Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp
Xã hội - Ngày đăng : 21:37, 05/10/2024
Diễn đàn do Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường và Báo Nông nghiệp Việt Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NNPTNT) đồng tổ chức, qua đó nhằm đề xuất các giải pháp cụ thể, tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và đảm bảo an toàn thực phẩm.
Theo đại diện Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường, diễn đàn còn hướng tới việc xây dựng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích đầu tư và phát triển bền vững trong nông nghiệp, giúp người nông dân tiếp cận tri thức mới; nâng cao khả năng cạnh tranh và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tại diễn đàn, các cơ quan chuyên môn và viện nghiên cứu thuộc Bộ NNPTNT đã trình bày những kết quả nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Đồng thời, nhiều đại biểu tham dự diễn đàn cũng tập trung thảo luận về định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phù hợp với nhu cầu thực tiễn tại Việt Nam...
TS. Cao Đức Phát - nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Chủ tịch HĐQT Viện Nghiên cứu Lúa Quốc tế cho biết, những kết quả của công nghệ sinh học đã giúp ngành nông nghiệp có nhiều thành tựu đột phá trong 30 năm qua. Trong đó, những công nghệ nổi bật có nuôi cấy mô giúp lĩnh vực trồng trọt, đặc biệt là các sản phẩm như ngô, đỗ tương, bông… có năng suất vượt trội, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, cải thiện chất lượng đất, môi trường.
Theo thống kê, thế giới có khoảng 200 triệu ha cây trồng biến đổi gen. Tỷ lệ chiếm nhiều nhất là đậu tương, lên tới gần 80% diện tích. Ngoài ra, diện tích trồng ngô cũng tới hơn 25%. Bên cạnh nuôi cấy ngô, công nghệ sinh học giúp đẩy mạnh sử dụng các chế phẩm sinh học, giúp đảm bảo mùa vụ, nâng cao thu nhập cho người dân.
“Điều đáng tiếc là áp dụng công nghệ sinh học ở Việt Nam còn chậm, khoảng cách với thế giới có xu hướng ngày càng tăng và chưa đạt mục tiêu của Đảng, Nhà nước đặt ra. Trong đó, cản trở chính là nhận thức” - ông Phát nói.
Thông qua không gian của diễn đàn hôm nay, TS Cao Đức Phát hy vọng các bên liên quan cùng thống nhất và quyết tâm thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển công nghệ sinh học một cách hiệu quả.
Hiện công nghệ sinh học đã phát triển sang công nghệ vi sinh, công nghệ nano, công nghệ tế bào, công nghệ chỉnh sửa gen… giúp ngành nông nghiệp đạt được những đỉnh cao mới. Giới hạn áp dụng công nghệ sinh học cũng không còn bó buộc trong trồng trọt, mà mở ra sang chăn nuôi, thủy sản.
Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0, công nghệ số, công nghệ AI… cũng là một bước đệm giúp công nghệ sinh học có thể phát triển mạnh hơn. Do đó, nguyên Bộ trưởng Bộ NNPTNT kêu gọi cần phải có chiến lược đào tạo nhân lực, xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp để tận dụng xung lực từ công nghệ sinh học.
Ông Trần Văn Cao - Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, những năm qua, các hình thái thời tiết khốc liệt đã và đang gây tổn thất nặng nề về kinh tế, hạ tầng và đặc biệt là hoạt động sản xuất nông nghiệp, đe dọa trực tiếp đến an ninh lương thực toàn cầu.
Để góp phần giải quyết vấn đề nói trên, một thế hệ cây trồng mới đã được tạo ra, có khả năng kháng một số loại sâu, bệnh nguy hiểm, chống chịu với các hình thái thời tiết cực đoan với tên gọi: cây trồng chuyển gen, hay nói cách khác, đó là sự xuất hiện của công nghệ sinh học để tạo ra đột phá.
PGS,TS. Nguyễn Hữu Ninh - Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường đã có những chia sẻ về quá trình các nước đang triển khai ứng dụng công nghệ sinh học và Việt Nam đang ứng dụng thế nào.
Sự phát triển vượt bậc của công nghệ sinh học trên thế giới xuất phát từ nhiều nguyên nhân như dân số tăng, nhu cầu an ninh lương thực cần đảm bảo, biến đổi khí hậu, thiên tai dịch bệnh. Như vậy, cần thiết phải điều chỉnh áp dụng công nghệ tạo ra những giống mới để tạo ra sản phẩm đem lại hiệu quả sản xuất tốt hơn cho người dân, đáp ứng nhu cầu về an ninh lương thực.
Để đảm bảo ứng dụng công nghệ sinh học tạo ra sự đột phá, những kỹ thuật nhân giống hiện đại, kỹ thuật di truyền và chỉnh sửa bộ gen đã cung cấp các giống mới với các tính trạng mong muốn như: tính chịu hạn, kháng bệnh, chống chịu mặn; sử dụng chất dinh dưỡng, tăng năng suất và sức sống tự nhiên, hiệu quả sử dụng nước…
Tuy nhiên “nghiên cứu khoa học công nghệ luôn có độ trễ so với thực tế. Những điều chỉnh hôm nay phải nhiều năm sau mới bắt đầu phát huy tác dụng. Tác động của công nghệ sinh học, vì thế, tương đối khó cảm nhận” - ông Ninh lưu ý.