Chính sách thuế tài nguyên: Nhiều quy định còn mâu thuẫn, lỏng lẻo…
Đầu tư - Ngày đăng : 14:25, 17/12/2018
(BKTO) - Thuế tài nguyên là công cụ để quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác tài nguyên nhằm quản lý, giám sát, góp phần thúc đẩy sử dụng tài nguyên tiết kiệm. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các quy định pháp luật thực hiện việc thu thuế tài nguyên hiện nay còn nhiều bất cập dẫn đến thất thu, chưa khuyến khích DN tinh chế hoặc chế biến sâu khoáng sản.
Công cụ quan trọng để quản lý tài nguyên
Việt Nam là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú với gần 40 loại khoáng sản như: dầu khí, kim loại, than… Trong thời gian qua, Việt Nam đã tập trung xây dựng chính sách thuế tài nguyên nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, qua đó bảo vệ tài nguyên quốc gia, ổn định nguồn thu cho ngân sách, đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, DN và người dân.
Đánh giá về tầm quan trọng của chính sách thuế tài nguyên, TS. Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) - cho biết: Theo kinh nghiệm của một số nước trên thế giới, việc áp thuế tài nguyên và chính sách thu liên quan đến tài nguyên được coi là công cụ tài chính quan trọng để khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên quốc gia. Chính sách này thể hiện vai trò của Nhà nước đối với tài nguyên quốc gia. Thông qua đó, Nhà nước thực hiện chức năng quản lý đối với hoạt động khai thác sử dụng tài nguyên, điều tiết nguồn thu từ khai thác khoáng sản.
Nhận định về những ưu điểm của pháp luật Việt Nam về thuế tài nguyên hiện nay, PGS,TS. Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính) - cho rằng: Thuế tài nguyên là công cụ hiệu quả để quản lý nhà nước đối với hoạt động khai thác khoáng sản, góp phần giám sát, thúc đẩy sử dụng tài nguyên tiết kiệm. Hiện nay, Việt Nam đang sử dụng phương pháp thu thuế tài nguyên dựa trên giá trị tài nguyên, điều này là phù hợp với điều kiện Việt Nam và thông lệ ở các nước đang phát triển. Các chính sách thuế tài nguyên đã tạo nguồn thu, góp phần đáng kể vào nguồn thu NSNN. Giai đoạn 2010-2017, số thu bình quân một năm từ thuế tài nguyên của Việt Nam đạt hơn 33.700 tỷ đồng, chiếm 3,8% tổng thu NSNN và tương đương 0,92% GDP.
Chính sách thuế tài nguyên cần thống nhất, hài hòa
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, bên cạnh những ưu điểm, chính sách thuế tài nguyên vẫn còn rất nhiều hạn chế, bất cập cần sớm khắc phục. Thực tế cho thấy, Luật Thuế Tài nguyên được sửa đổi, bổ sung trong nhiều năm qua, song tới nay, vẫn có những nội dung mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước, Luật Bảo vệ và phát triển rừng, dẫn tới phải sửa đổi, bổ sung bằng các văn bản dưới luật.
PGS,TS. Lê Xuân Trường cho biết: Hiện có 3 luật, 2 nghị định và 4 thông tư có liên quan đến thuế tài nguyên. Tuy nhiên, các quy định pháp luật về thuế tài nguyên vẫn còn nhiều bất cập liên quan đến người nộp thuế, sản lượng tính thuế, giá tính thuế, thuế suất và quản lý thuế tài nguyên.
Cụ thể, về đối tượng nộp thuế, Điểm c, Khoản 2, Điều 3, Luật Thuế Tài nguyên quy định, một trong những trường hợp cụ thể về người nộp thuế là tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên nhỏ, lẻ bán cho tổ chức, cá nhân làm đầu mối thu mua. Ông Trường cho rằng, nếu thực hiện quy định này thì mâu thuẫn với Luật Khoáng sản, Luật Tài nguyên nước và Luật Bảo vệ và phát triển rừng. Nếu thực hiện theo Thông tư số 152/2015/TT-BTC thì không mâu thuẫn với các luật trên nhưng lại khó quản lý, dẫn đến thất thu thuế khi hộ gia đình, cá nhân khai thác đất làm vật liệu xây dựng trong khuôn viên đất được giao sử dụng ổn định lâu dài bán cho các đơn vị sản xuất vật liệu xây dựng; hộ gia đình được giao đất, giao rừng được phép khai thác sản phẩm rừng tự nhiên trong phạm vi đất được giao bán ra…
Bên cạnh đó, một bất cập khác được các chuyên gia chỉ ra liên quan đến sản lượng tính thuế. Theo đó, chính sách hiện nay quy định tính thuế theo sản lượng thực tế khai thác, khai thác được bao nhiêu thì tính bấy nhiêu. Vì vậy, các DN chỉ khai thác phần tài nguyên lộ thiên, dễ lấy. Điều này đã làm phát sinh vấn đề là nếu bỏ lại tài nguyên khó khai thác thì lãng phí tài nguyên đất nước. Mặt khác, sản lượng tính thuế, thu thuế tài nguyên được tính trên sản lượng thực tế do người khai thác khai báo nên chưa khuyến khích tận dụng hết tài nguyên trong khai thác chế biến. Giá tính thuế cũng còn thiếu thống nhất trong quy định pháp luật, dẫn đến thất thu; các thông tư hướng dẫn chặt chẽ nhưng không thống nhất với luật.
Chính vì vậy, nhiều chuyên gia khuyến nghị, cần sửa đổi Thông tư số 152/2015/TT-BTC để xử lý những trường hợp bất hợp lý về xác định sản lượng, giá tính thuế tài nguyên. Nguyên tắc chung xác định sản lượng tài nguyên tính thuế phải dựa trên số lượng, trọng lượng hoặc khối lượng tài nguyên nguyên khai thực tế khai thác. Theo đó, phải quy định cam kết sản lượng tối thiểu khai thác làm căn cứ tính thuế tài nguyên khi cấp phép khai thác để tránh lãng phí tài nguyên. Giá tính thuế tài nguyên cần được sửa đổi theo hướng giá bán đơn vị sản phẩm tài nguyên nguyên khai của tổ chức, cá nhân khai thác chưa bao gồm Thuế Giá trị gia tăng, nhưng không được thấp hơn giá tính thuế tài nguyên do UBND cấp tỉnh quy định...
LONG HOÀNG
Theo Báo Kiểm toán số 50 ra ngày 13-12-2018