Thái Nguyên: Nhiều dư địa để phát triển công nghiệp bán dẫn
Địa phương - Ngày đăng : 17:12, 30/09/2024
Trong xu thế phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp xanh như hiện nay, việc xác định công nghiệp bán dẫn là khâu đột phá hoàn toàn phù hợp. Trong đó, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành này được xem là khâu “đột phá của đột phá”. Chính vì thế, Chính phủ xác định sẽ áp dụng cơ chế đặc thù với mối quan hệ ba Nhà gồm: Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Chính phủ đặt mục tiêu, đến năm 2030, Việt Nam đào tạo, phát triển đội ngũ nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn có chất lượng, tập trung vào công đoạn thiết kế vi mạch bán dẫn, đóng gói và kiểm thử vi mạch; từng bước nắm bắt công nghệ trong công đoạn sản xuất bán dẫn. Cụ thể là sẽ đào tạo ít nhất 50.000 nhân lực có trình độ từ đại học trở lên.
Ngoài ra, đào tạo ít nhất 5.000 nhân lực có chuyên môn sâu về trí tuệ nhân tạo và 1.300 giảng viên dạy tại các viện nghiên cứu, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở hỗ trợ đào tạo và doanh nghiệp. Đến năm 2050, phấn đấu sở hữu đội ngũ nhân lực mạnh, có thể gia nhập vào chuỗi giá trị ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Để thực hiện được mục tiêu này, một loạt các nhóm nhiệm vụ, giải pháp được đưa ra, trong đó, đáng chú ý là giải pháp về tổ chức đào tạo nhân lực. Đối với đào tạo nhân lực trình độ đại học, Chính phủ chủ trương rà soát, xây dựng, ban hành và hướng dẫn thực hiện chuẩn chương trình đào tạo về vi mạch bán dẫn; xây dựng phát triển chương trình đào tạo tài năng, đào tạo đạt tiêu chuẩn quốc tế; kết nối cung cấp học bổng cho kỹ sư, cử nhân…
Về đào tạo sau đại học, sẽ xây dựng và triển khai các chương trình trao đổi, hỗ trợ học bổng và thực hiện chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Ngoài ra, sẽ tiến hành đào tạo hệ ngắn hạn, đào tạo đối tượng là giảng viên. Khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đại học tư thục tham gia đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp quan trọng này.
Với Thái Nguyên, trước khi Chính phủ phê duyệt và ban hành Chương trình Phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn, tỉnh đã rất quan tâm đến nội dung này. Bằng chứng là từ năm 2023, khi tham dự một diễn đàn tại Hoa Kỳ, người đứng đầu UBND tỉnh Thái Nguyên đã gặp gỡ, trao đổi với Chủ tịch và Giám đốc điều hành Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn Hoa Kỳ. Tại đây, tỉnh cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp bán dẫn của Hoa Kỳ quan tâm đầu tư vào Thái Nguyên thời gian tới.
Cùng với đó, từ rất sớm, tỉnh chủ trương phát triển mạnh ngành công nghiệp bán dẫn trên cơ sở phát huy các điều kiện thuận lợi vốn có. Từ lâu, Thái Nguyên được biết đến là một trong những trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của cả nước, trong đó có các trường đại học đủ điều kiện đào tạo chuyên ngành công nghiệp bán dẫn.
Hiện nay, Trường Đại học Công nghệ thông tin và Truyền thông đã xây dựng, điều chỉnh tuyển sinh 20 chương trình đào tạo với khoảng 3.000 chỉ tiêu về các lĩnh vực ứng dụng điện tử, công nghệ cao, trong đó đưa vào vận hành chương trình đào tạo vi mạch bán dẫn.
Thái Nguyên cũng đang sở hữu hàng chục khu công nghiệp tập trung, trong đó có các khu công nghiệp điện tử, bán dẫn và một khu công nghệ thông tin tập trung với tổng diện tích quy hoạch trên 4.200ha. Gần 10 năm nay, tỉnh tập trung thu hút đầu tư các dự án công nghiệp công nghệ cao, trong đó nổi bật là các dự án sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử của Tập đoàn Samsung và hàng chục dự án phụ trợ đi kèm. Năm 2023, Tập đoàn đã sản xuất được sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn, mở ra cơ hội lan tỏa thế mạnh về ngành công nghiệp này ở địa phương.
Theo các chuyên gia, dư địa phát triển ngành công nghiệp bán dẫn ở Thái Nguyên là rất lớn. Khi triển khai thành công chiến lược đào tạo nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại địa phương, tin chắc tỉnh sẽ trở thành một trong những trung tâm cung cấp nhân lực và ứng dụng công nghiệp bán dẫn của cả nước./.