Tăng nguồn lực cho chương trình kết hợp quân dân y
Xã hội - Ngày đăng : 09:30, 12/05/2016
(BKTO) - Kết hợp quân dân y là một đặc thù của ngành y tế Việt Nam, được hình thànhvà phát triển qua các thời kỳ cách mạng. Tại hội nghị trực tuyến kết hợp quândân y toàn quốc lần thứ V, giai đoạn 2005-2015, do Bộ Y tế phối hợp với Bộ Quốcphòng tổ chức ngày 10/5, những thành tựu quan trọng của Chương trình kết hợpquân dân y (Chương trình) tiếp tục được khẳng định. Hội nghị cũng đã định hướngcác giải pháp tăng cường nguồn lực, phát huy hiệu quả của Chương trình.
Chương trình kết hợp quân dân y đã phát huy sức mạnh tổng hợp, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe đồng bào các dân tộc vùng cao, Ảnh: TS
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến - Trưởng ban Quân dân y cấp Bộ khẳng định, trong 10 năm qua, Chương trình kết hợp quân dân y đã đạt được những thành tựu to lớn và có ý nghĩa chính trị hết sức quan trọng, góp phần củng cố quốc phòng - an ninh, xoá đói, giảm nghèo, thực hiện công bằng xã hội trong chăm sóc sức khoẻ cộng đồng ở mọi vùng của Tổ quốc.
Trong điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng cao, biên giới, biển, đảo còn nhiều khó khăn; công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ở địa bàn này gặp nhiều trở ngại, nguồn nhân lực của các cơ sở y tế vừa thiếu, vừa yếu... Chương trình đã phát huy được sức mạnh tổng hợp của quân y và dân y trong việc củng cố y tế cơ sở; tạo nên mạng lưới khám chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh, góp phần tích cực vào việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, bộ đội. Đặc biệt, 152 phòng khám quân dân y đóng dọc các tuyến biên giới thực sự là “cánh tay nối dài” của các trạm y tế xã đến tận thôn, buôn, bản. Kết hợp quân dân y cũng là giải pháp hiệu quả giúp đáp ứng kịp thời các tình huống đột xuất về phòng chống dịch bệnh truyền nhiễm, khắc phục hậu quả về mặt y tế trong thiên tai thảm họa…
Trong giai đoạn 2005-2015, bằng nhiều hình thức phong phú và đa dạng, với nhiều nguồn kinh phí (kinh phí hỗ trợ của Dự án Kết hợp quân dân y, kinh phí xã hội hóa, vốn của đơn vị, địa phương) và sự đóng góp hàng triệu ngày công lao động của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị, Chương trình đã đầu tư nâng cao năng lực hoạt động cho 529 trạm y tế xã, với tổng ngân sách trên 420,3 tỷ đồng (trong đó: ngân sách Trung ương 83.941 triệu đồng, số còn lại do các đơn vị phối hợp với các địa phương tự bảo đảm); số trạm y tế được củng cố thuộc vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo là 410 trạm (chiếm 77,50%). Cũng từ nguồn ngân sách của Dự án kết hợp quân dân y, 278 trạm y tế quân dân y đã được sửa chữa, nâng cấp nhà trạm, bổ sung trang bị y tế nhằm nâng cao năng lực khám chữa bệnh với tổng kinh phí là 52,7 tỷ đồng. Chương trình cũng đã đầu tư cơ bản trang thiết bị y tế có kết nối mạng phục vụ triển khai hệ thống Telemedicine cho các phòng mổ và hỗ trợ trang thiết bị y tế cho các huyện đảo…
Nhờ đó, công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được cải thiện. Trong 10 năm qua, các đơn vị của ngành Quân y, các cơ sở khám chữa bệnh quân dân y trên toàn quốc đã khám chữa bệnh cho hơn 40,6 triệu lượt người, cấp cứu 6,2 triệu lượt người và nhận điều trị 20,5 triệu người; y tế các địa phương đã khám chữa bệnh cho 65.220 lượt cán bộ chiến sỹ quân đội; các cơ sở quân y trên tuyến biển, đảo đã cấp cứu cho trên 6.500 người...
Kết hợp nhiều nguồn lực đầu tư cho Chương trình
Với ý nghĩa quan trọng của Chương trình, từ năm 2006, thông qua Dự án Kết hợp quân dân y, Chương trình đã chính thức được đầu tư theo nguồn ngân sách của Chương trình mục tiêu quốc gia. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Quân dân y cấp Bộ, ngân sách đầu tư cho hoạt động kết hợp quân dân y thời gian qua còn rất khiêm tốn, kể cả nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cũng như ngân sách đầu tư của địa phương; còn thiếu cơ chế chi tiêu ngân sách chung cho hoạt động kết hợp quân dân y; đặc biệt, không có nguồn ngân sách đầu tư riêng cho phát triển y tế biển, đảo.
Dự kiến, trong giai đoạn 2016-2020, khả năng NSNN đầu tư cho Dự án kết hợp quân dân y sẽ hạn hẹp, việc kêu gọi các nguồn ngân sách viện trợ, ngân sách xã hội hóa cũng gặp nhiều khó khăn. Do đó, để đảm bảo nguồn lực triển khai các hoạt động của Chương trình, Thứ trưởng Bộ Y tế Phạm Lê Tuấn cho biết, trong giai đoạn tới, cùng với việc trình Chính phủ ban hành Nghị định về công tác kết hợp quân dân y, Ban Quân dân y cấp Bộ sẽ tập trung xây dựng báo cáo khả thi đầu tư trung hạn cho Dự án Kết hợp quân dân y, thuộc chương trình mục tiêu y tế - dân số giai đoạn 2016-2020, bảo đảm tính khả thi, không dàn trải, tập trung nâng cao năng lực cho y tế cơ sở khu vực biên giới, biển, đảo và khu vực trọng điểm quốc phòng an ninh. Đồng thời, phối hợp với Bộ Quốc phòng, các địa phương ven biển, đề xuất chủ trương đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho y tế biển đảo, thực hiện đề án “Phát triển y tế biển, đảo Việt Nam đến năm 2020” (Đề án 317) theo quy định của Luật Đầu tư công và chủ trương của Chính phủ; thực hiện đa dạng hoá các hình thức kết hợp, đầu tư nguồn lực, đặc biệt là phát huy vai trò, sự quan tâm đầu tư của các cấp chính quyền địa phương, để tổ chức triển khai có hiệu quả các mục tiêu của Chương trình.
NGUYỄN HỒNG