Nam Định: Thúc tiến độ thu ngân sách nhà nước từ nguồn sử dụng đất

Địa phương - Ngày đăng : 09:30, 27/09/2024

(BKTO) - Tính đến ngày 23/9/2024, kết quả thu tiền sử dụng đất của tỉnh Nam Định đạt 4.850,5 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và 51% so với số phấn đấu.
27.9.-thu-nsnn-tu-sdd.jpg
Tổng số phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2024 của Nam Định là 9.500 tỷ đồng. Ảnh: ST

Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 từ tiền sử dụng đất, Chính phủ giao tỉnh Nam Định thu 3.500 tỷ đồng, Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân tỉnh giao thu 7.500 tỷ đồng. Ngày 28/7/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh giao thêm số phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2024 của tỉnh là 2.000 tỷ đồng, nâng tổng số phấn đấu thu tiền sử dụng đất năm 2024 của Nam Định lên 9.500 tỷ đồng.

Tính đến ngày 23/9/2024, kết quả thu tiền sử dụng đất của tỉnh Nam Định đạt 4.850,5 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và 51% so với số phấn đấu. Số tiền sử dụng đất đã có thông báo nhưng chưa đến hạn nộp 716,4 tỷ đồng.

Nếu tính cả số đã nộp và số chưa đến hạn nộp là 5.567,1 tỷ đồng, đạt 74% dự toán và 59% so với số phấn đấu. Trong đó, so với chỉ tiêu phấn đấu, chỉ có 3 địa phương đạt số thu trên 50%, gồm các địa phương: Huyện Hải Hậu (đạt 83%), TP. Nam Định (đạt 76%), Nghĩa Hưng (đạt 64%); các huyện còn lại đều thu ở mức dưới 50%.

Phát biểu tại Hội nghị kiểm điểm tiến độ thu ngân sách nhà nước từ nguồn sử dụng đất ngày 25/9, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị nhấn mạnh, thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, vì vậy, các sở, ngành, các huyện, thành phố phải tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp tăng cường thu ngân sách nhà nước.

"Để đạt số thu tỉnh kỳ vọng, ngành hải quan cần lưu ý hoàn thành thắng lợi khoản thu thuế xuất nhập khẩu; ngành thuế phải đảm bảo số thu nội địa từ số thu ngoài tiền sử dụng đất ít nhất đạt 4.000 tỷ đồng trở lên; các huyện, thành phố phải chịu trách nhiệm về kết quả thu từ nguồn sử dụng đất" - Chủ tịch Phạm Đình Nghị đề nghị.

Đặc biệt, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu, với các huyện có số thu ngân sách nhà nước từ nguồn sử dụng đất còn thấp phải quyết liệt hơn nữa, dồn lực thực hiện đồng bộ, song song các phần việc liên quan để tăng nhanh số thu và bảo đảm hoàn thành thắng lợi mức phấn đấu tỉnh đề ra trong thu ngân sách nhà nước từ nguồn sử dụng đất năm 2024.

Đồng thời, các ngành, các địa phương phải tăng cường phối hợp, quyết liệt đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các khu dân cư tập trung, rà soát các quỹ đất xen kẹt; xây dựng giá khởi điểm và triển khai đấu giá quyền sử dụng đất…

Trong quá trình xây dựng các khu dân cư, khu đô thị tập trung, các ngành, các địa phương cần lưu ý bảo đảm các yêu cầu đấu nối với hệ thống giao thông theo hướng thuận lợi, nâng cao giá trị cho các khu nhưng không để xảy ra xung đột giao thông; kiểm soát tổng thể các dự án để thực hiện điều chỉnh các thủ tục hành chính liên quan sau khi thay đổi địa giới hành chính của các địa phương.

Để thực hiện hiệu quả công tác thu ngân sách nhà nước, đặc biệt hướng đến mục tiêu khai thác tối đa tiềm năng nguồn thu từ sử dụng đất, các địa phương cần chủ động nghiên cứu định hướng phát triển, nhất là định hướng đầu tư phát triển hạ tầng giao thông kết nối của địa phương mình làm căn cứ xác định mức giá đất, từ đó xây dựng, đăng ký số thu ngân sách nhà nước từ nguồn sử dụng đất năm 2025 sát thực tế./.

PHƯƠNG LAN