Thị trường chứng khoán cuối năm 2024: Cơ hội đan xen thách thức
Tài chính - Ngày đăng : 15:23, 25/09/2024
Thưa ông, sau 4 năm, Fed đã quyết định hạ lãi suất 0,5 điểm %. Cú hạ lịch sử này tác động như thế nào tới TTCK thế giới cũng như TTCK Việt Nam, theo quan sát của ông?
Chúng ta biết rằng giá trị của chứng khoán và lãi suất đi ngược chiều với nhau. Nếu lãi suất tăng thì giá chứng khoán giảm và chiều ngược lại, lãi suất giảm thì giá chứng khoán tăng.
Khi Fed giảm lãi suất sâu như thế và tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ thì điều đó có lợi cho TTCK của Mỹ. Chỉ số Dow Jones Index đã có sự tăng điểm, thiết lập kỷ lục mới trong bối cảnh nhà đầu tư giữ tâm trạng lạc quan sau khi Fed hạ lãi suất vào tuần trước. Quyết định của Fed tác động đến TTCK toàn cầu, trong đó có Việt Nam.
Việc Fed hạ lãi suất tác động đến thị trường chứng khoán của Việt Nam một cách rất tích cực, làm tăng giá chứng khoán
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Tại Việt Nam, việc Fed hạ lãi suất cũng tác động đến TTCK một cách tích cực, làm tăng giá chứng khoán. Đồng thời, Fed hạ lãi suất còn tạo thuận lợi cho sự ổn định tỷ giá, giúp Việt Nam có thể kiểm soát lạm phát tốt hơn. Điều này cũng góp phần hỗ trợ cho việc phát triển TTCK. Như vậy, việc Fed tiếp tục nới lỏng tiền tệ sẽ có lợi cho TTCK Việt Nam.
Vậy theo ông, những ngành hàng hay nhóm cổ phiếu nào sẽ được hưởng lợi từ quyết định của Fed?
Trong tất cả các nhóm cổ phiếu, nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng vẫn là nhóm cổ phiếu có sự bền vững, lợi nhuận ổn định và cao. Mặc dù ngành ngân hàng hiện tại đang gặp khó khăn trong vấn đề nợ xấu nhưng so với tất cả các ngành nghề khác, ngành ngân hàng được Chính phủ bảo vệ một cách mạnh mẽ, bởi vì đó là bộ tuần hoàn của cả nền kinh tế và không thể bị tắc nghẽn. Vì vậy, tôi dự đoán cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ tiếp tục là cổ phiếu “sáng giá” trong năm nay cũng như sang năm.
Bên cạnh đó, xuất khẩu cũng là một điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam và những mã cổ phiếu liên quan đến xuất khẩu vẫn tiếp tục được thị trường hoan nghênh, đón nhận một cách tích cực.
Ngoài ra, những công ty quan tâm nhiều đến môi trường cũng sẽ được đánh giá cao và từ đó, thị trường sẽ hưởng ứng đối với cổ phiếu của những doanh nghiệp có thành tích trong bảo vệ môi trường.
Bên cạnh việc mang lại cơ hội cho một số nhóm ngành, Fed hạ lãi suất tác động ra sao đến khả năng nâng hạng của TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, thưa ông?
Chúng ta đang mong chờ TTCK Việt Nam được nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi và đã kỳ vọng TTCK được nâng hạng trong năm nay. Tuy nhiên, tôi cho rằng, sang năm Việt Nam mới có thể nâng hạng TTCK. Việc nâng hạng TTCK đòi hỏi một số điều kiện, trong đó Việt Nam cũng vừa mới thỏa mãn điều kiện là các nhà phát hành kinh doanh chứng khoán phải ký quỹ và những quy định về ký quỹ đã được điều chỉnh phù hợp hơn.
Thế nhưng, TTCK Việt Nam vẫn chưa có độ minh bạch cao. Cụ thể, theo quy định, tất cả những báo cáo tài chính, những văn bản pháp luật phải dịch ra tiếng Anh. Trong khi đó, chúng ta còn rất nhiều báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và rất nhiều văn bản pháp luật vẫn chưa được dịch ra tiếng Anh.
Bên cạnh đó, việc cho phép các nhà đầu tư nước ngoài sở hữu cổ phần của doanh nghiệp cũng là một vấn đề. Chẳng hạn ngành ngân hàng, đây là ngành kinh doanh có điều kiện và tổng số tỷ lệ tối đa cho tất cả các nhà đầu tư vào một ngân hàng Việt Nam là không quá 30%. Đối với các tổ chức phân loại thị trường, giới hạn đó vẫn được xem là một rào cản trong việc nâng hạng TTCK Việt Nam từ cận biên lên mới nổi. Tôi hy vọng Việt Nam sẽ sớm có những quy định đáp ứng nhu cầu, điều kiện để nâng hạng TTCK.
Ông dự báo như thế nào về TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm?
Tôi kỳ vọng từ nay đến cuối năm, TTCK Việt Nam tiếp tục tăng điểm. Tuy nhiên, thị trường này còn lệ thuộc quá nhiều vào khối ngoại. Trong khi đó, khối ngoại không chỉ đầu tư vào Việt Nam, quyết định đầu tư của họ còn tùy thuộc vào những vấn đề căn bản của nền kinh tế Việt Nam, những vấn đề liên quan đến địa chính trị và các thị trường khác trên thế giới. Vì vậy, mặc dầu VN-Index sẽ tiếp tục tăng điểm nhưng tôi chưa nhìn thấy sự ổn định, bền vững của TTCK Việt Nam từ nay đến cuối năm.
Vậy theo ông, TTCK Việt Nam cần đáp ứng những điều kiện nào để phát triển minh bạch, bền vững hơn trong thời gian tới?
Với TTCK Việt Nam, một trong những vấn đề quan trọng nhất là các thành phần trong thị trường đều phải rất minh bạch về thông tin.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Với TTCK Việt Nam, một trong những vấn đề quan trọng nhất là các thành phần trong thị trường, các nhà phát hành đều phải rất minh bạch về thông tin.
Các công ty kiểm toán cũng phải làm tròn trách nhiệm của mình. Chúng ta biết rằng trong thời gian qua, liên quan đến những đại án, nhiều công ty kiểm toán đã bị phạt vì họ không làm đúng trách nhiệm. Thành ra, tôi cho rằng, vấn đề minh bạch thông tin của các nhà phát hành cũng như các công ty kiểm toán cần phải được nâng cao.
Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý, trong đó có Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng như tất cả các cơ quan quản lý liên quan đến tình hình tài chính của các doanh nghiệp phát hành cũng cần được nâng cấp lên, đặc biệt là vai trò của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. Thực tiễn thời gian qua đã xuất hiện những trường hợp có hành vi thao túng thị trường, nội gián mà Ủy ban Chứng khoán Nhà nước không phát hiện kịp thời hoặc chưa đưa ra phương án xử lý phù hợp, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư.
Điều quan trọng nữa là cần phải nâng cấp cũng như khuyến khích các nhà phát hành sử dụng xếp hạng tín nhiệm. Các công ty xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng, cần thiết đối với các nhà phát hành. Nhà phát hành cần phải có tiếng nói của bên thứ ba về tình hình tài chính của mình. Đánh giá khả năng trả nợ, khả năng đáp ứng những nhu cầu tài chính của doanh nghiệp phát hành cổ phiếu, trái phiếu - đó là việc của các công ty xếp hạng tín nhiệm. Các nhà phát hành nên sử dụng các công ty xếp hạng tín nhiệm một cách mạnh mẽ và tích cực hơn.
Còn với nhà đầu tư, ông có lời khuyên gì dành cho họ cả trước mắt cũng như trong dài hạn?
Tôi cho rằng, nhà đầu tư cần phải có sự hiểu biết về TTCK, về phân tích tài chính để không quyết định theo tâm lý bầy đàn. Nhà đầu tư phải có khả năng quyết định, khả năng phân tích tín dụng, phân tích tình hình tài chính của các nhà phát hành.
Nhà đầu tư luôn luôn phải ghi nhớ trong đầu 3 vấn đề: Thứ nhất là an toàn vốn, thứ hai là lợi nhuận và thứ ba là thanh khoản.
TS. Nguyễn Trí Hiếu
Vấn đề quan trọng đối với nhà đầu tư là phải tìm những mã cổ phiếu ổn định và đặc biệt lưu ý 3 mục tiêu chính: Đảm bảo an toàn vốn; mã cổ phiếu có lợi nhuận; đầu tư phải có tính thanh khoản, tức là chuyển đổi ra tiền mặt một cách dễ dàng để có thể đầu tư vào chỗ khác hoặc sử dụng tiền cho một mục đích khác ngoài việc đầu tư.
Tuy nhiên, tùy từng thời điểm, nhà đầu tư cần ưu tiên một trong ba mục tiêu. Chẳng hạn, tại thời điểm này, có lẽ mục tiêu quan trọng là vấn đề an toàn vốn và tính thanh khoản. Còn mục tiêu lợi nhuận thì năm nay chưa phải là năm mà chúng ta tính lợi nhuận bởi kinh tế Việt Nam cũng như nền kinh tế thế giới còn nhiều thách thức và biến động khó lường. Vì vậy, đầu tư vào đâu cho an toàn nhất và có tính thanh khoản cao là mục tiêu ưu tiên của các nhà đầu tư.
Xin trân trọng cảm ơn ông!