Hà Nội: Kiểm tra các "điểm nóng" về gian lận thương mại những tháng cuối năm
Pháp luật - Ngày đăng : 16:20, 28/09/2024
Kiểm soát tốt thị trường sau bão số 3
Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội thông tin, trong 8 tháng năm 2024, cơ quan này đã tiến hành tổng kiểm tra 3.688 vụ việc, xử lý thành công 3.572 vụ vi phạm, thu về cho ngân sách nhà nước hơn 68 tỷ đồng (đạt 101,32% kế hoạch).
Trong số 3.572 vụ vi phạm được xử lý, có 38 vụ đã được chuyển sang cơ quan điều tra để tiếp tục xử lý theo quy định pháp luật. Đây là minh chứng cho sự quyết liệt của Hà Nội trong công tác đấu tranh chống lại các hành vi gian lận, buôn lậu và hàng giả mạo, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng.
Đặc biệt, trong thời gian sau bão số 3, góp phần giữ ổn định thị trường, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội yêu cầu Đội trưởng các Đội quản lý thị trường trực thuộc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến lĩnh vực giá, đầu cơ hàng hóa, tạo khan hiếm hàng hóa, nhằm nâng giá, trục lợi bất hợp pháp.
Quản lý thị trường Hà Nội đặt mục tiêu kiên quyết không để xảy ra tình trạng găm hàng, đẩy giá nhằm trục lợi nhằm đảm bảo ổn định thị trường giá cả, cung - cầu các mặt hàng, đặc biệt là lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu trên địa bàn thành phố.
Quản lý chặt thị trường trước Tết Nguyên đán
Trong những tháng còn lại của năm 2024, đặc biệt là thời điểm trước Tết Nguyên đán, thị trường Hà Nội dự báo sẽ diễn ra nhiều biến động phức tạp do nhu cầu tiêu dùng tăng cao. Đây cũng là thời điểm hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng kém chất lượng có nguy cơ bùng phát.
Để công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại đạt hiệu quả cao hơn nữa, Cục Quản lý thị trường Hà Nội đã xây dựng các kế hoạch cụ thể nhằm kiểm soát chặt chẽ thị trường, tập trung vào những địa bàn trọng điểm và các mặt hàng có nguy cơ cao về gian lận thương mại như vàng, xăng dầu, mỹ phẩm, quần áo….
Cùng với đó, công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất cũng được đẩy mạnh để ngăn chặn những hành vi đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.
Ông Chu Xuân Kiên - Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội - cho biết, những tháng cuối năm, Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tập trung kiểm tra các "điểm nóng" về gian lận thương mại, đồng thời chú trọng tới việc ngăn chặn tình trạng buôn bán hàng giả, hàng kém chất lượng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đây là một trong những lĩnh vực đang gây ra nhiều lo ngại do tính chất khó kiểm soát và sự phát triển nhanh chóng của các sàn giao dịch trực tuyến.
Cũng theo lãnh đạo Cục Quản lý thị trường Hà Nội, lực lượng cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm theo quy định pháp luật đối với hành vi kinh doanh hoạt động kinh doanh vận chuyển trái phép khoáng sản, tiếp tục thực hiện về công tác an toàn thực phẩm; kiểm tra, xử lý vi phạm trong hoạt động vận chuyển, kinh doanh đối với mặt hàng khoáng sản, hóa chất (khí N2O), gạo, thuốc lá điếu, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng… Bởi đây là những mặt hàng có thể gây hại lớn đến sức khỏe người tiêu dùng và việc buôn bán bất hợp pháp các sản phẩm này là một trong những vấn đề cần được kiểm soát nghiêm ngặt.
Đáng chú ý, trong những tháng cuối năm, công tác an toàn thực phẩm cũng sẽ được đặt lên hàng đầu, bởi dịp lễ, Tết, thị trường thực phẩm diễn biến phức tạp, do đó, lực lượng sẽ triển khai các chiến dịch kiểm tra chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm chế biến sẵn, đồ ăn phục vụ dịp lễ, hội.
Ngoài ra, với sự phát triển mạnh mẽ của các sàn thương mại điện tử, việc kiểm soát và ngăn chặn gian lận trong hoạt động kinh doanh trực tuyến trở thành một trong những nhiệm vụ cấp bách của Quản lý thị trường Hà Nội. Để đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hành vi vi phạm trên thương mại điện tử, Cục Quản lý thị trường Hà Nội sẽ đẩy mạnh việc phối hợp với các đơn vị liên quan, sử dụng công nghệ thông tin và các công cụ hiện đại để giám sát hoạt động của các sàn giao dịch trực tuyến, nhằm đảm bảo tính minh bạch và công bằng cho cả người tiêu dùng và các nhà kinh doanh chân chính.
Mặt khác, lực lượng chức năng cũng sẽ chú trọng kiểm soát các hoạt động vận chuyển, phân phối hàng hóa, ngăn chặn tình trạng buôn lậu qua biên giới và các hoạt động buôn bán hàng giả trên thị trường nội địa./.