Long An ưu tiên thu hút đầu tư một số ngành, lĩnh vực

Địa phương - Ngày đăng : 17:43, 20/09/2024

(BKTO) - Long An sẽ ưu tiên thu hút đầu tư: Công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao; năng lượng tái tạo, các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng thương mại; dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn.
long-an.jpg
Đến năm 2030, tỉnh Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam. Ảnh ST.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định số 1003/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Đầu tư các dự án kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn

Theo quy hoạch, đối với dự án đầu tư công: Tỉnh Long An ưu tiên đầu tư các dự án có kết cấu hạ tầng có sức lan tỏa lớn, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược của tỉnh, bảo đảm đồng bộ, hiện đại, liên thông, thúc đẩy kết nối giữa hai vùng Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long, nội vùng (kết nối ba vùng kinh tế và các trung tâm đô thị) gắn với hai hành lang kinh tế (Hành lang đường Vành đai 3 - Vành đai 4 TP. Hồ Chí Minh và Hành lang phát triển phía Nam là đường tỉnh 827 E); hạ tầng lưới điện; hạ tầng y tế, giáo dục, an sinh xã hội; hạ tầng kỹ thuật đô thị tại ba vùng động lực đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh để thu hút nguồn vốn tư nhân và nước ngoài để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội quan trọng của tỉnh và liên vùng; đồng thời bảo đảm cơ cấu đầu tư hợp lý, hiệu quả giữa các vùng, lĩnh vực, vừa tạo động lực tăng trưởng, vừa bảo đảm an sinh xã hội.

Tiếp tục ưu tiên đầu tư hoàn thiện hạ tầng thủy lợi, đê điều đảm bảo an toàn đời sống nhân dân, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân

Đối với dự án đầu tư sử dụng các nguồn vốn khác ngoài vốn đầu tư công: Đầu tư hoàn hiện cơ sở hạ tầng của tỉnh trên cơ sở các công trình hạ tầng đã và đang được đầu tư dẫn dắt bởi các dự án đầu tư công, phát huy tối đa hiệu quả các công trình hạ tầng đã được đầu tư.

Ưu tiên thu hút đầu tư vào thành phố Tân An là trung tâm chính trị - hành chính - đô thị hạt nhân - đô thị vệ tinh của Thành phố Hồ Chí Minh; là trung tâm thương mại, dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao, hiện đại phía Đông Bắc của vùng đồng bằng sông Cửu Long; sáu trục động lực kinh tế, ngành quan trọng và một số ngành, lĩnh vực khuyến khích xã hội hóa để đảm bảo phù hợp với quan điểm phát triển, phương án tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội và phương án phát triển kết cấu hạ tầng đã được xác định tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo quy hoạch tại Quyết định số 686/QĐ-TTg ngày 13/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ  phê duyệt, phấn đấu đến năm 2030, Long An là trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả và bền vững của khu vực phía Nam, trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ, đầu mối giao thương quan trọng hợp tác với Campuchia. Hình thành các hành lang kinh tế, vùng, trung tâm phát triển và đô thị động lực; thích ứng với biến đổi khí hậu. Quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc.
Về kinh tế, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 9%/năm; GRDP bình quân đầu người (giá hiện hành) đạt trên 180 triệu đồng. Tỷ trọng trong GRDP của khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 7,5%; khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 61,8%; khu vực dịch vụ khoảng 24,2%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm khoảng 6,5%.

Các ngành, lĩnh vực ưu tiên thu hút đầu tư bao gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo ứng dụng công nghệ cao tại các khu, cụm công nghiệp; năng lượng tái tạo, các khu nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản ứng dụng công nghệ cao; hạ tầng thương mại; dịch vụ logistics; du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, nông thôn. Thu hút đầu tư gia tăng mật độ, quy mô, năng suất, hiệu quả các cơ sở sản xuất, kinh doanh tại ba vùng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Phát triển nguồn nhân lực là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của tỉnh Long An. Theo đó, tỉnh sẽ thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề, kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động; đẩy mạnh đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và tăng cường kết nối giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và doanh nghiệp; có cơ chế chính sách thu hút lao động, nhất là lao động chất lượng cao; bảo đảm đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động làm việc, sinh sống lâu dài.

Sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế, đặc biệt đối với các ngành quan trọng, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng, logistics và cảng biển; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đẩy mạnh khoa học và công nghệ, chuyển đổi số

Long An đẩy mạnh ứng dụng những thành tựu của khoa học, công nghệ, đặc biệt là công nghệ số trong tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội; xây dựng chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số và xây dựng đô thị thông minh.

Thúc đẩy nghiên cứu, triển khai và đầu tư cơ sở vật chất; phát triển hợp tác quốc tế và hội nhập thị trường khoa học, công nghệ. Bảo đảm chi cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ 2% trở lên trong tổng chi ngân sách nhà nước hằng năm và tăng dần theo yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ...

LINH BÙI