Kỳ vọng từ sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp

Tài chính - Ngày đăng : 08:06, 03/10/2024

(BKTO) - Với nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung, nhiều ý kiến đề nghị cần rà soát, bảo đảm tính toàn diện của Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) nhằm khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng, chống trốn thuế, thất thu thuế; đồng thời, tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN nhỏ và vừa phát triển thông qua chính sách ưu đãi thuế…
12(1).jpg
Sửa đổi Luật Thuế TNDN nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, tạo điều kiện cho DN phát triển. Ảnh minh họa

Áp dụng mức thuế suất ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Một trong những nội dung mới, quan trọng được đề cập trong Dự án Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi), trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 37 vừa qua là mức thuế suất ưu đãi và thời gian áp dụng ưu đãi. Theo đó, Dự thảo Luật bổ sung quy định áp dụng mức thuế suất ưu đãi 17% trong 10 năm đối với: Dự án đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DN nhỏ và vừa, cơ sở ươm tạo DN nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DN nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Luật Hỗ trợ DN nhỏ và vừa; dự án đầu tư tại khu kinh tế nhưng không nằm trên địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn.

Dự thảo Luật cũng quy định thuế suất 15% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm không quá 3 tỷ đồng; thuế suất 17% áp dụng đối với DN có tổng doanh thu năm từ trên 3 tỷ đồng đến không quá 50 tỷ đồng.

Trao đổi về vấn đề này, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách cho rằng, Dự án Luật quy định theo hướng chỉ áp dụng chính sách ưu đãi thuế suất không giới hạn về thời gian đối với các DN có tổng mức doanh thu năm không quá 50 tỷ đồng, không áp dụng ưu đãi đối với tất cả các DN nhỏ và siêu nhỏ theo quy định của pháp luật về hỗ trợ DN nhỏ và vừa. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ cơ sở đề xuất các nội dung sửa đổi thể hiện trong Dự thảo Luật, để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật. Đồng thời, đề nghị làm rõ căn cứ để xác định các mức ngưỡng doanh thu (không quá 3 tỷ đồng và không quá 50 tỷ đồng) để xác định phạm vi các DN nhỏ và vừa được hưởng thuế suất ưu đãi.

Thay vì quy định cụ thể mức giá trị để xác định DN nhỏ và siêu nhỏ, Dự án Luật chỉ nên viện dẫn khái niệm DN siêu nhỏ hoặc DN nhỏ thì sẽ linh hoạt hơn. Sau này, khi Chính phủ có thay đổi nội hàm khái niệm DN nhỏ, siêu nhỏ thì sẵn có để áp dụng, không nên đưa quy định cứng về giá trị tổng thu năm của DN vào Luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, hiện nay, số lượng DN nhỏ và vừa chiếm tới 98% tổng số DN. Từ năm 2018 đến nay, chúng ta mới có chính sách cụ thể để hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa được quy định cụ thể trong Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi). Vì vậy, ông Thanh đề nghị, nếu Dự án Luật được thông qua thì cần có hướng dẫn cụ thể để Luật sớm đi vào cuộc sống và các quy định cũng phải đơn giản để các DN nhỏ và vừa sớm được hưởng thụ mức thuế suất ưu đãi, để đội ngũ DN nhỏ và vừa phát triển trong thời gian sắp tới.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, chính sách giảm thuế TNDN với nhóm DN nhỏ và siêu nhỏ đưa ra trong bối cảnh hiện nay là phù hợp và có tính khả thi cao. Phần thiếu hụt do ưu đãi thuế DN nhỏ và siêu nhỏ phần nào có thể bù đắp bởi các loại thuế gián thu và các nguồn thu khác.

Nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa

Dự thảo Luật Thuế TNDN (sửa đổi) cũng quy định theo hướng bổ sung mở rộng diện các khoản thu nhập được miễn thuế so với quy định hiện hành như: Thu nhập từ chuyển nhượng tín chỉ các-bon lần đầu sau khi phát hành, thu nhập từ tiền lãi và từ chuyển nhượng trái phiếu xanh lần đầu sau khi phát hành; khoản hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước và từ Quỹ hỗ trợ đầu tư do Chính phủ thành lập; khoản bồi thường của Nhà nước theo quy định của pháp luật; khoản chênh lệch do đánh giá lại tài sản theo quy định của pháp luật để cổ phần hóa, sắp xếp lại DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; thu nhập của đơn vị sự nghiệp công lập từ cung cấp dịch vụ sự nghiệp công...

Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị cần rà soát kỹ lưỡng các nội dung liên quan đến thu nhập được miễn thuế. “Chỉ đề xuất bổ sung vào diện thu nhập miễn thuế đối với các trường hợp thực sự cần thiết, hạn chế tối đa việc mở rộng diện thu nhập được miễn thuế. Đồng thời, cần quy định chặt chẽ để tránh các trường hợp lợi dụng quy định để kê khai làm giảm nghĩa vụ thuế phải nộp, gây thất thu cho ngân sách nhà nước” - Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.

Nhấn mạnh sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế TNDN nhằm kịp thời khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý, phạm vi sửa đổi Luật phải có tính chất toàn diện hơn; đồng thời, phải lý giải kỹ, thuyết phục Quốc hội vì sao phải sửa, sửa cái gì, sửa như thế nào? “Mục tiêu cuối cùng của việc sửa Luật là bảo đảm nguồn thu ngân sách ổn định, nâng cao tỷ lệ động viên thu nội địa, khắc phục tình trạng chuyển giá, phòng, chống trốn thuế, thất thu thuế, hạn chế các hành vi làm xói mòn cơ sở thuế; bảo đảm công bằng hệ thống thuế Việt Nam phù hợp với yêu cầu thực tiễn xu thế và thông lệ quốc tế” - Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cũng lưu ý, theo thông lệ quốc tế, các nước tập trung vào đánh thuế trực thu hơn thuế gián thu, nhưng các chính sách thuế của Việt Nam hiện chưa theo thông lệ quốc tế. Do vậy, Ban soạn thảo cần cân nhắc các mức thuế suất giữa các luật về thuế để phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm nguyên tắc phân phối và phân phối lại của thuế, tính công bằng giữa các đối tượng nộp thuế.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, cần rà soát để sửa đổi hoặc bãi bỏ ưu đãi miễn giảm thuế không còn phù hợp với yêu cầu phát triển mới và yêu cầu hội nhập quốc tế; hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội với chính sách miễn, giảm thuế, bảo đảm tính trung lập của thuế để áp dụng ổn định dài hạn; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế trong đầu tư vào các ngành nghề mũi nhọn và những địa bàn lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư./.

Đ. KHOA