Hợp tác xã Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên (Tiền Hải – Thái Bình): Giúp nông dân kiếm tiền từ nuôi vịt biển
Xã hội - Ngày đăng : 17:04, 21/09/2024
Nuôi vịt biển theo phương pháp an toàn sinh học
Năm 2018, anh Ngô Văn Duẩn xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải (tỉnh Thái Bình) tham gia vào Tổ hợp tác (THT) để xây dựng mô hình nuôi vịt biển. “Lứa đầu đến thời kỳ xuất các thành viên THT mang ra chợ bán và nhận được phản hồi tích cực của khách hàng. Sau khi bán hết lứa vịt đầu, THT hạch toán doanh thu, sau khi trừ các chi phí, chia bình quân mỗi hộ nuôi vịt biển lãi trên 20 triệu đồng. Đây là mức thu nhập cao khá cao”, anh Duẩn cho hay.
Lượng khách tìm đến mua ngày càng nhiều, do đó anh Duẩn và các hộ trong THT đã nhân rộng mô hình, tăng đàn. Nhằm mở rộng quy mô, tháng 3/2019, Hợp tác xã (HTX) Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được thành lập với 32 hộ thành viên do anh Ngô Văn Duẩn làm giám đốc. Bên cạnh việc sản xuất và kinh doanh các sản phẩm trong lĩnh vực chăn nuôi, đặc biệt, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên lựa chọn vịt biển 15 Đại Xuyên làm sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu “Vịt biển Đông Xuyên”, HTX còn cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, liên kết bao tiêu sản phẩm, giúp các thành viên thuận lợi trong sản xuất.
Để sản phẩm vịt biển có chất lượng, mang lại giá trị cao, được khách hàng đón nhận, ngay từ ngày đầu HTX đã chủ động định hướng cho thành viên sản xuất, chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất giúp giảm chi phí. Ngoài quy trình chăn nuôi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình hướng dẫn, HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên còn bổ sung chế phẩm AM tỏi của Học viện nông nghiệp Việt Nam vào nước uống. Việc đưa vi sinh vào nước uống sẽ giúp hệ thống tiêu hóa của vịt tốt hơn, hấp thụ dinh dưỡng nhiều hơn. Ngoài ra, HTX còn đang dùng chế phẩm sinh học là vi sinh để đưa vào làm công thức tỏi mật ong dụng trong phòng bệnh cho vịt.
Do nhu cầu của thị trường đối với sản phẩm vịt biển và trứng vịt biển đang rất cao nên HTX đã liên kết với 20 hộ ngoài xã để chăn nuôi vịt biển, thường xuyên cung cấp sản phẩm cho HTX.
Từ việc có thu nhập, mỗi thành viên HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, xã Đông Xuyên, huyện Tiền Hải yên tâm gắn bó với HTX.
Dù thành lập và đi vào hoạt động được 5 năm, nhưng nhờ sự năng động đổi mới trong sản xuất, kinh doanh, HTX này mang lại nhiều lợi ích cho người chăn nuôi, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế tập thể.
Sản phẩm luôn trong tình trạng “cháy hàng”
Năm 2020, trứng vịt biển được của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên được UBND tỉnh Thái Bình công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, sản phẩm này luôn trong tình trạng “cháy hàng”. Ngoài ra, trứng vịt biển Đông Xuyên còn được công nhận là sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Bình) chứng nhận.
Từ khi trứng, vịt biển Đông Xuyên được công nhận sản phẩm OCOP 4 sao, giá trị sản phẩm được nâng cao, thương hiệu có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, sản phẩm trứng vịt, thịt vịt Đông Xuyên có mặt tại các siêu thị tại nhiều tỉnh thành: Thái Bình, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định... qua các kênh bán hàng truyền thống và sàn thương mại điện tử.
Theo thống kê của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên, năm 2022 đơn vị đã đưa ra thị trường 180 vạn quả trứng và 7 vạn con vịt thương phẩm. Năm 2023 phấn đấu đưa sản phẩm trứng, vịt biển Đông Xuyên ra thị trường gấp 1,5 lần so với năm 2022. “Chúng tôi có kế hoạch nhân thêm các đàn bố mẹ để phát triển con giống một cách chủ động”, đại diện HTX cho biết.
Với cách làm bài bản từ khâu chọn con giống, thức ăn và áp dụng quy trình chăn nuôi VietGAP, mô hình chăn nuôi vịt biển của HTX Chăn nuôi tổng hợp Đông Xuyên là hướng đi mới và có nhiều triển vọng, đem lại giá trị kinh tế cao, giúp các thành viên HTX có thêm thu nhập ổn định.
Anh Trần Ngọc Trà, thành viên HTX cho hay, gia đình anh duy trì nuôi thường xuyên từ 5.000 đến 6.000 con vịt biển (cả vịt đẻ và vịt thương phẩm). Chu kỳ nuôi vịt biển đến khi xuất bán khoảng từ 95 đến 120 ngày, chi phí sản xuất hiện tại 200.000 đồng/con. Giá bán vịt thịt ra thị trường là 230.000 đồng/kg. Bên cạnh nghề nuôi vịt biển, gia đình anh còn kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Những năm qua, huyện Tiền Hải nỗ lực thực hiện chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) từng bước mang lại kết quả tích cực. Sản phẩm được chứng nhận OCOP đã thúc đẩy nâng cao giá trị nông sản của người nông dân, đồng thời giữ được tính truyền thống văn hóa của địa phương trong từng sản phẩm, góp phần sản phẩm nông nghiệp có sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài tỉnh.
Tiền Hải là một huyện ven biển của tỉnh Thái Bình, có bờ biển dài 23 km và có ba cửa sông lớn đổ ra biển là cửa Ba Lạt của sông Hồng, cửa sông Trà Lý và cửa Lân. Với đặc điểm về vùng bờ biển được bồi tụ đã hình thành lên vùng đất bãi bồi, đất ngập nước ven biển rộng và hệ sinh thái động thực vật phong phú nên huyện Tiền Hải có nhiều tiềm năng để phát triển kinh tế, xã hội một cách đa dạng.