Tháo gỡ cho doanh nghiệp là tháo gỡ cho nền kinh tế, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển

Chính trị - Ngày đăng : 20:21, 21/09/2024

(BKTO) - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh thông điệp này khi chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp lớn về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, sáng 21/9, tại trụ sở Chính phủ.
1(5).jpeg
Quang cảnh Hội nghị. Ảnh: CP

Tại Hội nghị, sau báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tất cả các doanh nghiệp tham gia đều chia sẻ về tình hình hoạt động, các khó khăn vướng mắc, kiến nghị các giải pháp tháo gỡ; chia sẻ suy nghĩ, tầm nhìn, tìm ra giải pháp cho các bài toán lớn của đất nước nhằm đạt được mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045 như đã đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Các doanh nghiệp cũng đề xuất một số ý tưởng phát triển doanh nghiệp dân tộc Việt Nam mạnh, nhất là trong các lĩnh vực công nghiệp tiên phong như bán dẫn, AI, hydro xanh; tăng trưởng dựa vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; phát huy các động lực tăng trưởng mới, đến từ kinh tế tuần hoàn, kinh tế số và bằng cả các mô hình kinh tế mới.

Phát biểu kết luận, Thủ tướng cơ bản đồng ý với nội dung báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các ý kiến phát biểu tâm huyết của các đại biểu; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu, tiếp thu tối đa các ý kiến được nêu, khẩn trương hoàn thiện, trình ban hành sản phẩm của Hội nghị dưới hình thức một thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ trên tinh thần tiếp thu, tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đóng góp nhiều hơn vào sự phát triển của đất nước.

3.jpeg
Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào. Ảnh: CP

Thủ tướng bày tỏ chia sẻ với những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp trong những năm qua vừa qua do nhiều yếu tố chưa có tiền lệ, như đại dịch Covid-19, chiến tranh, cạnh tranh chiến lược, đứt gãy chuỗi cung ứng; cảm ơn các doanh nghiệp đã luôn đồng hành cùng Đảng, Nhà nước và nhân dân để góp phần khắc phục khó khăn, thách thức, xây dựng đất nước hùng cường, thịnh vượng, nhân dân ngày càng hạnh phúc, ấm no.

Thủ tướng khẳng định: "Chúng tôi rất tin tưởng, tự hào vào sự trưởng thành lớn mạnh, của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, trong đó có các doanh nghiệp tham dự Hội nghị".

Thủ tướng nhấn mạnh: Chính phủ cam kết luôn đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế; nghiên cứu, bãi bỏ các giấy phép con, xóa bỏ môi trường tạo sách nhiễu, phiền hà, làm tăng chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp; luôn lắng nghe, chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và chung tay cùng tháo gỡ để cùng nhau vượt qua khó khăn, thách thức, đặc biệt là trong việc xây dựng và hoàn thiện thể chế để doanh nghiệp hoạt động thuận lợi theo pháp luật, yên tâm sản xuất, kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Thủ tướng đề nghị các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, trưởng ngành, nếu được phản ánh về khó khăn của doanh nghiệp thì trực tiếp lắng nghe và giải quyết dứt điểm theo chức năng, thẩm quyền của mình, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo Thủ tướng.

Tháo gỡ cho doanh nghiệp là góp phần tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế đất nước, doanh nghiệp phát triển là đất nước phát triển, tinh thần là vướng ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, mắc ở đâu thì ở đó phải tháo gỡ, không đùn đẩy, không né tránh, không gây phiền hà, sách nhiễu

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính

Thủ tướng cũng khẳng định các cơ quan tiếp tục lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa theo đúng tinh thần Hội nghị Trung ương 10 và chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm là "địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm".

Bên cạnh đó, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật, góp phần đắc lực, hiệu quả trong xây dựng và hoàn thiện thể chế, nhất là thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, quản lý và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.

Thủ tướng nêu rõ quan điểm xác định người dân và doanh nghiệp nghiệp là trung tâm, chủ thể trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, pháp luật; thể chế không chỉ quản lý hiệu quả mà còn kiến tạo phát triển.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp phát huy 6 tiên phong:

Thứ nhất, tiên phong thúc đẩy, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, tập trung vào các động lực tăng trưởng truyền thống và các động lực tăng trưởng mới, ứng phó biến đổi khí hậu.

Thứ hai, tiên phong tham gia các chuỗi giá trị, chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu, góp phần xây dựng thương hiệu doanh nghiệp và quốc gia.

Thứ ba, tiên phong tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, tiên phong phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng văn hóa, ứng phó biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh.

Thứ năm, tiên phong góp phần đào tạo nhân lực chất lượng cao, cải cách thủ tục hành chính và nâng cao năng lực quản trị thông minh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Thứ sáu, tiên phong trong đoàn kết, thống nhất, hỗ trợ lẫn nhau, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng phát triển doanh nghiệp và phát triển đất nước.

2.jpeg
Thủ tướng trao đổi cùng các doanh nghiệp dự Hội nghị. Ảnh: CP

Về các góp ý, kiến nghị của doanh nghiệp, Thủ tướng giao các bộ, ngành lắng nghe, tiếp thu và phải giải quyết với các giải pháp cả trước mắt và lâu dài trên tinh thần đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ", hài hòa lợi ích giữa người dân, doanh nghiệp và Nhà nước.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ cảm ơn các doanh nghiệp đã đề xuất giao các nhiệm vụ cụ thể trong xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đường sắt đô thị, sản xuất thép, xây dựng các tuyến cao tốc, nhà máy điện, sân bay, bến cảng, trung tâm triển lãm quốc gia, nhà ở xã hội, chăm sóc dinh dưỡng cho trẻ em và nâng cao thể chất người dân… Trên cơ sở các đề xuất, các cơ quan sẽ nghiên cứu, giao nhiệm vụ, đặt hàng các doanh nghiệp để thực hiện.

Người đứng đầu Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành xử lý công việc với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt để cùng các doanh nghiệp giải quyết các khó khăn, vướng mắc, tổ chức thực hiện rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ sản phẩm, rõ kết quả.

Ngoài Hội nghị này, Thủ tướng giao các bộ ngành tổ chức các hội nghị chuyên đề với doanh nghiệp theo các lĩnh vực về tài nguyên và môi trường, giao thông vận tải, thuế, đầu tư… theo tinh thần "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện phải có sản phẩm, kết quả cụ thể, cân đong đo đếm được"./.

HỒNG NHUNG