02 động lực tăng trưởng quan trọng của doanh nghiệp thực phẩm - đồ uống

Kinh tế - Ngày đăng : 11:38, 22/09/2024

(BKTO) - Bộ Công Thương dự báo doanh thu ngành thực phẩm - đồ uống (F&B) sẽ tăng trưởng 10,92% năm 2024, đạt hơn 720.000 tỷ đồng. Thị trường xuất khẩu thực phẩm cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực với nhiều mặt hàng thuộc nhóm ngành F&B như thủy sản, rau quả, cà phê, gạo và hạt điều đã ghi nhận tổng kim ngạch xuất khẩu vượt 2 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2024. Triển vọng tăng trưởng của doanh nghiệp (DN) F&B rất khả quan!
tp.jpg
Ngành thực phẩm - đồ uống được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực. Ảnh minh họa

Ngành F&B Việt Nam tăng trưởng theo xu hướng mới

Năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo có những tín hiệu phục hồi khả quan với mức tăng trưởng ước đạt 5,5%, theo kỳ vọng của 37,5% DN tham gia khảo sát. Khi kinh tế chung tăng trưởng ổn định, các ngành công nghiệp và lĩnh vực khác, bao gồm ngành F&B, cũng được kỳ vọng sẽ phát triển tích cực. Một môi trường kinh doanh ổn định, thuận lợi có thể mang lại nhiều cơ hội cho các DN F&B, tạo điều kiện thúc đẩy quá trình mở rộng quy mô, cải tiến sản phẩm và tăng cường sức cạnh tranh trên cả thị trường nội địa và quốc tế.

Theo khảo sát của Vietnam Report từ tháng 7 - 8/2024, có 62,5% DN kỳ vọng ngành F&B sẽ tăng trưởng từ 5-10% trong năm nay. Điều đáng chú ý là sự lạc quan của các DN về triển vọng của thị trường F&B tăng mạnh, với tỷ lệ tăng từ 61,6% lên 87,6%.

Tín hiệu lạc quan về sự cải thiện của ngành F&B trong thời gian tới còn đến từ tình hình tài chính của người tiêu dùng. Kết quả khảo sát người tiêu dùng ngành F&B năm 2024 cho thấy có tới 52,7% người tiêu dùng cho rằng thu nhập của họ sẽ cải thiện một chút và 21,8% cải thiện rất nhiều trong 12 tháng tới. Thêm nữa, Nghị định 74/2024 NĐ-CP quy định mức lương tối thiểu vùng có hiệu lực từ tháng 7/2024 sẽ tiếp tục đóng góp cho sự tăng trưởng của ngành F&B trong thời gian tới khi bước vào mùa chi tiêu cuối năm.

Bên cạnh đó, một xu hướng đặc biệt, trong vài năm trở lại đây, ngành F&B Việt Nam đã và đang đạt tới thời kỳ đỉnh cao khi có sự xuất hiện của nhóm tiêu dùng Gen Z (sinh từ năm 1997 đến năm 2012) - nhóm tiêu dùng chiếm ưu thế lớn trên thị trường.

do-uong.jpg
Nhóm Gen Z mở ra xu hướng tiêu dùng mới cho ngành thực phẩm - đồ uống. Ảnh minh họa

Kết quả khảo sát người tiêu dùng F&B 2024 cho thấy, mặc dù có thu nhập tương đối thấp, Gen Z lại chi phần lớn tiền cho đồ ăn thức uống ở bên ngoài. 67,4% khách hàng Gen Z sẵn sàng chi từ 50.000-100.000 đồng cho một lần đi uống trà sữa, cà phê, trong khi con số này đối với thế hệ Gen X và Y chỉ vỏn vẹn 26,6%. Trong số người được khảo sát, 60,8% Gen Z chọn sử dụng dịch vụ của các quán trà sữa/cà phê và nhà hàng trên 3 lần một tuần, trong khi con số này đối với các thế hệ còn lại chỉ dừng lại ở 55,2%.

Gen Z đang nổi lên như một thế hệ tiêu dùng với ưu tiên hàng đầu là sức khỏe và lối sống lành mạnh, thúc đẩy xu hướng tiêu thụ các loại F&B tốt cho sức khỏe. Họ đặc biệt quan tâm đến các sản phẩm thay thế có nguồn gốc từ thực vật như sữa hạt và các sản phẩm protein thực vật. 61,3% người tiêu dùng Gen Z cho biết sẽ gia tăng việc sử dụng thực phẩm từ thực vật vì họ tin rằng những thực phẩm đó tốt cho sức khỏe hơn và 72,8% sẵn sàng chi trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm bền vững.

Gen Z cũng không ngừng tìm kiếm các món ăn sáng tạo và những hương vị mới mẻ. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của nhiều nhà hàng, quán cà phê với thực đơn phong phú và không gian trang trí ấn tượng, phù hợp để chụp ảnh và chia sẻ trên mạng xã hội. Hơn 70% Gen Z cho biết họ bị thu hút bởi các món ăn và đồ uống mới lạ và sẵn sàng thử nghiệm những sản phẩm chưa từng có trên thị trường, như việc thử cà phê ở những khung giờ đặc biệt hay tìm kiếm những món ăn mới mẻ từ các nền văn hóa khác nhau.

Nhiều khó khăn với doanh nghiệp trong ngành F&B

Để hái “trái ngọt” như kỳ vọng, các DN đã và đang vững vàng vượt qua hàng loạt thách thức liên tiếp. So với thời điểm cách đây một năm, nỗi lo về sức mua yếu hay lạm phát gia tăng đã giảm nhiệt đáng kể, nhường chỗ cho lo ngại liên quan đến sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng và lượng hàng tồn kho lớn. 72,2% DN ngành F&B đã chia sẻ rằng sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng là một trong những khó khăn lớn nhất trong năm nay. Tỷ lệ này đã gia tăng mạnh từ 37,5% vào năm 2022 lên 75% vào năm 2024.

vnm.jpg
Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến những sản phẩm an toàn cho sức khỏe. Ảnh minh họa

Như trên đã đề cập thì không chỉ với thế hệ gen Z, mà đông đảo người tiêu dùng hiện nay bên cạnh việc quan tâm đến giá cả, chất lượng sản phẩm còn đặt nặng yếu tố bền vững, an toàn cho sức khỏe và trách nhiệm xã hội của DN. Họ có xu hướng ưu tiên các sản phẩm xanh, hữu cơ, và có nguồn gốc rõ ràng.

Đồng thời, sự phổ biến của thương mại điện tử và xu hướng mua sắm trực tuyến cũng thay đổi cách thức tiếp cận sản phẩm buộc các DN phải đầu tư vào kênh bán hàng số hóa để duy trì lợi thế cạnh tranh. Sự thay đổi liên tục trong sở thích và nhu cầu của người tiêu dùng đòi hỏi các DN phải linh hoạt, liên tục đổi mới và cập nhật chiến lược để đáp ứng kỳ vọng của thị trường.

Theo đánh giá của các chuyên gia ngành, từ đầu năm 2024 đến nay, DN F&B duy trì được nhịp tăng trưởng về doanh thu trên hầu hết các kênh phân phối, ngoại trừ kênh tiêu dùng tại chỗ (On-premise) ghi nhận tỷ lệ DN tăng doanh thu giảm nhẹ (-4,4%). Đáng chú ý, kênh thương mại điện tử (e-Commerce) vẫn thể hiện sự tăng trưởng tương đối ổn định so với mặt bằng chung và là kênh duy nhất không ghi nhận tỷ lệ sụt giảm doanh thu khi có tới 90,5% DN có doanh thu từ kênh này tăng so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh sự thay đổi hành vi của người tiêu dùng, 44,4% DN cho biết lượng hàng tồn kho lớn đang đặt ra thách thức cho các DN. Do những biến động khó lường của thị trường, nhiều DN đã dự trữ hàng hóa với khối lượng lớn nhằm ứng phó với sự gián đoạn trong chuỗi cung ứng và biến động tiêu dùng. Tuy nhiên, điều này dẫn đến áp lực lớn về chi phí lưu kho, quản lý hàng tồn và đặc biệt là nguy cơ giảm giá trị sản phẩm khi hàng hóa tồn đọng quá lâu, nhất là đối với các mặt hàng có hạn sử dụng ngắn. Hơn nữa, lượng hàng tồn kho lớn còn khiến DN gặp khó khăn trong việc điều chỉnh sản xuất và đáp ứng linh hoạt với các xu hướng tiêu dùng mới.

Động lực tăng trưởng của doanh nghiệp F&B

Mặc dù còn nhiều khó khăn, song vẫn có nhiều động lực hỗ trợ DN thêm niềm tin vào triển vọng tương lai. Trong đó, động lực thứ nhất chính là nhờ sự phát triển của thương mại điện tử.

on.jpg
Sự phát triển của thương mại điện tử thúc đẩy kinh doanh thực phẩm - đồ uống online. Ảnh minh họa

Trong năm 2023, mặc dù thị trường đồ uống có cồn như bia, rượu gặp phải nhiều khó khăn, các DN đã nhanh chóng chuyển hướng, tìm kiếm cơ hội qua các sàn thương mại điện tử. Sự thay đổi này đã đem lại kết quả vượt ngoài mong đợi khi các DN kinh doanh bia đã ghi nhận tổng doanh thu trên các sàn thương mại điện tử lên đến 351 tỷ đồng với mức tăng trưởng 12% so với năm trước. Điều này chứng tỏ rằng thương mại điện tử không chỉ là giải pháp tình thế trong thời kỳ khủng hoảng mà còn là kênh bán hàng chủ lực với tiềm năng dài hạn.

Theo các DN, thương mại điện tử phát triển mạnh được 69,2% DN lựa chọn là động lực chính cho sự tăng trưởng trong năm 2024. Sau đại dịch Covid-19, nhiều người từng cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử trong ngành F&B đã đạt đến đỉnh điểm nhưng thực tế đã chứng minh điều ngược lại. Thương mại điện tử vẫn tiếp tục tạo ra những xu hướng mới, mang lại nhiều cơ hội tăng trưởng cho các DN.

Từ diễn biến này, các chuyên gia trong lĩnh vực F&B cho rằng, DN có thể tận dụng sự linh hoạt của nền tảng này để tiếp cận một lượng lớn khách hàng, tối ưu hóa trải nghiệm mua sắm, và đẩy mạnh các chiến dịch quảng cáo cá nhân hóa, từ đó thúc đẩy doanh số và nâng cao giá trị thương hiệu. Khi thị trường truyền thống đang dần bão hòa, thương mại điện tử tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng quan trọng, giúp các DN F&B vượt qua thách thức và nắm bắt cơ hội mới trong năm 2024.

Động lực thứ hai đến từ hoạt động du lịch phục hồi mạnh mẽ, vì thế, 50% DN F&B lựa chọn đây là một trong những động lực tăng trưởng chính trong năm 2024. Theo ghi nhận, trong 8 tháng đầu năm 2024, số lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt 11,4 triệu lượt, tăng 46% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống trong 8 tháng đầu năm 2024 ước đạt 481,2 nghìn tỷ đồng, tăng 14,3% so với năm trước. Những con số này cho thấy tác động tích cực của sự phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch đối với ngành F&B, mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng cho các DN trong bối cảnh thị trường tiêu dùng đang phục hồi./.

ĐỨC ANH