Dữ liệu số - nguồn lực thúc đẩy sự phát triển của ngành văn hóa
Xã hội - Ngày đăng : 06:50, 03/10/2024
Đây là thông tin được Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) Hoàng Đạo Cương cho biết tại Hội thảo “Định hướng phát triển cơ sở dữ liệu ngành Văn hóa, Thể thao, Du lịch và Gia đình” diễn ra chiều 01/10.
Thời gian qua, việc triển khai công tác chuyển đổi số tại Bộ VHTTDL đã đạt được các kết quả tích cực. Trong đó, nhận thức và hành động về triển khai chuyển đổi số của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ có nhiều chuyển biến; Việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách được quan tâm chỉ đạo đáp ứng kịp thời; dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp được triển khai ngày càng hiệu quả, tăng mức độ hài lòng đối với các dịch vụ công ích.
Hạ tầng số được tăng cường đầu tư, tập trung triển khai các nền tảng số dùng chung cho ngành VHTTDL như nền tảng bảo tàng số, nền tảng số về quản trị và kinh doanh du lịch; Nguồn lực dành cho chuyển đổi số, dữ liệu số được quan tâm, đặc biệt là kinh phí cho chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn…
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Hoàng Đạo Cương khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong thời đại ngày nay, mở ra cơ hội cho các quốc gia bứt phá vươn lên.
Tại Việt Nam, chuyển đổi số đang được Đảng, Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm. Nghị quyết số 52-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh yêu cầu cấp bách đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số.
Theo Thứ trưởng Hoàng Đạo Cương, trong bối cảnh đó, dữ liệu số đã và đang trở thành một trong những nguồn lực quý giá nhất, không chỉ là nền tảng mà còn định hình sự phát triển của các ngành kinh tế số, cũng như ngành văn hóa.
Việc kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan Nhà nước, nhất là dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu quốc gia, các hệ thống thông tin từ Trung ương đến địa phương sẽ giúp tối đa hóa giá trị dữ liệu; nâng cao chất lượng dịch vụ công cung cấp cho người dân và doanh nghiệp, theo hướng lấy người dùng làm trung tâm.
Thực tiễn triển khai hệ thống dữ liệu số của Bộ VHTTDL cho thấy, bên cạnh những kết quả đạt được, các cơ sở dữ liệu còn thiếu đồng bộ và chưa được khai thác một cách tối ưu. Vấn đề bảo mật thông tin và quyền riêng tư cũng đang đặt ra những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có cách tiếp cận toàn diện, khoa học và thận trọng.
Theo ông Nguyễn Đức Kiên - Phó Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, xác định cơ sở dữ liệu về hiện vật là nền tảng của công tác số hóa, là xương sống để vận hành và vận hành có hiệu quả phần mềm quản lý hiện vật, các cán bộ chuyên môn của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu về hiện vật từ hồ sơ, tài liệu, sổ đăng ký hiện vật... mà bảo tàng đang lưu giữ thông tin.
“Việc quản lý hiện vật bằng phần mềm còn giúp cho cán bộ chuyên môn của bảo tàng tiết kiệm được nhiều thời gian trong các khâu, từng bước chuyển biến nhận thức, nâng cao kiến thức về công nghệ thông tin và thói quen làm việc trong môi trường số" - ông Kiên nói.
Theo TS. Chu Thu Hường (Viện Bảo tồn di tích), đối với mọi ngành và lĩnh vực, dữ liệu luôn là khởi đầu quan trọng đảm bảo sự khoa học và hiệu quả của nghiên cứu. Hiện, Viện Bảo tồn di tích đã có được kho tư liệu số khá đồ sộ đóng góp vào cơ sở dữ liệu của ngành Văn hóa.
Đến nay, ngân hàng dữ liệu số về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam với hơn 4.000 di tích được upload lên hệ thống, đã trở thành một kênh quan trọng trong việc giới thiệu về di tích và công tác bảo tồn di tích ở Việt Nam.
Từ ngân hàng dữ liệu này, không chỉ đóng góp dữ liệu tổng quan về di tích của Việt Nam mà còn cung cấp các dữ liệu chi tiết khoa học về các di tích cụ thể, các thông số kỹ thuật trùng tu di tích...
Tại Hội thảo, các đại biểu cũng tập trung trao đổi về những vướng, bất cập trong triển khai hệ thống dữ liệu số và ứng dụng trong hoạt động của ngành văn hóa; kinh nghiệm, giải pháp huy động nguồn lực đầu tư cho hạ tầng dữ liệu số; việc chuyển đổi số và tích hợp các công nghệ mới trong các lĩnh vực bảo tồn di tích, văn hóa…