Giải pháp nào tối ưu hóa quản lý thuế thương mại điện tử?
Tài chính - Ngày đăng : 18:42, 27/09/2024
Tốc độ tăng trưởng nhanh đặt ra bài toán phát triển bền vững
Bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục TMĐT và Kinh tế số, Bộ Công Thương - cho hay, TMĐT Việt Nam phát triển rất nhanh trong vòng 10-15 năm qua, đặc biệt 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng duy trì từ 20-25% một năm.
Cách đây khoảng 10 năm, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ của Việt Nam đạt khoảng 2,2 tỷ USD. Nhưng đến năm 2023, quy mô thị trường TMĐT bán lẻ đã đạt mức 20,5 tỷ USD, chiếm 8% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng toàn quốc. Tỷ lệ này đang được dự đoán đạt 10% vào năm 2025.
Có thể nói, TMĐT phát triển nhanh và mạnh đã đóng góp rất tích cực cho việc phát triển mô hình thương mại khá hiện đại trong những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn Covid-19 khi giãn cách xã hội và giảm sự tiếp xúc giữa các đối tượng. Đây là phương thức rất hiệu quả để có thể phân phối hàng hóa, dịch vụ đến với người tiêu dùng cuối. Đồng thời, đây cũng là kênh để các doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ có thể tham gia kinh doanh, mở rộng thị trường, nâng cao thu nhập cũng như tăng sức cạnh tranh của mình trên thị trường trong và ngoài nước.
Doanh thu thuế từ TMĐT tăng đều qua các năm: 83.000 tỷ đồng (2022), 97.000 tỷ đồng (2023) và chỉ trong 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt hơn 78.000 tỷ đồng. Sự gia tăng mạnh mẽ này không chỉ đến từ các doanh nghiệp trong nước, mà còn từ các nền tảng quốc tế như Google, Facebook và Amazon.
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng nhanh như thế đặt ra bài toán phải phát triển bền vững. Đó là bảo đảm được sự cạnh tranh lành mạnh cũng như bảo đảm việc tuân thủ pháp luật của chủ thể tham gia thị trường, trong đó có việc tuân thủ nghĩa vụ về thuế.
“Để nâng cao hiệu quả quản lý thuế, một trong những mấu chốt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý một cách toàn diện và ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý. Hoạt động quản lý của chúng ta phải tận dụng tối ưu những công cụ trên môi trường trực tuyến, điện tử” - bà Lại Việt Anh nêu quan điểm.
Về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Lan Anh - Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân, Tổng Cục thuế - thông tin, thời gian qua, ngành thuế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ hướng dẫn người nộp thuế kinh doanh TMĐT thực hiện kê khai, nộp thuế theo quy định. Ngành thuế cũng không ngừng mở rộng triển khai các dịch vụ thuế điện tử cấp độ 4.0, giúp người nộp thuế có thể thực hiện đăng ký, khai và nộp thuế hoàn toàn qua hình thức điện tử, tạo thuận lợi trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế.
“Tuy nhiên, do đặc thù của TMĐT có tính linh hoạt cao và hoạt động xuyên biên giới, việc quản lý thuế vẫn gặp nhiều khó khăn” - bà Nguyễn Thị Lan Anh nhấn mạnh.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới, là hình thức thay đổi rất nhanh chóng, trong khoảng thời gian rất ngắn đã có những hình thức kinh doanh mới ra đời. Chính vì lẽ đó, việc quản lý TMĐT cũng gặp rất nhiều khó khăn. Việc làm sao thu đúng thu đủ, thu chính xác đối với hoạt động TMĐT trở thành khó khăn chung với hầu hết cơ quan thuế trên thế giới, kể cả những cơ quan thuế rất phát triển như Mỹ hay Liên minh châu Âu…
Mặt khác, sự phát triển của các phương thức thanh toán điện tử cũng là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến quản lý thuế TMĐT. Từ thực tiễn doanh nghiệp, Giám đốc Khối doanh nghiệp VNPAY - ông Trần Mạnh Nam - chia sẻ, hiện nay, người dân có thể sử dụng thanh toán điện tử trong hầu hết các nhu cầu thanh toán, từ thanh toán trực tuyến, qua thiết bị POS đến thanh toán bằng mã QR. Vậy, đơn vị thụ hưởng quá trình thanh toán điện tử là ai? Trong TMĐT thì đó chính là những người bán hàng, từ đó có thể xác minh được doanh thu của người bán hàng, cơ quan thuế có thể từ doanh thu đó hình thành nên nghĩa vụ thuế của người bán hàng.
“Chúng ta nên bóc tách đâu là dòng tiền thương mại và dòng tiền phi thương mại của các chủ sở hữu để từ đó cơ quan thuế có thể xác định được đâu là trách nhiệm thuế, đâu là nghĩa vụ thuế của các đơn vị tham gia bán hàng” - ông Trần Mạnh Nam đề xuất.
Phải số hóa ở mức hiện đại nhất để quản lý thuế thương mại điện tử
Để tăng cường hiệu quả quản lý thuế TMĐT, bà Nguyễn Thị Lan Anh cho hay, thời gian tới, Tổng cục Thuế sẽ đưa vào vận hành Cổng Thông tin điện tử dành cho các cá nhân, hộ kinh doanh phát sinh hoạt động kinh doanh TMĐT có thể thực hiện các nghĩa vụ thuế một cách thuận tiện.
Đồng thời, ngành Thuế đã đề xuất giải pháp sửa đổi chính sách thuế một cách đồng bộ, thống nhất, không những thống nhất trong ngành thuế mà còn thống nhất trong các Bộ, ngành có liên quan hoạt động TMĐT; tiếp tục làm giàu cơ sở dữ liệu lớn về TMĐT, thu thập thông tin từ nhiều nguồn (sàn cung cấp, các nền tảng xuyên biên giới cung cấp, thông tin thu thập được qua công tác kiểm tra, thông tin thu thập trên internet, thông tin kết nối chia sẻ từ các bộ ngành).
“Trên cơ sở đó, ngành Thuế thực hiện khai thác, xử lý thông tin để rà soát người nộp thuế đưa vào diện quản lý, yêu cầu kê khai phù hợp thực tế, điều chỉnh doanh thu hoặc xử lý truy thu; xây dựng mô hình quản lý rủi ro đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thương mại điện tử, theo đó áp dụng trí tuệ nhận tạo (AI) để xử lý dữ liệu lớn, đưa ra các cảnh báo đối với trường hợp có rủi ro về thuế; tiếp tục triển khai công tác thanh tra, kiểm tra trong toàn ngành, trong các tổ chức, các nhân kinh doanh thương mại điện tử ; doanh nghiệp là chủ sàn kinh doanh thương mại điện tử; các đơn vị vận chuyển; trung gian thanh toán…” - bà Nguyễn Thị Lan Anh thông tin.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Lan Anh, một giải pháp rất quan trọng, đó là ngành Thuế sẽ phối hợp với bộ, ngành chia sẻ, kết nối dữ liệu phục vụ quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT theo nhiệm vụ được giao tại Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó Bộ Công an cùng với cơ quan Thuế sẽ rà soát và đồng nhất Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với Cơ sở dữ liệu mã số thuế; Bộ Công Thương sẽ cung cấp dữ liệu về sàn giao dịch TMĐT, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ chia sẻ dữ liệu về các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực viễn thông, quảng cáo, phát thanh truyền hình; Ngân hàng Nhà nước sẽ thông tin về dòng tiền thanh toán, về tài khoản cá nhân.
Bên cạnh đó, bà Lại Việt Anh kiến nghị, thời gian tới Bộ Công Thương và Bộ Tài chính (cụ thể là Tổng cục Thuế) cần phối hợp tích cực trong việc đồng bộ hóa các tiêu chí quản lý dữ liệu từ 2 hệ thống sao cho đảm bảo đồng bộ ngay từ đầu. Việc này cần phải thực hiện ngay từ khâu đầu tiên, đó là khởi tạo tài khoản của doanh nghiệp trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử.
“Hiện nay, Bộ Công Thương chủ trương lấy mã số thuế của doanh nghiệp và các hộ kinh doanh là trường dữ liệu chính. Khi doanh nghiệp khởi tạo một tài khoản trên hệ thống của Bộ Công Thương thì ngay lập tức mã số thuế của doanh nghiệp sẽ được khớp nối, đối chiếu theo thời gian thực với dữ liệu của Tổng cục Thuế. Việc đồng bộ hóa các tiêu chí dữ liệu cơ bản giữa 2 hệ thống của hai đơn vị, cũng như sự cập nhật thường xuyên dữ liệu sẽ giúp cho hiệu quả quản lý của hai cơ quan được tốt hơn” - bà Lại Việt Anh chỉ rõ.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cho rằng, cần đẩy mạnh hơn nữa việc triển khai hoá đơn điện tử. Đây là việc làm có ý nghĩa rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công bằng, bình đẳng giữa các chủ thể tham gia, kể cả hoạt động TMĐT và hoạt động truyền thống, đồng thời bảo đảm quyền lợi cho người tiêu dùng khi có hoá đơn để có thể khiếu tố, phản hồi, từ đó bảo đảm hoạt động TMĐT tốt nhất.
Đặc biệt, giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, quản lý TMĐT là quản lý số. Vì vậy, phải số hoá ở mức hiện đại nhất để quản lý hoạt động TMĐT nói chung cũng như quản lý hoạt động thu thuế nói riêng, nhằm mang lại hiệu quả quản lý tốt nhất, góp phần xây dựng một xã hội số minh bạch hơn, thuận tiện hơn, đồng thời giảm thời gian, chi phí tuân thủ cũng như những rủi ro cho người dân, doanh nghiệp, đặc biệt là người nộp thuế kinh doanh TMĐT./.