Khung chính sách mới tạo động lực phát triển nhà ở xã hội

Đầu tư - Ngày đăng : 22:37, 13/09/2024

(BKTO) - Việc Quốc hội cho phép triển khai đồng bộ 3 Luật gồm Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023 và Luật Kinh doanh bất động sản 2023 sớm 5 tháng; các nghị định hướng dẫn thi hành cũng có hiệu lực đồng thời với Luật, đã giúp tháo gỡ nhiều nút thắt về cơ chế, chính sách, tạo sức bật lớn cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội (NƠXH).
tbt-a2-6459.jpg
Quang cảnh Tọa đàm. Ảnh: daibieunhandan.vn

Lần đầu tiên có hướng dẫn trình tự, thủ tục chi tiết về đầu tư nhà ở xã hội

Tại Kỳ họp tháng 10/2023, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) với nhiều chính sách đột phá, đồng bộ để phát triển NƠXH, trước hết là nhằm thực hiện Chương trình phát triển tối thiểu 1 triệu căn NƠXH trong giai đoạn 2021-2030.

Tháng 7 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị định 100/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Nhà ở năm 2023 về phát triển và quản lý NƠXH.

Chia sẻ tại Tọa đàm “Phát triển nhà ở xã hội trong bối cảnh chính sách mới”, do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức ngày 12/9, ông Hà Quang Hưng - Phó Cục trưởng Cục Phát triển nhà ở và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Nghị định số 100/2024/NĐ-CP đã dành một chương quy định về trình tự, thủ tục liên quan đến các giai đoạn đầu tư của dự án NƠXH, hướng dẫn các bước tương đối chi tiết, từ xây dựng, đề xuất chủ trương cho đến phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư cho đến giai đoạn kết thúc...

“Đây là lần đầu tiên chúng ta có hướng dẫn một trình tự, thủ tục chi tiết như thế” - ông Hưng nói và cho rằng, việc quy định cụ thể trình tự này sẽ khắc phục tình trạng mỗi địa phương thực hiện theo một trình tự, thủ tục khác nhau.

Theo ông Hưng, Nghị định 100/2024/NĐ-CP không chỉ hướng dẫn các bước thực hiện từ đầu cho đến kết thúc một dự án NƠXH, mà còn giao trách nhiệm cho UBND cấp tỉnh trong quá trình thực hiện xây dựng, lập, phê duyệt quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng… phải dành đủ quỹ đất để phát triển NƠXH theo nhu cầu.

Chi phí về giá bán, chi phí hỗ trợ đền bù, chi phí bán hàng, chi phí quản lý của doanh nghiệp NƠXH đã được quy định rất rõ ràng, như chi phí của một doanh nghiệp dự án nhà ở thương mại; công thức để tính giá bán cũng tiệm cận hơn thực tế. Điều này giúp các doanh nghiệp NƠXH sẽ có cơ hội tiến gần hơn với mức lợi nhuận thực 10% - điều mà từ trước tới nay dường như là bất khả.

Ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân

Bên cạnh đó, Nghị định cũng hướng dẫn về trách nhiệm dành quỹ đất để phát triển NƠXH của các chủ đầu tư chuyên đầu tư dự án nhà ở thương mại; quy định hướng dẫn các mẫu giấy tờ để chứng minh đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách về nhà ở.

Nghị định số 100 cũng quy định rút gọn về thủ tục hành chính. Theo đó, trong trường hợp dự án NƠXH thực hiện đấu thầu để lựa chọn chủ đầu tư mà trong quá trình đấu thầu có sử dụng chỉ tiêu về giá bán, thì sau này chủ đầu tư không phải thực hiện thủ tục thẩm định nữa. “Thủ tục hành chính lần này được rút gọn khá nhiều, rút gọn về điều kiện, về trình tự, thủ tục” - ông Hưng nhấn mạnh.

tien-cuong-2156.jpg
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường đánh giá những quy định linh hoạt hơn sẽ mở ra cơ hội phát triển NƠXH. Ảnh: daibieunhandan.vn

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường - Ủy viên Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội đánh giá, việc tiếp cận đất đai, quỹ để phát triển NƠXH trước đây quy định cứng nhưng hiện nay đã linh hoạt hơn. Với việc tháo gỡ những vấn đề này thì nguồn lực, điều kiện tiếp cận, cơ hội phát triển NƠXH được mở ra, các dự án NƠXH sẽ tiếp cận nhanh hơn với các chính sách.

Còn dưới góc độ doanh nghiệp đã có 10 năm làm NƠXH, nhà ở công nhân, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Địa ốc Hoàng Quân chia sẻ, doanh nghiệp chưa bao giờ thấy sự ủng hộ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, các Bộ ngành, địa phương và người dân đối với chính sách về NƠXH rõ nét như lúc này.

“Nhiều luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai và các nghị định được ban hành nhanh và đồng bộ. Tinh thần, thể chế đó chính là sự ủng hộ cực kỳ lớn cho các doanh nghiệp làm NƠXH” - ông Tuấn nhìn nhận.

Cần có chính sách đột phá về nguồn vốn

Bên cạnh những thay đổi tích cực từ thể chế, chính sách, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cũng thảo luận, đề xuất các giải pháp về quy hoạch quỹ đất xây dựng NƠXH cũng như tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

nhaoxahoi-1667298172306693251514.jpg
Cần quy hoạch quỹ đất phù hợp và tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn để thúc đẩy phát triển NƠXH. Ảnh: chinhphu.vn

Theo ông Trương Anh Tuấn, hiện nay các tỉnh đã cơ bản hoàn thiện quy hoạch quỹ đất cho NƠXH. Song, có tình trạng quy hoạch quỹ đất NƠXH ở vị trí không thuận lợi, xa trung tâm, khiến doanh nghiệp không dám làm còn người dân không dám ở.

Vì vậy, ông Tuấn đề xuất cho phép doanh nghiệp sử dụng đất được quy hoạch làm đất ở để làm NƠXH. Trường hợp này, cần có cơ chế cho phép doanh nghiệp hạch toán chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng vào giá bán. Như vậy, sẽ giúp tăng nguồn cung NƠXH.

Về vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu - Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, chúng ta chủ động bố trí quỹ đất đưa vào quy hoạch, nhưng nếu không làm quy hoạch thực chất vì mục tiêu xã hội, đặt mình vào vị trí của người dân, doanh nghiệp, quy hoạch quỹ đất vào những vị trí không thuận lợi thì quy hoạch ấy không đạt được mục tiêu.

Liên quan đến nguồn vốn đầu tư, đại diện doanh nghiệp cho rằng, việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng cho phát triển NƠXH vẫn rất khó. Vấn đề này cần tháo gỡ để tạo thuận lợi hơn cho cả doanh nghiệp và người dân có nhu cầu về NƠXH được tiếp cận nguồn vốn.

Hay như với chủ trương về xây dựng NƠXH, ông Trương Anh Tuấn cho rằng, hướng đi này cần có một chính sách lớn hơn từ phía Quốc hội và Chính phủ để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển loại hình này. Ví dụ, doanh nghiệp không thể vay vốn 3 năm để làm nhà cho thuê; nếu muốn làm thì phải vay không dưới 5 năm.

Chia sẻ thực tế này, ông Hoàng Văn Cường phân tích, khi phát triển NƠXH cho thuê, mức tiền cho thuê không bù đắp được nguồn vốn ban đầu. Làm NƠXH cho thuê tức là đầu tư tiền chẵn để thu về tiền lẻ, như vậy khó thu hút doanh nghiệp. Do đó, muốn phát triển loại hình này, cần có chính sách tài trợ vốn cho doanh nghiệp, cần có đột phá hơn nữa về vấn đề này. Bởi khi phát triển nhà ở cho thuê, không chỉ giải quyết được nhà ở cho người dân, mà còn sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực xã hội.

Phải phát triển đa dạng thị trường vốn cho thị trường bất động sản, vốn để đầu tư cho phát triển NƠXH phải là quỹ riêng và phải có nguồn cho phát triển quỹ này. Quỹ này là cần thiết, được hưởng chính sách ưu đãi, thời hạn cho vay phải dài, lãi suất thấp.

Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Là một trong 4 ngân hàng thương mại triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng cho NƠXH, ông Lê Văn Tuấn - Phó trưởng Ban Chính sách tín dụng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) cho biết, Agribank luôn đặt mục tiêu ưu tiên nguồn vốn cho NƠXH.

Đến tháng 8/2024, Agribank đang là ngân hàng dẫn đầu về triển khai dự án; đã phê duyệt 13 dự án với tổng mức phê duyệt trên 3.000 tỷ đồng. Tới đây, có 5 dự án sẽ triển khai với tổng mức cho vay 1.500 tỷ đồng; đồng thời có 12 dự án tiếp theo đang tiếp cận với 5.200 tỷ đồng.

“Thời gian tới, Agribank tiếp tục ưu tiên vốn cho các dự án NƠXH, nhà cho công nhân, cải tạo chung cư cũ; đây cũng là mục tiêu xuyên suốt đến năm 2030. Ngân hàng cũng sẽ tiếp tục tiết giảm chi phí để giúp giảm lãi suất cho vay đối với lĩnh vực NƠXH” - ông Tuấn thông tin./.

Đ. KHOA