Tổng Công ty Xây dựng Thăng Long năm 2012: Kỳ 1: Đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức

Hoạt động của Ngành - Ngày đăng : 09:15, 12/05/2016

(BKTO) - Năm 2012, Tổng công ty Xây dựng Thăng Long (Tổng công ty) phải đối mặt vớinhiều khó khăn, thách thức. Kết quả kiểm toán phản ánh, hoạt động sản xuất kinhdoanh của Tổng công ty chủ yếu dựa vào vốn vay, nhiều khoản nợ phải thu tồn đọng,hiệu quả sản xuất kinh doanh sụt giảm.



Hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long sụt giảm trong năm 2012.Ảnh: TS
Hoạt động phụ thuộc vào vốn vay

Theo kết quả kiểm toán, vốn chủ sở hữu tại thời điểm 31/12/2012 của Tổng công ty là 193.822 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 9,78% tổng nguồn vốn. Trong đó chủ yếu bao gồm: Vốn đầu tư của chủ sở hữu là 167,9 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 86,9% tổng vốn chủ sở hữu); lợi nhuận chưa phân phối và các quỹ là gần 25 tỷ đồng (chiếm 12,93% tổng vốn chủ sở hữu).

Mặc dù vốn chủ sở hữu được các đơn vị thành viên theo dõi, quản lý cơ bản đúng quy định, sử dụng vốn đúng mục đích phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, song theo đánh giá của KTNN, vốn chủ sở hữu của Tổng công ty chiếm tỷ trọng rất nhỏ so với tổng nguồn vốn. Do đó, hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị đã mất đi tính chủ động, phụ thuộc nhiều vào nguồn vốn chiếm dụng của người bán (mua hàng trả chậm) và vay vốn ngân hàng, các tổ chức cá nhân để duy trì sản xuất kinh doanh.

Do hoạt động sản xuất kinh doanh chủ yếu dựa vào vốn vay nên hệ số huy động vốn (nợ phải trả/vốn điều lệ) của các đơn vị thuộc Tổng công ty khá cao, vượt xa “trần” quy định về mức độ huy động vốn của Bộ Tài chính (hệ số huy động vốn không được vượt quá 3 lần). Cụ thể, tại Công ty mẹ, hệ số huy động vốn là 7,3 lần (1.171.488 triệu đồng/158.700 triệu đồng). Mặc dù ngày 11/1/2013, Bộ Giao thông vận tải đã có quyết định điều chỉnh tăng vốn điều lệ của Công ty mẹ lên mức 357.216 triệu đồng thì hệ số huy động vốn của Công ty mẹ vẫn là 3,18 lần, chưa đáp ứng quy định trên.

Tương tự, tại Công ty CP Cầu 1 Thăng Long (năm 2012 đổi tên là Công ty TNHH Một thành viên Cầu 1 Thăng Long), hệ số huy động vốn là 7,3 lần. Theo báo cáo của đơn vị, nguyên nhân vượt mức huy động vốn là do vốn đầu tư chủ sở hữu tại đơn vị nhỏ, để đảm bảo thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị phải đi vay tín dụng. Vì vậy, ngày 25/11/2010, chủ sở hữu là Tổng công ty Xây dựng Thăng Long đã chấp thuận và xây dựng lộ trình tăng vốn điều lệ cho Công ty. Đối với các đơn vị cổ phần hóa, kết quả tính toán hệ số huy động vốn cũng phản ánh thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị phụ thuộc nhiều vào vốn vay và vốn chiếm dụng của các đối tượng khác. Cụ thể như: Tại Công ty CP Cầu 3 Thăng Long, hệ số huy động vốn lên tới 17,9 lần; tại Công ty CP Cầu 11 Thăng Long là 17,6 lần.
Với lượng vốn vay lớn nên chi phí lãi vay phát sinh hàng năm rất lớn. Theo kết quả kiểm toán, chi phí tài chính năm 2012 của toàn Tổng công ty là 70.580 triệu đồng.

Tuy nhiên, điều nghịch lý là trong khi khó khăn về nguồn vốn kinh doanh như vậy thì tại Tổng công ty còn tồn đọng nhiều khoản nợ phải thu. Tổng các khoản phải thu ngắn hạn đến thời điểm 31/12/2012 của Tổng công ty là trên 1 nghìn tỷ đồng, chiếm 53,67% tổng tài sản, trong đó một số khoản phải thu có số dư lớn như phải thu của khách hàng là 945.378 triệu đồng (chiếm trên 90% tổng các khoản phải thu ngắn hạn). Đáng chú ý, Tổng công ty còn để tồn đọng các khoản công nợ quá hạn với tổng giá trị 44.094 triệu đồng, trong đó nợ phải thu quá hạn trên 3 năm là 32.386 triệu đồng, chiếm 73,5% tổng nợ quá hạn.

Hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút

Kết quả kiểm toán cho thấy, năm 2012, ngoài công ty mẹ có tình hình tài chính, sản xuất kinh doanh tương đối ổn định, các đơn vị còn lại đang gặp nhiều khó khăn. Nếu các đơn vị thực hiện đầy đủ quy định về trích lập dự phòng các khoản nợ phải thu quá hạn (giá trị chưa trích lập dự phòng là 18.351 triệu đồng) thì lợi nhuận trước thuế của Tổng công ty sẽ là -1.063 triệu đồng.
Qua phân tích, đánh giá, kết quả sản xuất kinh doanh năm 2012 của các đơn vị được kiểm toán đều sụt giảm so với năm 2011, một số đơn vị sản xuất kinh doanh thua lỗ.

Chỉ ra nguyên nhân dẫn đến hiệu quả sản xuất kinh doanh giảm sút, thua lỗ, KTNN cho rằng, bên cạnh những hạn chế nội tại của Tổng công ty do kinh doanh với nguồn vốn chủ sở hữu nhỏ, nhiều khoản nợ phải thu tồn đọng thì những khó khăn chung của nền kinh tế cũng tác động rất lớn khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Thăng Long trong năm 2012 và dự đoán cả những năm tiếp theo phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đó là, giá cả nguyên vật liệu chính phục vụ thi công các công trình giao thông tăng cao, làm tăng chi phí sản xuất, giá thành các công trình; chủ trương cắt giảm đầu tư công để kiềm chế lạm phát dẫn đến một loạt các dự án đang thi công dở dang không được bố trí vốn kịp thời hoặc tạm ngừng cấp vốn, bị thiếu vốn, nợ NSNN tại các công trình lớn (173.853 triệu đồng). Ngoài ra, môi trường cạnh tranh tìm kiếm việc làm trong lĩnh vực xây dựng, giao thông những năm gần đây rất khắc nghiệt, trong khi các đơn vị trong Tổng công ty lại gặp khó khăn về vốn, máy móc thiết bị được đầu tư từ lâu đã lạc hậu cũng làm giảm năng lực cạnh tranh, tiết kiệm chi phí, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng công ty.

Box: Kết quả kiểm toán Tổng công ty Xây dựng Thăng Long năm 2012 cho biết: Chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế chỉ là 17.288 triệu đồng, đạt 50,5% mức lợi nhuận so với năm 2011, do tổng doanh thu, thu nhập năm 2012 giảm 14,1% so với năm 2011 trong khi tổng chi phí năm 2012 chỉ giảm 13,3% so với năm trước. Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu bằng 0,86%, giảm 1,24% so với năm 2011 (2,1%). Tỷ suất sinh lời của vốn đầu tư bằng 6,46%, giảm 12,44% so với năm 2011(18,9%); tỷ suất sinh lời của tài sản bằng 0,55%, giảm 1,12% so với năm 2011.

ĐĂNG KHOA