Hà Nội: Xem xét, quyết nghị các nội dung có tác động lớn, đảm bảo an sinh xã hội
Địa phương - Ngày đăng : 15:30, 04/10/2024
Căn cứ các quy định của luật và tình hình, yêu cầu thực tiễn của Thành phố, trên cơ sở thống nhất với UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Thành phố, Thường trực HĐND Thành phố quyết định triệu tập kỳ họp thứ 18 để kịp thời xem xét, quyết định một số vấn đề quan trọng, cấp thiết, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành, phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố. Kỳ họp này diễn ra trong 01 ngày và là kỳ họp chuyên đề khối lượng công việc lớn, với 20 nội dung gồm: 05 nội dung quy phạm pháp luật, 15 nội dung chuyên đề.
Bổ sung 925,4 tỷ đồng để thực hiện chính sách an sinh xã hội
HĐND Thành phố Hà Nội đã đồng ý phương án sử dụng 2.000 tỷ đồng thưởng vượt dự toán các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố; đầu tư trở lại từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi thường xuyên của ngân sách trung ương năm 2023.
Theo đó, bổ sung dự toán chi đầu tư phát triển năm 2024 là 1.000 tỷ đồng; thưởng vượt dự toán thu ngân sách năm 2023 (đối với các khoản thu phân cấp cho quận, huyện, thị xã quản lý, điều tiết về ngân sách cấp thành phố) cho ngân sách 4 quận 74,6 tỷ đồng (quận Đống Đa 11,113 tỷ đồng; quận Hai Bà Trưng 5,62 tỷ đồng; quận Cầu Giấy 50,791 tỷ đồng; quận Long Biên 7,076 tỷ đồng).
HĐND Thành phố cũng quyết định bổ sung kinh phí thực hiện một số chính sách đã được thành phố và Trung ương ban hành trong năm 2024 gồm 925,4 tỷ đồng.
Hỗ trợ hơn 213 tỷ đồng phát triển sản xuất cây vụ đông
Theo số liệu tổng hợp đến ngày 16/9/2024, ước tính thiệt hại trong sản xuất nông nghiệp sau bão số 3 và mưa lũ sau bão là trên 2.287 tỷ đồng. Trên địa bàn Thành phố xảy ra khoảng 40 sự cố công trình đê điều và trên 150 sự cố công trình thủy lợi cùng các sự cố, ảnh hưởng khác về ngập lụt.
Để khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau bão, sớm ổn định đời sống nhân dân, UBND Thành phố chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền địa phương các cấp xây dựng, triển khai thực hiện các phương án phục hồi sản xuất. Từ nay đến cuối năm, việc phát triển sản xuất trồng trọt chỉ có thể tập trung vào phát triển một số loại cây trồng vụ đông để đáp ứng ngay việc khôi phục sản xuất. Đồng thời, Hà Nội là một trong những địa phương sản xuất cây vụ đông trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Hồng. Phát triển cây vụ đông là cơ hội để hộ nông dân tăng thêm thu nhập, cải thiện đời sống, góp phần tăng 5 lượng nông sản hàng hóa, đặc biệt là một số loại nông sản có giá trị chất lượng cao.
Từ những lý do thực tiễn nêu trên và để kịp thời góp phần ổn định tình hình sản xuất sau thiên tai bão lũ và hỗ trợ người dân phát triển sản xuất, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua nghị quyết Hỗ trợ phát triển sản xuất cây vụ đông góp phần khắc phục hậu quả bão số 3 trên địa bàn thành phố năm 2024.
Theo đó, đối tượng áp dụng nghị quyết là các tổ chức, cá nhân trực tiếp thực hiện sản xuất cây vụ đông năm 2024 tại các diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại từ 30% trở lên do bão số 3 và mưa lũ sau bão. Chủng loại cây trồng được hỗ trợ là cây đậu tương, ngô, khoai tây, khoai lang, lạc, rau các loại. Thời gian áp dụng vụ đông năm 2024.
Nội dung, mức hỗ trợ sau khi đánh giá mức độ thiệt hại tại diện tích sản xuất nông nghiệp do bão số 3 và mưa lũ sau bão, hỗ trợ bổ sung kinh phí cho tổ chức, cá nhân triển khai gieo trồng cây vụ đông năm 2024 tại diện tích sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại và cây trồng sinh trưởng, phát triển ổn định. Cụ thể, đối với đậu tương, ngô, lạc là 12 triệu đồng/ha; khoai tây, khoai lang là 30 triệu đồng/ha; rau các loại là 10 triệu đồng/ha. Nguồn kinh phí từ nguồn ngân sách cấp thành phố cấp bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp huyện để hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định. Tổng kinh phí dự kiến là 213,392 tỷ đồng.
Quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục năm học 2024-2025
Tính đến tháng 7/2024, Hà Nội có 298 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông tự bảo đảm chi thường xuyên (không bao gồm các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao), trong đó: 296 cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên cung cấp hoạt động dịch vụ sự nghiệp công thuộc danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên; 2 cơ sở giáo dục công lập tự bảo đảm chi thường xuyên (không thuộc loại hình đơn vị trên).
Đối với các cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao, tính đến tháng 7/2024 Hà Nội có 17 cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập chất lượng cao. Trong đó: 16 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao tự bảo đảm chi thường xuyên; 1 cơ sở giáo dục công lập chất lượng cao chưa tự bảo đảm chi thường xuyên (trường THCS Chu Văn An - Long Biên).
Với đa số đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của Hà Nội năm học 2024-2025.
Đối tượng áp dụng nghị quyết gồm: Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập tự bảo đảm chi thường xuyên của Hà Nội (không bao gồm các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập đang thực hiện thí điểm đặt hàng giá dịch vụ giáo dục theo quy định tại Nghị quyết số 02/2023/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND Thành phố về giá dịch vụ giáo dục tạm thời để thực hiện thí điểm đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông sử dụng ngân sách nhà nước của Hà Nội; các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao) và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này. Các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chất lượng cao của Hà Nội và trẻ em mầm non, học sinh phổ thông đang theo học tại các cơ sở giáo dục này.
Mức thu học phí theo hình thức học trực tuyến: bằng 75% mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp và được làm tròn đến đơn vị nghìn đồng. Nghị quyết cũng quy định áp dụng mức thu học phí theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến đối với các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông công lập trong trường hợp xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng.
Đối với các tháng đồng thời áp dụng cả hai hình thức học trực tiếp và trực tuyến: Căn cứ thời gian học tập của học sinh tại đơn vị đó để áp dụng mức thu học phí của tháng đó. Trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tiếp từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tiếp; trường hợp thời gian học tập theo hình thức học trực tuyến từ 14 ngày trở lên thì thực hiện thu theo hình thức học trực tuyến (bao gồm cả số ngày nghỉ theo quy định của pháp luật) và mức thu học phí tương ứng đã được quy định.
Quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin
Với 100% đại biểu có mặt tán thành, HĐND Thành phố đã thông qua quy định thẩm quyền quyết định việc đầu tư, mua sắm đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước Thành phố Hà Nội.
Đối tượng áp dụng gồm các cơ quan thành phố Hà Nội; cơ quan nhà nước; đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Thành phố; Cơ quan Đảng Cộng sản Việt Nam, Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; tổ chức khác được thành lập theo quy định của pháp luật về hội. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Nghị quyết cũng nêu rõ, thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách có thẩm quyền quyết định đầu tư, mua sắm đối với các hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng kinh phí chi thường xuyên nguồn vốn ngân sách Nhà nước thành phố Hà Nội được giao trong dự toán ngân sách Nhà nước của đơn vị, cụ thể: hoạt động đầu tư hệ thống thông tin, phần cứng, phần mềm, cơ sở dữ liệu; hoạt động thuê dịch vụ công nghệ thông tin không sẵn có trên thị trường.
Bổ sung danh mục 73 dự án thu hồi đất năm 2024
Tại phiên họp sáng 04/10, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua điều chỉnh, bổ sung danh mục các công trình, dự án thu hồi đất năm 2024, danh mục các dự án chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa năm 2024 trên địa bàn Thành phố.
Theo đó, HĐND Thành phố nhất trí điều chỉnh, bổ sung nội dung các dự án đã được xác định tại Nghị quyết số 34/NQ-HĐND ngày 06/12/2023 (điều chỉnh, bổ sung tại Nghị quyết số 05/NQ-HĐND ngày 29/3/2024 và Nghị quyết số 20/NQ-HĐND ngày 2/7/2024) của HĐND Thành phố như sau: Điều chỉnh giảm 3 dự án thu hồi đất với diện tích 0,53ha; điều chỉnh tăng diện tích đất thu hồi tại 12 dự án với diện tích 59,91ha; điều chỉnh giảm diện tích đất thu hồi tại 6 dự án với diện tích 100,84ha; bổ sung diện tích đất trồng lúa tại 43 dự án với diện tích 216,38ha; điều chỉnh tên dự án, quy mô dự án, mã loại đất, căn cứ pháp lý thực hiện dự án (không thay đổi diện tích đất thu hồi) tại 9 dự án.
HĐND Thành phố cũng đồng ý bổ sung danh mục 73 dự án thu hồi đất năm 2024 với tổng diện tích 98,59ha; bổ sung danh mục 6 dự án chuyển mục đích đất trồng lúa với diện tích 8,67ha.
Đối với kinh phí bố trí để bồi thường, giải phóng mặt bằng, HĐND Thành phố thống nhất, trên cơ sở danh mục dự án được HĐND Thành phố thông qua, các dự án sử dụng vốn ngân sách thành phố được cân đối trong Nghị quyết về phân bổ dự toán ngân sách thành phố năm 2024 của HĐND Thành phố; các dự án sử dụng ngân sách cấp quận, huyện, thị xã do quận, huyện, thị xã bố trí; các dự án ngoài ngân sách do chủ đầu tư bố trí theo tiến độ đầu tư, đảm bảo bố trí đủ kinh phí phần giải phóng mặt bằng năm 2024./.