Phát triển nông nghiệp - Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 14:15, 17/12/2018

(BKTO) - Thời gian qua, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu, làm thay đổi diện mạo khu vực nông thôn, nâng cao đời sống nhân dân. Tuy nhiên, công cuộc phát triển nông nghiệp còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, việc học tập kinh nghiệm của các nước có nền nông nghiệp phát triển trên thế giới là hết sức cần thiết đối với Việt Nam.


Cần thay đổi chính sách vĩ mô

Dẫn kinh nghiệm phát triển nông nghiệp từ Nhật Bản, chuyên gia nông nghiệp Trần Đức Viên - Học viện Nông nghiệp Việt Nam - cho biết, quá trình đi lên trở thành một nền nông nghiệp hàng đầu thế giới của Nhật Bản được bắt đầu từ những thay đổi ở tầm chính sách vĩ mô sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Trong thập niên 70, nhiều địa phương của Nhật Bản đã hình thành và phát triển phong trào “Mỗi làng một sản phẩm”, điều đó không những đóng góp quan trọng vào việc phát triển nông nghiệp, thay đổi bộ mặt nông thôn mà còn góp phần phát triển kinh tế - xã hội của cả nước Nhật trong nhiều thập niên. Chính phủ Nhật Bản luôn quan tâm hỗ trợ việc tạo giá trị gia tăng cho nông dân thay vì chỉ gia tăng lợi nhuận cho các DN công nghiệp và thương mại; khuyến khích người dân tham gia nông hiệp hay hợp tác xã để đủ tài chính sở hữu các thiết bị, máy móc, có cơ sở bảo quản tốt sản phẩm nông nghiệp tới tay người tiêu dùng.

Hiện nay, chỉ khoảng 3% dân số Nhật Bản làm nông nghiệp nhưng lại cung cấp lương thực, thực phẩm chất lượng cao dư thừa cho dân số hơn 127 triệu người cùng các mặt hàng nông nghiệp xuất khẩu nhờ ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao và chuỗi giá trị hiệu quả. Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, hiện Chính phủ Nhật Bản còn hỗ trợ phát triển “du lịch nông nghiệp” với mục tiêu xây dựng 500 vùng nông thôn thực hiện chương trình “home stay” vào năm 2020. Chính sách này đã góp phần tăng lượng khách du lịch đến thăm Nhật Bản.

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, vào những năm cuối thập niên 60, GDP bình quân đầu người của nước này chỉ là 85 USD/năm, phần lớn người dân không đủ ăn, khoảng 80% dân ở vùng nông thôn không có điện thắp sáng, lũ lụt, hạn hán xảy ra thường xuyên. Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Hàn Quốc được bắt đầu từ những thập niên 70, mở đầu bằng phong trào “Làng mới”. Chỉ sau 8 năm thực hiện, bộ mặt nông thôn Hàn Quốc đã có những đổi thay kỳ diệu. Phong trào cơ khí hóa nông nghiệp, áp dụng công nghệ cao, giống mới, công nghệ nhà lưới, nhà kính đã thúc đẩy năng suất, giá trị sản phẩm nông nghiệp tăng nhanh. Năm 1979, quốc gia này đã có 98% số làng tự chủ về kinh tế…

Đây là những kinh nghiệm thực tiễn quý báu mà Việt Nam có thể nghiên cứu, học hỏi và ứng dụng cho phù hợp với tình hình trong nước - các chuyên gia nhận định. Theo đó, chúng ta cần có các giải pháp chiến lược và mô hình phát triển hợp lý để trở thành một nước nông nghiệp tiến hành công nghiệp hóa thành công.

Ba giải pháp nâng cao thu nhập của khu vực nông thôn

Với các quốc gia đi lên từ nông nghiệp, cư dân nông thôn chiếm phần lớn dân cư thì nguyên tắc đầu tiên phải thực hiện là “nông dân giàu”. Theo chuyên gia chính sách nông nghiệp và phát triển nông thôn Đặng Kim Sơn, kinh nghiệm từ các quốc gia thành công trong lĩnh vực nông nghiệp cho thấy có 3 giải pháp để nông dân giàu, nâng mức thu nhập nông thôn lên bằng mức thành thị. Theo đó, Chính phủ phải tạo điều kiện mở rộng quy mô sản xuất, phát triển trang trại. Bên cạnh đó, tạo cơ hội chuyển lao động nông nghiệp sang các ngành nghề phi nông nghiệp bằng chính sách phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là giao thông, để đưa sản xuất công nghiệp về nông thôn. Dẫn chứng kết quả của chính sách này, ông Đặng Kim Sơn cho biết, Nhật Bản đã từng bước tăng tỷ lệ đóng góp thu nhập phi nông nghiệp trong thu nhập của hộ cư dân nông thôn (năm 1950 tỷ lệ này là gần 30%; đến năm 1960, tăng lên 62%; năm 1995 là 79%).

Ngoài ra, Chính phủ cần đẩy mạnh phát triển DN. DN nông thôn không đến từ thu hút đầu tư bên ngoài mà phải chính từ quá trình khởi nghiệp của nông dân. Theo ông Sơn, từ năm 1990, Nhật Bản khuyến khích nông dân thành lập DN và cho DN nông nghiệp mua hoặc thuê đất của nông dân. Năm 2009, Nhật bỏ yêu cầu người sử dụng đất nông nghiệp phải trực tiếp canh tác, cho phép các DN kinh doanh ngoài lĩnh vực nông nghiệp được thuê/mua đất làm nông nghiệp. Năm 2014, các DN được canh tác trên gần 50% diện tích đất nông nghiệp.

Còn tại Trung Quốc, khi hệ thống công xã nhân dân giải tán, lĩnh vực “công nghiệp hương trấn” độc đáo đã hình thành. Lĩnh vực này giúp tổng sản lượng công nghiệp quốc gia tăng từ 20% năm 1988 lên trên 40% năm 1994, tạo việc làm cho khoảng 130 triệu lao động, gấp hơn 2 lần so với DNNN. Theo thời gian, loại hình “công nghiệp hương trấn” đã dần trở thành DN nông thôn.

Để nông nghiệp Việt Nam bắt kịp với xu hướng của thế giới, ông Trần Đức Viên đề xuất, Nhà nước cần tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi cho phát triển nông nghiệp, nông thôn, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung quy mô lớn; đầu tư vào các sản phẩm thế mạnh, đặc thù để nâng cao giá trị gia tăng và phát triển nông nghiệp bền vững. Đồng thời, tiếp tục phát triển mạnh công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và ngành nghề dịch vụ ở nông thôn; đổi mới phát triển hình thức sản xuất, ưu tiên, hỗ trợ hình thành các DN nông nghiệp, hợp tác xã ứng dụng công nghệ hiện đại để sản xuất, chế biến nông sản, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

LÊ HÒA
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018