Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc

Chính trị - Ngày đăng : 08:30, 26/09/2024

(BKTO) - Ủy ban Trung ương (UBTƯ) Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam vừa tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy Khối đại đoàn kết toàn dân tộc”.
quang-canh-hoi-thao.jpg
Quang cảnh Hội thảo. Ảnh: Trang thông tin điện  tử MTTQ Việt Nam

Thể chế hóa quan điểm mới của Đảng về tôn giáo

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng cho biết, trong Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, lần đầu tiên Đảng ta đề cập trực tiếp các nội dung về tôn giáo và công tác tôn giáo một cách toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm và dung lượng nhiều nhất so với các kỳ Đại hội trước đó.

Về việc phát huy nguồn lực trong các tôn giáo, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã ghi rõ: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”.

Hiện nay, các quan niệm về nguồn lực của các tôn giáo đều phổ biến ở một số quan điểm như khẳng định vai trò của tôn giáo, coi những tác động tích cực của các tôn giáo là một trong những nguồn lực quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thừa nhận các nguồn lực của các tôn giáo ở hai phương diện nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó nhấn mạnh nhiều hơn ở nguồn lực tinh thần, đó là các giá trị về văn hóa, đạo đức tôn giáo; các nguồn lực của các tôn giáo đã tham gia vào tất cả các quá trình, lĩnh vực trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trong đó ưu thế, đóng góp tiêu biểu ở các lĩnh vực giáo dục, y tế, an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo...

Tuy nhiên, Luật tín ngưỡng, tôn giáo và các văn bản dưới luật chưa đưa ra khái niệm thế nào là giá trị tôn giáo và nguồn lực tôn giáo.  Đồng thời, chưa có khung pháp lý để thể chế hóa các quan điểm của Đảng về phát huy các giá trị văn hóa, đạo đức và nguồn lực của các tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Điều này dẫn tới sự lúng túng, thiếu đồng bộ trong nhận thức và thực hiện.

Việc tổ chức Hội thảo khoa học “Phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy Khối đại đoàn kết toàn dân tộc” sẽ góp phần mở ra cái nhìn sâu sắc hơn về những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho quá trình xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, góp phần thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về công tác tôn giáo; đồng thời đề xuất những giải pháp để thể chế hóa những quan điểm mới về tôn giáo của Đảng tại Đại hội XIII. 

huu-dung(1).jpg
Phó Chủ tịch Ủy ban  Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Hữu Dũng phát biểu tại Hội thảo.
Ảnh: Trang thông tin điện  tử MTTQ Việt Nam

Nhiều giải pháp phát huy nguồn lực, giá trị các tôn giáo

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận, đề ra những giải pháp phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc. 

Theo PGS,TS Chu Văn Tuấn - Viện Nghiên cứu Tôn giáo - Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, để phát huy giá trị của các tôn giáo trong xây dựng đạo đức, lối sống con người Việt Nam, cần khai thác các giá trị đạo đức của các tôn giáo ở khía đạo đức tôn giáo nhằm giáo dục cho người dân, xã hội hiểu được những giá trị đạo đức trân quý, hiểu được sự cần thiết phải trở thành người công dân tốt, có trách nhiệm với cộng đồng. Đồng thời, cần phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của các tôn giáo để nâng cao đời sống tinh thần, phát triển văn hóa xã hội. 

 "Nếu phát huy được hết nguồn lực từ những giá trị đạo đức, lối sống của các tôn giáo thì điều này sẽ đóng góp rất tích cực cho nguồn lực của xã hội, đặc biệt về đời sống tinh thần cho nhân dân, hướng tới mục tiêu khiến con người hạnh phúc" - Hòa thượng Thích Thọ Lạc - Phó Truởng ban Thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Nghệ An nêu quan điểm.

Để phát huy nguồn lực các tôn giáo trong xây dựng, củng cố và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Hà Nội Nguyễn Thị Kim Dung đúc kết: Cần tiếp tục quán triệt đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước về phát huy vai trò của tôn giáo trong xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc; thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương về công tác tôn giáo. 

Bên cạnh đó, cần phát huy hơn nữa vai trò của các chức sắc, chức việc, tín đồ các tôn giáo tham gia giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương; xây dựng thế quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân để chủ động phòng ngừa, kiên trì, kiên trận quyết đấu tranh với các âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch, phản động trong và ngoài nước lợi dụng vấn đề nhân quyền, tự do tôn giáo để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ta về tín ngưỡng, tôn giáo…/.

THANH TRANG