Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền khi sửa Luật Đầu tư công

Kinh tế - Ngày đăng : 12:51, 24/09/2024

(BKTO) - Đầu tư công ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế. Để thích ứng với những diễn biến của tình hình thế giới và trong nước, cũng như khắc phục bất cập nảy sinh từ thực tiễn, các chuyên gia cho rằng, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công, trong đó phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền...
h1.jpg
Thủ tướng Chính phủ đã giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 hơn 2,427 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 93% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ. Ảnh minh họa

Diễn biến thực tế ảnh hưởng đến thực thi chính sách pháp luật đầu tư công

Theo đánh giá của các chuyên gia, Luật Đầu tư công năm 2019 được Quốc hội thông qua đã tạo sự chủ động cho các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện nhằm tạo ra không gian phát triển mới, động lực mới, năng lực mới cho sự phát triển của từng ngành, lĩnh vực, địa phương; có vai trò, ý nghĩa rất quan trọng góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, Luật được triển khai trong giai đoạn 2021-2025 - giai đoạn bối cảnh thế giới, khu vực có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, tác động sâu, rộng và rất khác so với khi xây dựng kế hoạch. Thậm chí, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt khỏi khả năng dự báo. “Đại dịch Covid-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine, cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ thắt chặt, tăng lãi suất kéo dài dẫn đến suy giảm tăng trưởng…” - Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nêu những nguyên nhân khiến tăng trưởng đầu tư và thương mại toàn cầu thấp, nợ công thế giới tăng cao; rủi ro trên các thị trường tài chính, tiền tệ, bất động sản quốc tế và nguy cơ mất an ninh năng lượng, lương thực…

Thủ tướng Chính phủ đã giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương hơn 2,427 triệu tỷ đồng, đạt khoảng 93% tổng mức vốn được Quốc hội cho phép phân bổ (2,72 triệu tỷ đồng). Với vai trò là vốn mồi thu hút các nguồn vốn khác tham gia đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, quy mô đầu tư công đã giảm dần từ 25% năm 2020 xuống còn 16,34% năm 2022 nhằm thực hiện mục tiêu của giai đoạn 2021-2025 quy mô vốn đầu tư công đạt 16-17% tổng vốn đầu tư toàn xã hội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trong bối cảnh đó, kinh tế trong nước chịu tác động kép bởi các yếu tố tiêu cực bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại bên trong do tăng trưởng phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của khu vực FDI, đầu tư, tiêu dùng, việc xử lý các dự án thua lỗ, chậm tiến độ tuy được tích cực tháo gỡ nhưng để hiệu quả, dứt điểm cần phải có thời gian; quy mô nền kinh tế còn khiêm tốn, độ mở cao, khả năng thích ứng và sức chống chịu đối với các cú sốc bên ngoài còn hạn chế.

Thực tế cho thấy, đầu tư công ngày càng đóng vai trò quan trọng, là một trong các động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế, giúp ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo công ăn việc làm cho người dân và doanh nghiệp, bảo đảm an sinh xã hội và về lâu dài góp phần tiếp tục hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ cho phát triển. Vì vậy, cần hoàn thiện các cơ chế, chính sách liên quan đến đầu tư công.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, qua theo dõi quá trình triển khai Luật Đầu tư công năm 2019 và trên cơ sở báo cáo của các Bộ, cơ quan, địa phương, về cơ bản các quy định của Luật đã khá đầy đủ. Tuy nhiên, cần bổ sung, làm rõ những quy định còn phát sinh vướng mắc, đồng thời thể chế hóa một số nội dung mới phát sinh trên thực tế.

Đặc biệt, theo các chuyên gia kinh tế, cần chú ý đến các chính sách đặc thù, do hiện nay mới chủ yếu được thí điểm đối với một số dự án, địa phương cụ thể nên cần nghiên cứu, xem xét để thể chế hóa trong Luật nhằm tạo cơ sở nhân rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc.

Bổ sung để hoàn thiện Luật và thể chế hóa những nội dung mới phát sinh

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhằm tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nội dung sửa đổi Luật Đầu tư công năm 2019 dự kiến sẽ phân cấp từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm vốn ngân sách trung ương NSTW; phân cấp từ Quốc hội cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong việc quyết định sử dụng nguồn dự phòng chung vốn NSTW và quyết định các khoản chưa phân bổ của Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm.

h2.jpg
Sẽ tiếp tục cắt giảm các trình tự, thủ tục và thời gian triển khai các dự án đầu tư công. Ảnh minh họa

Đồng thời, phân cấp cho Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn NSTW; phân cấp cho HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm A sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài; phân cấp thẩm quyền kéo dài thời gian bố trí vốn, thực hiện và giải ngân vốn ngân sách địa phương từ HĐND cấp tỉnh cho HĐND các cấp.

Những điều chỉnh dự kiến nêu trên nhằm cắt giảm các trình tự, thủ tục và thời gian triển khai các dự án đầu tư công, cũng như tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các cấp, các ngành trong quản lý và thực hiện kế hoạch đầu tư công, đáp ứng với yêu cầu phát sinh trong thực tế - Đại diện cơ quan xây dựng Dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi nhấn mạnh.

Đáng chú ý, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhằm đa dạng hóa, mở rộng chủ thể quản lý và thực hiện dự án đầu tư công, đảm bảo huy động tối đa các nguồn lực tham gia thực hiện dự án đầu tư công, Luật cũng sẽ bổ sung các đơn vị sự nghiệp công lập và UBND các cấp là đối tượng được giao lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư dự án của Bộ, cơ quan, địa phương. Quy định Thủ tướng Chính phủ giao doanh nghiệp nhà nước là cơ quan chủ quản thực hiện dự án đầu tư công để có cơ sở trình Quốc hội giao kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm cho các doanh nghiệp, qua đó huy động năng lực và nguồn lực có sẵn của doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ, dự án đầu tư công. “Dự án hỗn hợp” - dự án tổng thể có nhiều dự án thành phần sẽ do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, các địa phương là cơ quan chủ quản, quyết định đầu tư các dự án thành phần và triển khai thực hiện.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các giải pháp này được đưa ra để tạo hành lang pháp lý khắc phục bất cập phát sinh trong thời gian qua, dẫn đến việc triển khai thường xuyên phải báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định cho từng trường hợp đặc thù, gây phát sinh trình tự, thủ tục, làm giảm tính chủ động, linh hoạt của Thủ tướng Chính phủ và các cấp có thẩm quyền trong việc huy động năng lực, chuyên môn và nguồn lực của các thành phần, đối tượng khác khi lập, triển khai và quản lý dự án đầu tư công.

Bên cạnh đó, để tránh những cách hiểu khác nhau, không thống nhất, tạo căn cứ pháp lý chắc chắn và thuận lợi cho các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong triển khai, Bộ Kế hoạch đầu tư cũng bổ sung làm rõ khái niệm nợ đọng xây dựng cơ bản theo hướng giới hạn Kế hoạch đầu tư công trung hạn, không phải Kế hoạch đầu tư công hằng năm; làm rõ khái niệm thời gian bố trí vốn thực hiện dự án tính từ thời điểm bắt đầu bố trí vốn thực hiện dự án và làm rõ khái niệm dự án sử dụng vốn đầu tư tách biệt với nhiệm vụ chi thường xuyên và khái niệm vốn quyết toán nhiệm vụ, dự án hoàn thành. Đồng thời, bổ sung nội dung quy định trình tự, thủ tục xử lý khi phát sinh yếu tố dẫn đến thay đổi phân loại dự án; bổ sung quy định về kéo dài thời gian bố trí vốn, thời gian thực hiện và giải ngân đối với vốn từ nguồn thu hợp pháp của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư…/.

ĐỨC ANH