Phòng ngừa dịch bệnh, nhanh chóng khôi phục sản xuất sau bão lũ

Xã hội - Ngày đăng : 17:01, 16/09/2024

(BKTO) - Trong bối cảnh bão lũ gây thiệt hại nặng nề đến sản xuất, ngành nông nghiệp đã bám sát tình hình để đưa ra khuyến cáo cho người dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa, cũng như khẩn trương phối hợp với địa phương để khôi phục sản xuất, gắn với phòng ngừa dịch bệnh nhằm ngăn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản.
quang-ninh.jpg
Cơn bão số 3 khiến cho ngành thủy sản của tỉnh Quảng Ninh bị thiệt hại rất nghiêm trọng. Ảnh ST

Thiệt hại nặng nề do mưa bão, lũ lụt

Theo Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NNPTNT), cơn bão số 3 và lũ lụt đã gây ra thiệt hại về người và tài sản rất lớn… Trong đó, riêng với ngành nông nghiệp, tính đến sáng ngày 15/9, đã có 183.394ha lúa, 44.071ha hoa màu, 23.661ha cây ăn quả bị ngập úng, hư hại; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 9.079 con gia súc và gần 2 triệu con gia cầm bị chết. Lũ lớn xuất hiện trên nhiều tuyến sông đã gây ra 305 sự cố, uy hiếp nghiêm trọng đến an toàn hệ thống đê điều...

459541132_8494876060524362_8595041166927640864_n.jpg
Những cánh đồng chuối khu vực ven sông Hồng bị đổ rạp sau trận bão và không có khả năng phục hồi. Ảnh: ST

Trong đó, tại tỉnh Nam Định, nông nghiệp chịu thiệt hại nặng nề nhất bởi bão lũ, với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị 106 tỷ đồng; 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính gần 33 tỷ đồng…

Là ngành kinh tế thế mạnh của Quảng Ninh, song trận bão số 3 vừa qua đã khiến ngành thủy sản của tỉnh bị thiệt hại nặng nề, nhất là những hộ nuôi lồng bè trên biển. Mặc dù chưa có con số chính xác về thiệt hại của người dân, doanh nghiệp ở lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, nhưng theo thống kê ban đầu thì nhiều nghìn tỷ đồng của ngư dân Quảng Ninh đã "bay" theo bão. 

Theo ông Trần Đình Luân - Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NNPTNT), mặc dù đã có sự chuẩn bị tốt trước khi bão đổ bộ như hướng dẫn bà con ngư dân tiến hành khai thác đối với các loại thủy sản đã đủ lớn, yêu cầu tàu phải neo chằng lồng bè đối với sản lượng chưa đủ để khai thác, song do cơn bão quá lớn nên ngành nuôi trồng thủy sản ở Quảng Ninh, Hải Phòng vẫn thiệt hại nặng nề.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, ước tính thiệt hại do bão, lũ gây ra vào khoảng 40.000 tỷ đồng, ước giảm khoảng 0,15% GDP năm 2024. Ước cả năm GDP có thể đạt mức 6,8-7%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản giảm 0,33%, công nghiệp và xây dựng giảm 0,05% và dịch vụ giảm 0,22%. Nhiều địa phương có tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2024 ước giảm trên 0,5% như Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Nguyên, Lào Cai…

Trước ảnh hưởng nặng nề của bão lũ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan đề nghị các địa phương cần nhanh chóng thống kê tình hình thiệt hại, cũng như đánh giá ảnh hưởng của bão lũ đến sản xuất để cùng với Bộ NNPTNT xây dựng phương án khôi phục sản xuất càng sớm càng tốt.

Bên cạnh đó, các tỉnh vùng đồng bằng, ven biển cần tập trung chống lũ, đảm bảo an toàn đê điều sông Hồng - Thái Bình và khắc phục ngay các sự cố trên các tuyến đê sau lũ vì hiện nay, lũ trên các triền sông vẫn ở mức rất cao, uy hiếp đến an toàn hệ thống đê điều; các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác hộ đê, xử lý kịp thời các sự cố đê.

"Tránh tình trạng chủ quan, lơ là vì khi lũ rút cũng sẽ phát sinh rất nhiều sự cố gây mất an toàn đê. Sau khi lũ rút, tập trung xử lý các sự cố đê điều để đảm bảo an toàn chống lũ" - Bộ trưởng đề nghị.

Khẩn trương khắc phục thiệt hại, sớm ổn định sản xuất

Cùng với công tác cứu hộ người, tài sản đang được các cơ quan chức năng khẩn trương thực hiện, các đơn vị chức năng thuộc Bộ NNPTNT đã phối hợp với địa phương và có hướng dẫn về việc phòng, chống bão lũ, cũng như tập trung khắc phục thiệt hại sau bão lũ để đưa ra giải pháp giúp người dân sớm ổn định sản xuất. 

Theo Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ NNPTNT Nguyễn Như Cường, nhằm đảm bảo hạn chế thiệt hại đối với sản xuất, Cục đã ban hành văn bản hướng dẫn gửi các địa phương các biện pháp giải quyết sau bão đối với từng đối tượng cây trồng chính lúa, rau màu, cây ăn quả quan trọng đặc biệt là cho thị trường Tết và tình trạng dịch bệnh đối với cây trồng sau bão lũ. 

“Bà con cần lưu ý sau trận mưa lớn như vừa qua, một số sâu bệnh sẽ nổi lên như bệnh bạc lá. Với những trà lúa xấu không thể thu hoạch được, Cục cũng đã có hướng dẫn xử lý kỹ thuật ngay để trồng cây vụ Đông sớm” - đại diện Cục Trồng trọt cho biết.

Còn tại tỉnh Quảng Ninh - địa phương nằm trong tâm của cơn bão số 3, cùng với việc khẩn trương khắc phục hậu quả do bão số 3 gây ra, tỉnh kiến nghị, đề xuất Chính phủ cũng như các Bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng chịu thiệt hại do bão.

Liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, tỉnh Quảng Ninh đề xuất Chính phủ cho phép bổ sung đối tượng là doanh nghiệp sản xuất, chế biến lâm, thủy sản được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP về cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh; chỉ đạo ngân hàng thương mại có chính sách giảm lãi suất; chính sách cho các hộ nuôi trồng thủy sản, hộ trồng rừng vay vốn.

Đồng thời, Quảng Ninh cũng đề nghị cho tăng vốn điều lệ cho các doanh nghiệp lâm nghiệp, miễn tiền thuê đất đối với doanh nghiệp lâm nghiệp và hộ nuôi trồng thủy sản trên biển...

459570753_3512371928897893_1170436399696302699_n.jpg
Những cánh đồng quất phục vụ Tết nguyên đán tại phường Tứ Liên bị thiệt hại nặng sau bão lũ. Ảnh: N.Lộc

Khẳng định những thiệt hại đến ngành nông nghiệp tại một số tỉnh phía Bắc do bão lũ gây ra không ảnh hưởng quá lớn đến mục tiêu xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, do khu vực này không phải là vùng trọng điểm về các mặt hàng xuất khẩu chủ lực, song Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, các hậu quả vừa qua vẫn có tác động nhất định đến tiêu dùng trong nước. 

Do đó, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục bám sát tình hình, kịp thời đề xuất chính sách hỗ trợ cho người dân tại các địa phương trong thẩm quyền. Trước mắt, để nhanh chóng ổn định sản xuất, Bộ NNPTNT đã chuẩn bị nguồn giống để hỗ trợ các địa phương khôi phục sản xuất ngay sau bão.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Cục Chăn nuôi tập trung hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp khắc phục, khôi phục đàn vật nuôi; thực hiện tốt việc quản lý, chăm sóc đàn vật nuôi.

Nhằm đảm bảo phòng ngừa tình trạng dịch bệnh phát sinh sau bão lũ, Bộ đã chỉ đạo Cục Thú y phối hợp với các địa phương tổ chức các biện pháp vệ sinh, tiêu độc, khử trùng ngay sau khi đợt mưa, lũ kết thúc để tiêu diệt các loại mầm bệnh trong môi trường; rà soát, tổ chức tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine cho gia súc, gia cầm theo đúng quy định. 

Trong đó, "cần tập trung hướng dẫn kỹ thuật phục hồi, chăm sóc sức khỏe đàn thủy sản nuôi còn lại sau bão; chuẩn bị đầy đủ vật liệu, vật tư đầu vào trong nuôi trồng thủy sản, sẵn sàng thả giống khi điều kiện môi trường cho phép" - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh./.

N.LỘC