Hướng đẩy mạnh phát triển nhà ở, tạo lập chốn an cư cho người dân

Địa phương - Ngày đăng : 12:04, 26/09/2024

(BKTO) - Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 khi được thông qua có ý nghĩa quan trọng, là cơ hội và động lực lớn để Hà Nội đẩy mạnh phát triển số lượng cũng như nâng cao chất lượng nhà ở cho người dân trên địa bàn Thủ đô.
1-4.jpg
Nhu cầu về nhà ở trên địa bàn Thủ đô Hà Nội ngày càng gia tăng. Ảnh minh họa: S.T

Còn tồn tại những bất cập trong phát triển nhà ở

Đánh giá về thực trạng hệ thống nhà ở Hà Nội trong những năm qua, theo các chuyên gia về xây dựng, quy hoạch, điều kiện nhà ở của người dân trên địa bàn Thủ đô đã được cải thiện rõ rệt, đặc biệt là khu vực đô thị trung tâm.

Theo đó, diện tích nhà ở bình quân đầu người tăng lên đáng kể, hiện đạt 30,94 m2/người, đã vượt mục tiêu của Chương trình phát triển nhà ở Thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2020 và định hướng đến năm 2030 là 26,3m2...

Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực, các chuyên gia cũng cho rằng vấn đề phát triển nhà ở đô thị Hà Nội trong thời gian qua vẫn còn một số bất cập. Cụ thể, khối lượng diện tích nhà ở (diện tích đất, diện tích sàn) được xây dựng khá lớn nhưng vẫn thấp hơn chỉ tiêu bình quân của các đô thị loại I trong cả nước.

Bên cạnh đó, nhiều dự án khu đô thị chậm triển khai hoặc đầu tư xây dựng không hoàn chỉnh, không đồng bộ, dẫn tới điều kiện sống, tiếp cận hạ tầng xã hội ngày một kém đi. Thậm chí tại khu vực ngoại thành như ở các huyện Mê Linh, Hoài Đức, Đan Phượng... nhiều khu đô thị xây xong bị bỏ hoang, gây lãng phí vốn và tài nguyên đất đai.

Tại khu vực nội đô mở rộng như ở các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm… tình trạng san lấp các hồ, ao, sông, mương để phát triển mô hình nhà ở thấp tầng xen lẫn mô hình nhà ở cao tầng vừa làm mất đi không gian công cộng, không gian cảnh quan mặt nước, không gian xanh, vừa tạo ra mật độ xây dựng cao và bê tông hóa kín không gian mặt đất, dẫn đến thường xuyên xảy ra các tình trạng úng ngập, sụt lún.

Mặt khác, thị trường bất động sản nhà ở tại Hà Nội vẫn khá hạn chế về nguồn cung, đặc biệt là nhà ở bình dân. Phân khúc nhà ở chung cư bị hạn chế nguồn cung dẫn đến giá bán sơ cấp trên toàn thị trường liên tục bị đẩy lên cao, vượt xa mức thu nhập của đại đa số người dân; chương trình phát triển nhà ở xã hội chưa đạt hiệu quả.

Đáng chú ý, nhiều công trình nhà ở chung cư xây dựng không đảm bảo hạ tầng, an toàn, phòng chống cháy nổ, dẫn đến xung đột giữa chủ đầu tư dự án và người mua nhà xảy ra ngày càng phổ biến, làm ảnh hưởng tới an ninh trật tự xã hội. Nhiều loại hình nhà ở như chung cư mini, các khu trọ cho sinh viên và công nhân, người lao động thu nhập thấp, khu nhà ở do dân tự cơi nới cho thuê… ngày một gia tăng, gây khó khăn trong việc quản lý đô thị. Trong khi đó, việc kiểm soát tổ chức đầu tư xây dựng theo quy hoạch, theo tiêu chuẩn kỹ thuật còn hạn chế, dẫn đễn xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng...

Ngoài ra, còn lượng lớn các công trình nhà ở xuống cấp như chung cư cũ, nhà tại khu vực phố cổ... đã làm ảnh hưởng tới chất lượng sống của người dân đô thị. Tiến độ thực hiện và các chính sách cải tạo các chung cư cũ còn chậm, thiếu…

Nhiều giải pháp nhằm nâng cao số lượng, chất lượng nhà ở

Nhằm khắc phục các tồn tại, hạn chế trong việc phát triển nhà ở trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã nghiên cứu đưa ra các định hướng, giải pháp phát triển lĩnh vực nhà ở, bất động sản với nhiều điểm mới.

Theo đó, Thành phố sẽ phát triển nhà ở theo các dự án khu đô thị mới đồng bộ. Hình thành chuỗi các khu đô thị mới giữa Vành đai 3 và 4, hệ thống các đô thị mới được phát triển đồng bộ về hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; tăng cường quản lý, kiểm soát phát triển nhà ở.

Phát triển đô thị mới gắn với các khu vực có nhu cầu sử dụng lao động cao như khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, trường đại học... để cung cấp chỗ ở tại chỗ cho các đối tượng lao động và hạn chế việc phải di chuyển thường xuyên cắt ngang Thành phố gây quá tải hệ thống hạ tầng giao thông. Phát triển các khu đô thị mới phải tiến tới hình thành các cộng đồng dân cư bền vững, an toàn, chú trọng phát triển các dịch vụ tiện ích đi kèm để phục vụ cuộc sống của người dân.

Cùng với đó, Thành phố sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp quỹ nhà ở cũ như các khu tập thể cũ, nhà ở tại các khu phố cổ, tại các khu làng xóm cũ trong khu vực nội đô.

Đặc biệt, Thành phố sẽ chú trọng đầu tư phát triển quỹ nhà ở xã hội, phát triển quỹ nhà ở chi phí thấp và nhà ở cho thuê, xây dựng nhà ở cho học sinh, sinh viên; xây dựng quỹ nhà ở chính sách (dành cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng).

Để thực hiện được các định hướng trên, Quy hoạch Thủ đô đã đề xuất các giải pháp về cơ chế, chính sách; quy hoạch; đất đai; nguồn lực thực hiện.

Cụ thể, về nguồn lực, bố trí hợp lý nguồn vốn từ ngân sách Thành phố, trong đó có việc sử dụng hiệu quả nguồn tiền thu được từ quỹ đất 20%, 25% đất ở tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, dự án khu đô thị để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Song song với đó là đẩy mạnh khai thác nguồn lực đất đai để tạo vốn cho phát triển nhà ở, đặc biệt là nhà ở tái định cư, nhà ở xã hội cho thuê. Huy động nguồn vốn xã hội hóa để phát triển nhà ở thông qua nhiều hình thức (huy động vốn của doanh nghiệp, ngân hàng, các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư phát triển địa phương, cổ phiếu, trái phiếu và các nguồn vốn hợp pháp khác) nhằm tạo lập hệ thống tài chính nhà ở vận hành ổn định, dài hạn và giảm phụ thuộc vào ngân sách nhà nước.

Đồng thời, huy động hiệu quả nguồn vốn nước ngoài thông qua các cơ chế huy động tài chính quốc tế như quỹ đầu tư, quỹ tín thác bất động sản, liên doanh, liên kết thực hiện dự án đầu tư nhà ở; tạo điều kiện cho nhà đầu tư nước ngoài tham gia phát triển nhà ở xã hội…

Chia sẻ thêm về định hướng phát triển nhà ở của Thành phố trong thời gian tới, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân TP. Hà Nội cho biết, Hà Nội xác định phát triển nhà ở là một trong những nội dung quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, gắn với định hướng phát triển đô thị.

Theo đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh phát triển đô thị vệ tinh và các khu vực dự kiến phát triển thành quận; tập trung phát triển đa dạng các loại hình nhà ở, trong đó chú trọng đến nhà ở xã hội, nhà chung cư, nhà cho thuê, nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp nhằm giải quyết nhu cầu chỗ ở cho các tầng lớp dân cư với mức thu nhập khác nhau.

Về phương án quy hoạch, trên địa bàn các quận trong khu vực nội đô lịch sử sẽ hạn chế tối đa phát triển nhà chung cư trong các dự án đầu tư xây dựng mới nhà ở thương mại, nhà ở xã hội, trừ dự án tái thiết đô thị như cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, tái định cư, để hạn chế tối đa việc gia tăng dân số và quá tải hạ tầng. Các khu vực còn lại hạn chế tối đa phát triển nhà ở liền kề, biệt thự thấp tầng và tăng tối đa nhà chung cư trong các dự đầu tư xây dựng nhà ở, khu đô thị nhằm sử dụng hiệu quả quỹ đất…/.

DIỆU THIỆN