HTX Nông nghiệp 118 nơi giúp nhiều hộ dân vùng biên giới có công ăn việc làm

Xã hội - Ngày đăng : 20:17, 28/09/2024

Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp 118 ở xóm Nà Chùa, thị trấn Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng đang là một trong những mô hình tạo giá trị gia tăng từ việc trồng dâu nuôi tằm. Được hỗ trợ của Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng, cuối năm 2019, HTX Nông nghiệp 118 được thành lập với 9 thành viên là những hộ nông dân trồng dâu, nuôi tằm trên địa bàn.

Hợp tác xã (HTX) liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Tây Bắc để thu mua toàn bộ kén tằm của các hộ dân, tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 6 - 7 lao động địa phương với thu nhập 5 - 6 triệu đồng/tháng.

Đến nay, các thành viên của HTX đã phát triển diện tích cây dâu tằm lên 6 ha và liên kết sản xuất, tiêu thụ thêm 3 ha, thu hút các thành viên tại các xã Hồng Trị, Cô Ba, Bảo Toàn. Năm 2020, HTX Nông nghiệp 118 đã quy hoạch lại vườn, xây dựng nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm, ứng dụng khoa học công nghệ và trang bị phục vụ sản xuất. Chỉ tính riêng trong 3 tháng đầu năm 2023, HTX đã liên kết sản xuất được hơn 5 tấn kén. Với giá 150.000 đồng/kg, HTX là đầu mối trung gian kết nối giữa hộ nông dân với doanh nghiệp trong thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm.

Tại xưởng ươm tằm giống của HTX Nông nghiệp 118 ở xã Hồng Trị, huyện Bảo Lạc, khi chúng tôi đến, chủ cơ sở ươm tằm giống đang tỉ mẩn kiểm tra từng khay trứng tằm mới được HTX vào trứng ít hôm. Xưởng ươm tằm giống này có diện tích 300m2 với sức chứa khoảng 600 lá tằm.

htx-nong-nghiep-118-2.jpg.jpg
HTX Nông nghiệp 118 đã quy hoạch lại vườn, xây dựng nhà ươm nuôi và sản xuất kén tằm, ứng dụng khoa học công nghệ và trang bị phục vụ sản xuất

Chia sẻ với chúng tôi, anh Nông Văn Hoàn - Giám đốc HTX Nông nghiệp 118 cho biết, bản thân anh xuất phát từ một nông dân, trồng ngô lúa. Năm 2012, anh đi vào xã Cô Ba - xã biên giới của huyện Bảo Lạc - thấy người dân trồng dâu nuôi tằm rất hiệu quả nên đã bén duyên từ đó.

Đến năm 2019, anh Hoàn thành lập HTX Nông nghiệp 118 và xây dựng một xưởng ươm tằm ở thị trấn Bảo Lạc. Xưởng chuyên cung cấp tằm con cho các hộ trồng dâu nuôi tằm của huyện; giúp người trồng dâu nuôi tằm ở huyện Bảo Lạc không phải nhập tằm từ Trung Quốc. Lứa đầu tiên ấp nở, bà con đem nuôi rất hiệu quả.

Theo anh Hoàn, tằm giống HTX ươm phục vụ chủ yếu ở các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm của tỉnh Cao Bằng và một số huyện lân cận của các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn. Bản thân anh cũng liên hệ với Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc ở Sơn La, kết nối đầu ra cho sản phẩm trong vòng 24 tháng. Phía công ty đánh giá rất cao kén tằm tơ được nuôi trồng tại huyện Bảo Lạc.

Năm 2022, Công ty Dâu tằm tơ Tây Bắc ký tiếp hợp đồng bao tiêu kén tằm tơ cho huyện Bảo Lạc trong 5 năm. Đến 2023, Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái cũng đã lên Bảo Lạc khảo sát và ký cam kết bao tiêu sản phẩm kén tằm tơ.

Trở thành "vua tằm" Bảo Lạc

Nói về nghề trồng dâu nuôi tằm, đặc biệt là ươm tằm giống, anh Hoàn cho biết, khó khăn nhất là máy móc do chi phí đầu tư thiết bị khá cao và chủ yếu phải nhập từ Trung Quốc.

Cái khó thứ hai là vùng trồng dâu nuôi tằm. Tại huyện Bảo Lạc, diện tích trồng dâu manh mún, chưa có quy hoạch vùng nguyên liệu, do đó lá dâu dễ bị nhiễm các loại thuốc từ ở khu vực trồng lúa hoặc trồng cây ăn quả khác, gây ảnh hưởng đến con tằm.

Đến nay, toàn tỉnh Cao Bằng có 408 HTX tăng, 5,4 % so với cùng kỳ năm 2022, trong đó có 150 HTX nông nghiệp, 258 HTX phi nông nghiệp. Hiện, Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng có 180 thành viên.

Các HTX phát triển rộng khắp ở các huyện, thành phố, ở vùng sâu, vùng xa và phát triển mạnh mẽ ở các lĩnh vực có lợi thế như khai thác đá, vật liệu xây dựng, khai thác khoáng sản; tham gia đấu thầu thi công các công trình dân dụng quy mô nhỏ; cơ khí và sửa chữa, chế biến gỗ, đan lát, dệt thổ cẩm; dịch vụ vệ sinh môi trường; du lịch, vận tải hàng hoá, hành khách, dịch vụ phụ tùng và sửa chữa ô tô; chăn nuôi, cung ứng giống, thức ăn chăn nuôi; trồng và bảo vệ rừng; chế biến lương thực, thực phẩm chất lượng cao; xuất nhập khẩu hàng hoá, bốc xếp, dịch vụ vật tư, hàng hoá....

Các HTX đã góp phần tích cực vào việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và điều hoà các quan hệ về sở hữu và lợi ích kinh tế, đóng góp vào GDP và ngân sách ngày càng tăng. Khu vực kinh tế tập thể đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 3.400 lao động, hàng ngàn lao động có thu nhập ổn định, góp phần tích cực xoá đói, giảm nghèo trong nông thôn và xây dựng nông thôn mới.

Liên minh HTX tỉnh Cao Bằng đã phát huy được vai trò đại diện cho các HTX. Vị thế của Liên minh HTX tỉnh tiếp tục được khẳng định và nâng cao, thực sự là chỗ dựa tin cậy cho các HTX và doanh nghiệp thành viên phát triển. Đây cũng là động lực để trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các đơn vị thành viên, giữ vai trò nòng cốt và thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.

Có thể khẳng định, kinh tế tập thể mà nòng cốt là HTX đã có những đóng góp lớn vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh Cao Bằng. Số lượng HTX thành lập mới ngày càng tăng, phát triển đa dạng hơn về ngành nghề, quy mô và trình độ, hỗ trợ tốt hơn cho các thành viên, tạo việc làm và nâng cao thu nhập thường xuyên cho người lao động.

Đông Sơn