của chúng ta” - Bộ trưởng cho biết. Theo đó, việc gỡ bỏ “thẻ vàng” không phải mục tiêu duy nhất của các nỗ lực vừa qua, mà mục tiêu cuối cùng là chúng ta giữ gìn trữ lượng và tính đa dạng sinh học trên vùng biển Việt Nam.

Là một trong những đơn vị trực tiếp tham gia vào công tác kiểm tra, phối hợp xử lý vi phạm theo IUU, ông Nguyễn Quang Hùng - Cục trưởng Cục Kiểm ngư (Bộ NNPTNT) - nhấn mạnh, lần thanh tra này rất quan trọng, bởi nếu không gỡ được “thẻ vàng”, có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị chuyển sang “thẻ đỏ” và bị hạn chế xuất khẩu thủy hải sản vào các thị trường quan trọng khác.

Theo ông Hùng, sau lần kiểm tra cuối năm 2023, EC khuyến nghị Việt Nam cần áp dụng các cơ chế kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo tất cả các tàu cá đã hủy đăng ký không được phép tham gia khai thác hải sản; rà soát lại quy trình xử lý đối với việc ngắt kết nối thiết bị hành trình (VMS). Đến nay vấn đề này đã có nhiều chuyển biến, song vẫn còn tình trạng tàu khai thác bị ngắt kết nối VMS với nhiều lý do, trong đó có mục đích nhằm trốn tránh cơ quan chức năng.

Theo đại diện Vasep, với những nỗ lực của các ngành chức năng và qua ghi nhận từ doanh nghiệp cho thấy có cơ sở để tin tưởng Việt Nam sẽ được gỡ bỏ “thẻ vàng” trong thời gian tới. Tuy nhiên, để đạt được kết quả này đòi hỏi từ nay đến thời điểm đó, các ngành chức năng cần tiếp tục quyết liệt hơn nữa trong vấn đề này. Theo các chuyên gia, ngoài việc tăng cường tuần tra phát hiện và xử lý nghiêm vi phạm khai thác IUU; kiên quyết ngăn chặn, xử lý nghiêm tàu cá không đủ điều kiện tham gia hoạt động khai thác hải sản.

Các hiệp hội, doanh nghiệp cần kiên quyết từ chối thu mua, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm hải sản có nguồn gốc từ khai thác IUU; đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng để cung cấp thông tin, xử lý nghiêm các doanh nghiệp thủy sản tiếp tay, dung túng cho hành vi khai thác IUU./.

N.LỘC