Hà Nội: Phát triển kinh tế tuần hoàn và bền vững

Địa phương - Ngày đăng : 15:00, 26/09/2024

(BKTO) - Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức để đạt được những bước tiến vững chắc. Chính nhờ những chủ trương, quyết sách đúng đắn từ Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, cùng với sự đồng hành của người dân, kinh tế Hà Nội đã phát triển mạnh mẽ, từ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp cho đến dịch vụ và du lịch.
dai-dien-6.jpg
Hà Nội nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc

Thế mạnh và nội lực tạo nên sức hút cho Hà Nội

Thông tin tại tọa đàm “Kinh tế Hà Nội - 70 năm vì mục tiêu phát triển tuần hoàn, bền vững”, TS. Nguyễn Đức Kiên - nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, trong nhiều năm qua, Trung ương đã luôn quan tâm, ưu tiên dành cho Hà Nội nhiều điều kiện thuận lợi.

Theo đó, năm 2008, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 15 về mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, từ đó giúp tạo tiền đề cho Hà Nội quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Trong nhiệm kỳ 2011-2015, Quốc hội cũng đã ban hành Luật Thủ đô, vừa qua, Luật Thủ đô sửa đổi đã được Quốc hội thông qua. Đây là điều kiện rất thuận lợi để Thủ đô Hà Nội phát triển.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Hà Nội cũng được Trung ương quan tâm, bố trí đầy đủ với mong muốn Hà Nội sẽ phát huy hết được tiềm năng, thế mạnh của mình. Đội ngũ trí thức của Hà Nội tập trung nhiều nhất, không chỉ về kinh tế mà còn khoa học cơ bản, công nghệ kỹ thuật… Với những lợi thế về địa lý, nguồn nhân lực, cải cách hành chính, Hà Nội cũng là một trong 5 địa phương thu hút được nhiều vốn FDI nhất; là một trong những nơi đi đầu phát triển ngành công nghiệp phụ trợ. Hiện, đội ngũ các doanh nghiệp có thể đáp ứng công nghiệp phụ trợ cho các doanh nghiệp FDI đã tăng vượt trội.

Đặc biệt, Hà Nội có tinh thần tự lực cánh sinh vươn lên rất rõ nét. Hiếm có địa phương nào ứng phó với thiên tai, địch họa tốt như Hà Nội, TS. Nguyễn Đức Kiên đánh giá

Bên cạnh sức hút về văn hóa, chính trị, khoa học, văn hóa giáo dục, ông Nguyễn Văn Toàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) đánh giá, không nhiều quốc gia đặt trên vai thủ đô những trọng trách lớn như Thủ đô Hà Nội, đặc biệt là về phát triển kinh tế. Hiện nay, đầu tư nước ngoài vào Hà Nội gần bằng TP. Hồ Chí Minh.

Nhiều năm trước đây, Hà Nội luôn luôn đứng sau nhiều địa phương khác về phát triển kinh tế, thậm chí đứng sau cả Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương. Còn hiện nay, theo số liệu mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, tháng 8/2024, tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Hà Nội lên tới 53,6 tỷ USD, chỉ đứng thứ 2 sau TP. Hồ Chí Minh. Đấy là thành công rất lớn vì Hà Nội gánh rất nhiều trọng trách khác.

Lý giải cho vấn đề này, ông Nguyễn Văn Toàn cho rằng, Hà Nội ở vị trí khá thấp khi mật độ kinh tế chỉ 0,13 triệu USD/ha, trong khi TP. Hồ Chí Minh gấp đôi, Bangkok của Thái Lan gấp 3 - 4 lần, Kuala Lumpur của Malaysia gấp 8 - 9 lần. Về dân số, Hà Nội đông dân khiến giao thông ùn tắc nhưng dân số Hà Nội chỉ bằng một nửa TP. Hồ Chí Minh và thấp hơn rất nhiều so với Tokyo, Kuala Lumpur, Bangkok.

Tất cả những điều này không phải là nhược điểm, chúng ta đi sau nhưng đó là tiềm năng. Mật độ dân số trải dài ở Hà Nội sẽ khiến mật độ kinh tế phát triển lên. Hà Nội nằm trong tam giác tăng trưởng kinh tế của miền Bắc, có Vùng Thủ đô, khu công nghệ cao Hòa Lạc, thành lập trung tâm đổi mới công nghệ quốc gia và một số nước, tập đoàn kinh tế lớn thành lập trung tâm nghiên cứu, phát triển sản phẩm. Hà Nội có tiềm lực kinh tế rất lớn và Hà Nội sẽ tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa nếu như phát huy được tiềm năng, ông Nguyễn Văn Toàn nhận định.

Phát triển mô hình kinh tế mới

Theo PGS,TS. Nguyễn Ngọc Sơn - Phó Hiệu trưởng trường Kinh tế và Quản lý công (Đại học Kinh tế Quốc dân), đóng góp từ kinh tế số vào GDP của Hà Nội là 23,5%, cao hơn so với TP. Hồ Chí Minh gần 10% và so với cả nước là 9,7%. Còn theo báo cáo về kinh tế số năm 2023 của Bộ Thông tin và Truyền thông, chỉ số phát triển kinh tế số của Hà Nội là 17,5%, trong đó chỉ số kinh số lõi là 11,9%. Như vậy, xét về kinh tế số thì Hà Nội đã triển khai khá tốt. Tuy nhiên, đóng góp của kinh tế số Hà Nội chỉ đứng thứ 6/63 tỉnh, thành của cả nước.

Tác động kinh tế số giúp nâng cao tỷ trọng của các ngành công nghệ cao. Đối với kinh tế Hà Nôi, tỷ lệ công nghiệp trong cơ cấu kinh tế chiếm đến trên 60%, trong đó, đóng góp chủ yếu từ đẩy mạnh phát triển các ngành ứng dụng công nghệ cao. Qua đó, phát triển các ngành kinh tế số, thúc đẩy các mô hình tăng trưởng kinh tế dựa vào vốn, lao động.

Với tốc độ phát triển kinh tế số như trên thì tốc độ tăng năng suất của Hà Nội cũng cao hơn (trên 5,3%). Kết quả này đến từ hiệu quả của việc tăng năng suất lao động của nội ngành các ngành công nghệ cao. Điều này cũng cho thấy sự dịch chuyển mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, PGS,TS. Nguyễn Ngọc Sơn đánh giá.

Về kinh tế ban đêm, Hà Nội là địa phương chủ động phát triển các ngành trong kinh tế ban đêm. Có thể thấy, ngoài phố đi bộ theo mô hình truyền thống, Hà Nội đã bắt đầu phát triển ra khu vực phố ẩm thực Ngũ Xã, hồ Trần Nhân Tông và mở rộng ra các phố đi bộ khác như: Hồ Ngọc Khánh, phố đi bộ Trịnh Công Sơn... Hà Nội cũng đã làm rất nhiều sản phẩm kinh tế đêm như sự kiện: Đêm Hà Nội, tour Thắp sáng Hoàng Thành Thăng Long, nhà tù Hỏa Lò. Với những dịch vụ như vậy sẽ thu hút một lượng lớn khách du lịch và đẩy mạnh chi tiêu cho du lịch, góp phần tăng thu nhập cho du lịch Thủ đô, cũng như tăng thu nhập cho ngành thương mại - dịch vụ Hà Nội nói chung.

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) cho rằng, Hà Nội nên xác định rõ hơn nữa về phát triển kinh tế và nhiệm vụ là Thủ đô - trung tâm chính trị, văn hóa, xã hội của cả nước. Tuy 2 mà 1, cùng chung nhiệm vụ đưa Hà Nội xứng tầm là Thủ đô Việt Nam, Thủ đô hàng đầu trên thế giới.

Để phát triển kinh tế tuần hoàn, bền vững, Hà Nội cần nghiên cứu kỹ về 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc và mô hình một số Thủ đô của châu Á, Bắc Âu... để đưa ra một chương trình, hình mẫu. Đồng thời, Hà Nội cần thành lập Hội đồng phát triển kinh tế - xã hội bền vững, mời các chuyên gia trong các lĩnh vực, doanh nghiệp... cùng tham gia để thực hiện.

Nên lấy “chất riêng” của Hà Nội gắn với 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc để ra thông điệp - sách trắng của Thủ đô. Hà Nội cần lựa chọn các ngành kinh tế mang tính xương sống, căn cốt để phát triển bền vững - xanh -sạch và tạo hiệu ứng lan tỏa ra vùng Đồng bằng Bắc bộ và cả nước. Đồng thời, Hà Nội cũng cần lựa chọn rõ nông nghiệp là gì? Công nghiệp là gì? Dịch vụ thương mại là gì?...

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ Hà Nội nhấn mạnh, Hà Nội nên có mô hình một vòng tròn lan tỏa để phát triển kinh tế, tức là công nghiệp gắn với nông nghiệp, tiếp đến gắn với y tế, giáo dục, văn hóa, du lịch... Tất cả gắn kết với nhau, bổ trợ cho nhau, lấy ưu điểm của nhau để phát triển. Nhất định phải lấy sự sống an lành - xanh sạch - hạnh phúc - mức sống tốt nhất cho người dân Hà Nội để làm mục tiêu phát triển. Từ đó, Hà Nội làm hình mẫu để phát triển ra cả nước./.

Thời gian qua, Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường đầu tư thân thiện, thông thoáng để thu hút đầu tư. Cùng với đó, Hà Nội chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; tổng hợp các dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc, nêu rõ trách nhiệm của từng sở, ngành, đơn vị và báo cáo, đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo giải quyết cụ thể. Do đó, Hà Nội không chỉ là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư nước ngoài mà còn là trung tâm kinh tế, tài chính quan trọng của khu vực và cả nước.

Trong bối cảnh hiện nay, khu công nghiệp sinh thái đang trở thành tiêu chí lựa chọn của các nhà đầu tư nước ngoài với mục tiêu phát triển bền vững, lợi ích kinh tế song hành trách nhiệm với cộng đồng và xã hội.

Để thu hút nhà đầu tư trong thời gian tới, Hà Nội không nên tập trung theo hướng ưu đãi về thuế, phí… mà cần phải tập trung vào việc tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, tạo ra các khu công nghiệp xanh, sạch, thông minh, tiện ích. Đồng thời, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đáp ứng đảm bảo theo tiêu chuẩn mà nhà đầu tư cần.

TS. Lê Quốc Phương - nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin công nghiệp - thương mại (Bộ Công Thương)

THÙY LÊ