Các ngân hàng kiến nghị gì với lãnh đạo Chính phủ?

Ngân hàng - Tín dụng - Ngày đăng : 11:00, 22/09/2024

(BKTO) - Nhiều đề xuất, kiến nghị của lãnh đạo các ngân hàng đã được gửi tới lãnh đạo Chính phủ tại Hội nghị Thường trực Chính phủ làm việc với các ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) về các giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đẩy nhanh tăng trưởng tín dụng nhưng không nới lỏng điều kiện cho vay

Các vấn đề liên quan đến tín dụng được các ngân hàng đề xuất, kiến nghị nhiều nhất. Để đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng tín dụng, đại diện Ngân hàng TMCP Đông Nam Á (SeABank) đề xuất các hiệp hội doanh nghiệp (DN), ngành nghề, các tổ chức chính trị - xã hội cùng với các chính quyền địa phương vào cuộc tích cực hơn nữa để nắm những khó khăn của DN, từ đó có các giải pháp tháo gỡ.

Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả bảo lãnh tín dụng cho DN nhỏ và vừa, giúp họ có thể tiếp cận vốn vay ngân hàng dễ dàng hơn mà không bị vướng mắc về điều kiện vay vốn và tài sản bảo đảm (TSBĐ); có cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bên khi triển khai.

Các bộ, ban, ngành cần triển khai hiệu quả, chủ động các chính sách kinh tế vĩ mô và các giải pháp đồng bộ cho các ngành nghề, lĩnh vực, vùng miền của cả Trung ương và địa phương, nhất là việc triển khai đồng bộ các giải pháp về xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu, khai thác cầu nội địa, cải thiện môi trường kinh doanh, khơi thông thị trường bất động sản.

Các DN cũng cần chủ động tự tái cấu trúc lại hoạt động sản xuất kinh doanh, chấp nhận loại bỏ các mảng kinh doanh kém hiệu quả, lựa chọn hướng phát triển mới để nâng cao chất lượng nội tại của DN, đáp ứng được các điều kiện tối thiếu của ngân hàng khi thẩm định và xét duyệt cho vay.

Tăng cường rà soát, đơn giản hóa quy trình và thủ tục cấp tín dụng, tối ưu hóa áp dụng chuyển đổi số vào quy trình cấp tín dụng, tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay.

Đặc biệt, cần cân nhắc phương án tiếp tục gia hạn Thông tư số 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ và bổ sung thêm đối tượng khách hàng được hỗ trợ là khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3.

thach-diem.jpg
Tổng Giám đốc Sacombank Nguyễn Đức Thạch Diễm kiến nghị các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Ảnh: Chinhphu.vn

Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương tín (Sacombank) Nguyễn Đức Thạch Diễm kiến nghị cần tiếp tục kéo giảm chi phí vốn, giảm mặt bằng lãi suất cho vay phù hợp nhằm tăng khả năng tiếp cận vốn. Triển khai các gói tín dụng ưu đãi đối với một số lĩnh vực, ngành nghề cần thúc đẩy theo chỉ đạo của Chính phủ và NHNN.

Tiếp tục phối hợp với các hiệp hội ngành nghề triển khai các cơ chế về sản phẩm, lãi suất ưu đãi để giúp khách hàng tiếp cận nguồn vốn giá rẻ, tăng trưởng dư nợ. Tăng cường thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro nhằm kiểm soát rủi ro tín dụng ở mức độ phù hợp với mục tiêu tăng trưởng tín dụng. Tinh gọn quy trình, quy chế nội bộ trong cấp phát tín dụng.

Trong khi đó, đại diện Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) đề xuất NHNN xem xét việc quản lý hạn mức tín dụng (room tín dụng) theo hướng linh hoạt hơn, đặc biệt là đối với các ngân hàng được đánh giá tốt. Room tín dụng chỉ nên áp dụng cho những ngân hàng cần sự quản lý chặt chẽ bởi NHNN.

ong-vy.jpg
Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ có nhiều đề xuất liên quan đến xử lý tài sản bảo đảm.  Ảnh: Chinhphu.vn

Chủ tịch Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) Đặng Khắc Vỹ mong muốn Chính phủ và các bộ, ngành tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững, từ đó giúp ngân hàng gia tăng tín dụng an toàn, mạnh mẽ. Đồng thời, tiếp tục thực thi chính sách không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng để tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá nhằm tránh những hệ lụy về sau ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của các ngân hàng và sự ổn định của ngành ngân hàng khi nợ xấu gia tăng, lợi nhuận suy giảm.

Liên quan đến tín dụng xanh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) - ông Hồ Hùng Anh - kiến nghị xây dựng và ban hành các hướng dẫn chi tiết và cụ thể về tín dụng xanh để đảm bảo đồng nhất trong áp dụng và công bằng, minh bạch giữa các tổ chức tín dụng (TCTD) trong việc cấp tín dụng. Đồng thời, đưa ra các cơ chế, chính sách khuyến khích DN trong chuyển đổi xanh, tạo điều kiện cho các tổ chức DN tham gia thị trường vốn, phát hành trái phiếu của các DN làm dự án xanh, các cơ chế khuyến khích về thuế và bảo hiểm tín dụng xanh.

Tạo cơ chế thuận lợi cho xử lý tài sản bảo đảm

hung-anh.jpg
Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh đề xuất một số giải pháp đối với ngành ngân hàng từ nay đến cuối năm 2024. Ảnh: Chinhphu.vn

Ông Hồ Hùng Anh đề xuất: Cần có các giải pháp ổn định, khơi thông dòng vốn trên thị trường trái phiếu DN. Bộ Tài chính cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến thị trường, DN, người dân và lắng nghe tiếng nói của DN, các hiệp hội để có điều chỉnh phù hợp, đảm bảo tăng cường sự ổn định của thị trường cũng như tạo điều kiện hỗ trợ DN huy động vốn một cách bền vững.

Cũng theo ông Hồ Hùng Anh, cần ổn định thị trường ngoại hối, bổ sung, gia hạn các chính sách giảm thuế thu nhập DN, thuế giá trị gia tăng, thời gian nộp thuế, kiểm soát các loại chi phí liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh như chi phí vận tải, xuất nhập khẩu … nhằm giúp DN giảm bớt gánh nặng tài chính.

Chủ tịch VIB Đặng Khắc Vỹ đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành ban hành các quy định chấp nhận việc các TCTD được quyền thực hiện thu giữ TSBĐ nhằm xử lý, thu hồi nợ xấu trong trường hợp hợp đồng bảo đảm được ký kết hợp pháp có quy định đầy đủ 3 nội dung: Quy định một trong những phương thức xử lý TSBĐ là tổ chức tiến hành thu giữ TSBĐ, quy định TCTD có quyền thu giữ TSBĐ, quy định về trình tự thủ tục để TCTD thu giữ TSBĐ.

Khi quyền hợp pháp của chủ nợ được bảo vệ đầy đủ, trong đó có quyền của các TCTD được thu giữ để xử lý TSBĐ, khả năng tiếp cận tín dụng của DN và người dân được tăng lên, chi phí tín dụng của người vay được tiết giảm. Cùng với đó, khách hàng tốt không bị ảnh hưởng lây bởi các khách hàng không thực hiện nghĩa vụ trả nợ và không tuân thủ thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm. Đồng thời, các TCTD sẽ mạnh dạn hơn trong việc đẩy mạnh cho vay và áp dụng mức lãi suất phù hợp hơn khi rủi ro liên quan đến quyền của chủ nợ đã được giảm bớt.

Cũng liên quan đến xử lý TSBĐ, đại diện OCB kiến nghị Chính phủ và NHNN tạo cơ chế cho việc xử lý nợ mạnh mẽ tương tự như Nghị quyết số 42/2017/QH14 của Quốc hội, tạo thuận lợi cho ngân hàng thu giữ và xử lý TSBĐ. 

Ngoài ra, OCB mong muốn có một hành lang pháp lý thống nhất liên quan đến việc chuyển nhượng TSBĐ là bất động sản cho ngân hàng, tạo điều kiện thuận lợi cho việc xử lý nợ xấu. Hiện nay, quy định này được thực hiện không đồng bộ giữa các địa phương, gây khó khăn cho ngân hàng trong việc xử lý tài sản…/.

THÀNH ĐỨC