Tạo điều kiện thuận lợi nhất để phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Địa phương - Ngày đăng : 06:32, 02/10/2024

(BKTO) - Hà Nội là địa phương dẫn đầu cả nước về Chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023. Hà Nội cũng có 168/800 doanh nghiệp khoa học công nghệ của cả nước (chiếm 21%) và hơn 1.000 doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, chiếm trên 26% cả nước.
img_6141.jpg
Khai mạc sự kiện Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024. Ảnh: hanoi.gov.vn

Hà Nội quyết tâm trở thành trung tâm khoa học, công nghệ

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định: “Đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo”. Nhiệm vụ trọng tâm trong giai đoạn 2020 - 2025 của Thành phố cũng xác định: “Phát triển mạnh mẽ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, góp phần phát triển Thủ đô hiện đại, văn minh”. Điều đó cho thấy quyết tâm của Hà Nội trong việc trở thành trung tâm nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo dẫn đầu cả nước.

Tính đến hết năm 2023, giá trị sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao chiếm khoảng 46% tổng giá trị sản xuất nông nghiệp toàn Thành phố. Theo số liệu tổng hợp từ các địa phương, đến nay, trên địa bàn Thành phố có 393 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, có 224 mô hình thuộc lĩnh vực trồng trọt, 144 mô hình thuộc lĩnh vực chăn nuôi, 25 mô hình thuộc lĩnh vực thủy sản.

Đồng thời, hình thành các hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, liên kết trong sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm và chú trọng xây dựng tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm. Thành phố có 68 hợp tác xã nông nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao.

Năm 2024, ngân sách Thành phố Hà Nội bố trí 110 tỷ đồng kinh phí thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ, trong đó hơn 69,1 tỷ đồng kinh phí thực hiện 130 nhiệm vụ khoa học và công nghệ chuyển tiếp, gần 41 tỷ đồng kinh phí thực hiện các nhiệm vụ tuyển chọn, giao trực tiếp mới năm 2024.

Tuy nhiên, theo Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, hoạt động nghiên cứu triển khai ở một số lĩnh vực chưa thực sự được quan tâm đúng mức, nhất là nghiên cứu phục vụ công tác tham mưu, hoạch định chính sách, xây dựng định hướng phát triển ngành, lĩnh vực. Chất lượng, hiệu quả đổi mới công nghệ còn thấp, chưa có bước đột phá. Việc nhân rộng mô hình nghiên cứu, nhất là trong sản xuất nông nghiệp còn chậm.

Đến nay, Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội chưa hình thành dẫn đến việc kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo rời rạc, tự phát, gây khó khăn trong công tác triển khai các nhiệm vụ của Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2019 - 2025.

Hà Nội sẽ phát triển thị trường khoa học và công nghệ gắn với hoàn thiện hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo kết nối toàn quốc và quốc tế. Cùng với đó, thành phố hình thành, phát triển mạng lưới các tổ chức dịch vụ, đánh giá, định giá, thẩm định công nghệ, môi giới mua bán, chuyển giao công nghệ, tài sản trí tuệ... Ngoài ra, Hà Nội tập trung phát triển và nâng cao hiệu quả của hệ thống đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm, viện nghiên cứu và trường đại học trên địa bàn là chủ thể nghiên cứu.Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội Nguyễn Hồng Sơn

Hoàn thiện khung pháp lý, chính sách về khoa học công nghệ

Theo Ủy viên Ban thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn, Hà Nội tập trung hơn 70% tổ chức khoa học, công nghệ, trường đại học, viện nghiên cứu và 82% phòng thí nghiệm của cả nước. Thành phố xác định đây là lợi thế đặc biệt quan trọng.

Thành phố cũng luôn quan tâm kết nối các doanh nghiệp, cá nhân với các nhà khoa học, chuyên gia, tổ chức khoa học và công nghệ trên địa bàn, tổ chức các hoạt động phát triển thị trường khoa học và công nghệ, trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ nhằm giúp doanh nghiệp và các tổ chức khoa học và công nghệ tiếp cận, ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại. Hà Nội cam kết sẽ tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Hà Nội đang xây dựng Sàn Giao dịch công nghệ do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố làm chủ đầu tư, dự kiến hoàn thành vào quý I/2025. Khi sàn đi vào vận hành sẽ kết nối cung - cầu, trao đổi thông tin, cơ sở dữ liệu khoa học và công nghệ giữa viện, trường, doanh nghiệp, địa phương; quảng bá sản phẩm công nghệ của các doanh nghiệp có hoạt động khoa học và công nghệ, tạo môi trường thuận lợi cho quá trình thương mại hóa sản phẩm công nghệ, nâng cao sức sản xuất và cạnh tranh của doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Lê Hồng Sơn nhấn mạnh, thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Thành phố đã triển khai các giải pháp đồng bộ, trong đó việc hoàn thiện khung pháp lý, cơ chế, chính sách về khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được ưu tiên. Trọng tâm là xây dựng những cơ chế đột phá, đặc thù nhằm đưa khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo thực sự trở thành động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Đặc biệt, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội thông qua sẽ góp phần tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo của Hà Nội với những cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù. Điều này sẽ tạo tiền đề quan trọng để Hà Nội trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực.

Một trong những điểm mới quan trọng của Luật là cơ chế thử nghiệm có kiểm soát ở một số lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực khoa học công nghệ. Hà Nội cam kết tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tổ chức và nhà khoa học, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo./.

Chiều 30/9, Bộ Khoa học và Công nghệ  phối hợp với UBND Thành phố Hà Nội đã khai mạc sự kiện “Kết nối công nghệ và đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2024 với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới sáng tạo - Động lực cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững”. Đây là sự kiện chào mừng kỷ niệm 65 năm thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ (1959-2024) và 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024).

Sự kiện gồm nhiều hoạt động chuyên sâu về công nghệ, tập trung vào các ngành, lĩnh vực đang được xã hội, doanh nghiệp quan tâm. Đặc biệt, Triển lãm với 200 gian hàng giới thiệu các dự án, sản phẩm khởi nghiệp sáng tạo, trình diễn công nghệ và kết nối cung - cầu công nghệ. Tại Lễ khai mạc, các đại biểu cũng chứng kiến lễ trao biên bản ký kết hợp tác chuyển giao công nghệ và đổi mới sáng tạo giữa các cơ quan, doanh nghiệp Việt Nam và đối tác nước ngoài.

THÙY LÊ