Nơi “đá béo, người gầy”
Doanh nghiệp - Ngày đăng : 09:30, 12/05/2016
(BKTO) - Chúng tôi về xã Sỹ Hai (huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) vào một ngàycuối tháng 4 năm 2016 khi những trận nắng đầu tiên của mùa hè đang thiêu đốtmảnh đất nghèo khó này. Điều kiện thời tiết khắc nghiệt khiến Sỹ Hai xưa nay vẫnđược mệnh danh là vùng đất đói, khổ, khô khát, nơi “đá ngày một béo, người ngàymột gầy”.
Thời tiết khắc nghiệt khiến cho việc sản xuất nông nghiệp ở xã Sỹ Hai gặp nhiều khó khăn.Ảnh :TS
Sỹ Hai là 1 trong 12 xã vùng cao nguyên Lục Khu - nơi được mệnh danh là cao nguyên khát của huyện Hà Quảng. Cả một vùng đất rộng lớn Lục Khu với 116 xóm, 3.664 hộ, 17.855 nhân khẩu nhưng chỉ có 2 mỏ nước tại 2 xã Lũng Nặm và Tổng Cọt. đã khiến nước trở thành một thứ của cải vô giá mỗi khi mùa hạn đến.
Chủ tịch UBND xã Sỹ Hai Nông Văn Sống cho biết, nguồn nước trên địa bàn xã tương đối khan hiếm, không có nguồn nước mặt cũng như nguồn nước ngầm. Nguồn nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời. Hiện nay, ngay khu trung tâm xã nhiều lúc chưa đủ nước dùng.
Sỹ Hai thiếu nước nhiều nhất là khoảng tháng 2, tháng 3 trong năm. Vào những tháng này, bà con trong xã phải mua nước từ các vùng lân cận đến bán với giá rất đắt. 10 năm trước có Chương trình 134 của Chính phủ dẫn nước đến Sỹ Hai nhưng quy chế hoạt động và ý thức dùng của người dân chưa tốt nên hiệu quả chương trình chưa được như mong đợi.
Xã Sỹ Hai “khát” là do đặc điểm địa hình triền núi dốc, chủ yếu là núi đá vôi, lại không có sông suối. Trong vùng cũng có một số địa điểm, năm nào mưa đều thì có nước tự chảy từ chân núi hoặc hang đá, nhưng lượng nước ít và phân bố không đều, không đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt; những năm hạn hán kéo dài, các mỏ nước đều cạn kiệt. Bao năm qua, nước của trời cứ đổ xuống trong mùa mưa, rồi bị núi rừng mênh mông “hút” đi hết.
Ở Sỹ Hai, nhà nào cũng có rất nhiều lu để chứa nước. Nhiều năm qua, đây là phương tiện lưu trữ nước mà người dân có thể trông chờ, nhưng tất cả đều phụ thuộc ông trời. Vì thế, nhà nào cũng phải dùng nước tiết kiệm hết mức. Tám tháng mùa khô nơi đây thiếu nước trầm trọng. Có người nói, khách đến Sỹ Hai vào mùa hạn, chủ nhà niềm nở mời vài chén rượu từ chân cầu thang nhà sàn, nhưng nếu xin một ca nước để rửa mặt thì tiếc lắm...
Bên đống chum đựng nước cạn trơ đáy của gia đình, ông Hoàng Văn Toàn - xóm Ổng Luộc, buồn bã cho biết: “Nước thiếu lắm. Ở vùng này chỉ hứng nước mưa trữ lại chứ không có nguồn nào. Nhà có 2 lu và 1 cái téc để trữ nước. Hết nước thì lại đi vay mượn anh em. Nhà dưới còn thì vay nhà dưới, nhà trên còn lại uống nhà trên”.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Sỹ Hai Vi Thị Hồng: Do khan hiếm nguồn nước, nên việc trồng cấy của bà con đều phải "nhờ trời". Gặp những năm hạn nặng, cả cao nguyên ngập trong màu vàng cháy thì cây ngô mất mùa, con bò cũng phải nhai cỏ khô ròng rã bốn, năm tháng. Vì đói khổ, trước đây nhiều gia đình phải lần lượt rời bỏ quê di cư vào Tây Nguyên.
Vùng đất khó
Theo báo cáo của địa phương, xã Sĩ Hai có 1.141 nhân khẩu, thuộc 2 dân tộc Nùng (95%) và Mông (5%). Các hộ dân sống rải rác, giao thông đi lại khó khăn, ảnh hướng lớn đến phát triển sản xuất và đời sống. Năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo của Sỹ Hai vẫn còn 32%. Nói về những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch Vi Thị Hồng cho biết, những năm qua, Sỹ Hai đã có bước phát triển đáng ghi nhận nhưng nhìn chung xã còn rất khó khăn.
Lao động trên địa bàn chủ yếu là lao động phổ thông chưa qua đào tạo; hệ thống đường giao thông còn kém, tỷ lệ đường đất cao, người dân đi lại còn nhiều khó khăn; hệ thống các công trình thủy lợi, giao thông nội đồng, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa chưa được đầu tư hoàn thiện; nguồn nước thì khan hiếm. Cùng với đó, diện tích đất nông nghiệp ít, chủ yếu là núi đá có độ dốc cao, khó khăn cho việc đi lại và phát triển sản xuất.
Vào những ngày cuối tháng 4 này, dọc hai bên đường lên Sỹ Hai đã chớm màu xanh của ngô và lạc. Nhưng màu sắc chủ đạo vẫn là màu đen xì của đá. Đá nằm la liệt, trải dài ngút mắt dọc theo thung lũng. Ông Nông Quốc Khôi - cán bộ Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, kể: Ở đây, người dân vẫn có câu nói “đá thì ngày một béo, còn người thì ngày một gầy”. Đất bị mưa xói mòn làm lộ rõ những tảng đá ngày một lớn hơn; đồng thời với nó là việc đá cũng chiếm đi phần đất trồng trọt ít ỏi của bà con, khiến cuộc sống càng thêm khó khăn, vì thế mà “ngày một gầy đi”.
Quyết tâm không thể cái nghèo đeo đẳng, Chủ tịch UBND xã Nông Văn Sống cho chúng tôi biết: xã Sỹ Hai đã xác định tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế theo cơ cấu 2 cây (ngô, lạc hàng hoá), 2 con (bò, lợn đen). Mới đây, Công ty cổ phần Giống và Thức ăn chăn nuôi Cao Bằng tổ chức ký kết thỏa thuận hợp tác liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lợn đen.
Trên cơ sở thỏa thuận, Công ty cam kết giảm 20% giá bán giống lợn hậu bị Táp Ná, lợn giống Móng Cái trong thời gian 2 năm, thu mua toàn bộ sản phẩm lợn đen Táp Ná cho người dân với giá trị cao hơn giá thị trường. Hy vọng rằng, dù cái khó, cái khát còn đeo đẳng, nhưng với sự quyết tâm của chính quyền địa phương và đồng bào nơi đây, sẽ tạo hướng vươn lên phát triển kinh tế để từng bước thoát nghèo nơi vùng đất khắc nghiệt.
TÙNG LONG