Bắc Kạn: Tăng cường bình ổn thị trường hàng hóa sau bão số 3

Địa phương - Ngày đăng : 05:58, 28/09/2024

(BKTO) - Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn yêu cầu Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thành phố; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối hàng hóa thiết yếu triển khai một số giải pháp bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu cho các vùng bị ảnh hưởng bởi bão, lũ.
bac.jpg
Bắc Kạn tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá sau cơn bão số 3. Ảnh: ST

Sau bão số 3, tình hình thị trường hàng hóa trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn cơ bản vẫn ổn định. Mặc dù cũng có sự tăng giá cục bộ tại một số mặt hàng nhưng không quá nghiêm trọng.

Sức mua các hàng hóa thực phẩm tươi sống và mỳ gói, nước uống có tăng nhưng nguồn cung vẫn cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu, nguồn cung hàng hóa thiết yếu được bảo đảm và cung ứng đủ cho người tiêu dùng trước, trong và sau bão. Công tác điều hành giá của các cơ quan liên quan kịp thời đã giúp nhanh chóng ổn định thị trường.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Văn bản gửi UBND các huyện, thành phố; các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhà phân phối hàng hóa thiết yếu nhằm triển khai một số giải pháp bảo đảm cung ứng đủ các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng khắc phục ảnh hưởng sau bão cho các vùng bị ảnh hưởng sau bão, lũ; ổn định thị trường các mặt hàng thiết yếu, các mặt hàng vật liệu xây dựng, vật tư, sửa chữa công trình xây dựng, sửa chữa điện, điện tử, máy, thiết bị và đồ gia dụng…

Đơn vị cũng chủ động rà soát, nắm chắc tình hình cung cấp lương thực, thực phẩm, nước sạch, đặc biệt là tại các địa bàn bị ảnh hưởng bởi ngập, lụt; thường xuyên thống kê, rà soát phương án, cập nhật lượng dự trữ hàng hóa tại các siêu thị, hệ thống phân phối để đảm bảo cung ứng đầy đủ các mặt hàng thiết yếu cho người dân.

Để ổn định thị trường giá cả từ nay tới cuối năm, UBND tỉnh Bắc Kạn đã yêu cầu các Sở, ngành và UBND các huyện, thành phố tăng cường công tác quản lý, điều hành giá; theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu để kịp thời có giải pháp bình ổn thị trường phù hợp, nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống hằng ngày của người dân, hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ khâu lưu thông; chủ động thúc đẩy sản xuất, chăn nuôi, tái đàn, chế biến để cân đối cung cầu, ổn định thị trường, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ.

Kiểm soát chặt chẽ đối với công tác kê khai giá, niêm yết giá, hàng hóa thiết yếu trên địa bàn; kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách Nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá và kiểm soát chặt chẽ yếu tố hình thành giá đối với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá, hàng hóa, dịch vụ mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước, hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin kịp thời về tình hình thị trường giá cả; công khai, minh bạch thông tin về giá, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thuộc diện kê khai giá, các vật tư quan trọng, các mặt hàng thiết yếu liên quan đến sản xuất và đời sống người dân để hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân, ổn định tâm lý người tiêu dùng sau bão lũ; đồng thời, tăng cường công tác tổng hợp, phân tích, dự báo thị trường giá cả, thực hiện chế độ báo cáo theo quy định./.

THANH TRANG